Chưa trường ĐH nào dời khỏi nội thành

03/12/2010 00:31 GMT+7

Chủ trương di dời các trường ĐH ra ngoại thành có từ năm 2007 nhưng đến thời điểm này thực tế triển khai gặp phải vô vàn khó khăn và không biết bao giờ mới thực hiện được.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhận định: “Việc phê duyệt mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 đã quy định rõ là phát triển mạng lưới phải đáp ứng yêu cầu di dời của các trường trong khu vực nội thành TP Hà Nội, nhưng đến thời điểm này thì chưa có một trường nào ra khỏi nội thành”.

Bà Thanh cũng cho hay: “Nguyện vọng chung của các nhà trường là có thêm cơ sở 2 chứ không di dời. Các trường ĐH, CĐ chủ yếu nằm trên địa bàn các quận nội thành, hiện nay có khoảng 58 trường”.

Ông Lê Văn Học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Hà Nội trình Chính phủ quyết định lộ trình chuyển một số trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành là một việc hết sức khó khăn. Hiện 4 quận nội thành cũ Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàn Kiếm đã có 26 trường ĐH, CĐ với gần 70.000 sinh viên đang học tập, làm tăng mật độ dân cư, ách tắc giao thông, bất cập về môi trường. Việc di dời các trường này toàn bộ hoặc một phần cũng phải tính toán kỹ”.

Mặt khác, ông Học cho biết: “Thực ra là vấn đề kinh phí rất lớn, vượt quá khả năng hiện nay của Hà Nội và của cả nước, do đó khó thực hiện và bản thân sinh viên cũng như giảng viên các trường, cán bộ quản lý cũng vậy, không có ai muốn rời khỏi trung tâm thủ đô vì ở đó cơ sở hạ tầng rất kém, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, cho nên họ không yên tâm học tập và làm việc tại cơ sở mới”. Ông nêu thực tế: cách đây hơn 10 năm, Chính phủ và Hà Nội đã dành 400 ha đất ở Tây Mỗ cho 7 trường ĐH giãn ra khỏi các quận nội thành nhưng năm 2008 thành phố lấy lại khu đất này cho mục đích khác vì sau 10 năm các trường không có kinh phí để thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở tại đó.

Việc triển khai dự án ĐH Quốc gia Hà Nội nhằm góp phần giảm tải cho Hà Nội lại  triển khai quá chậm. Sau gần 15 năm thực hiện quy hoạch tại Láng - Hòa Lạc đến nay cũng chưa có một giảng viên và sinh viên nào lên học tập tại địa điểm mới.

Theo phương án Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trình UBND thành phố cuối tháng 10.2010, sẽ có 12 trường ĐH, CĐ được chuyển ra ngoại thành và được bố trí ở các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (đào tạo khối Nông nghiệp, Kỹ thuật và Công nghệ), Sóc Sơn (đào tạo là Kỹ thuật, Công nghệ thông tin), Sơn Tây (đào tạo ngành Văn hóa xã hội, Sư phạm, Du lịch, kết hợp với hệ thống trường quân đội hiện có), Hòa Lạc (chủ yếu cho ĐHQG Hà Nội, đào tạo ngành Khoa học cơ bản, Công nghệ, Kỹ thuật, Y Dược và các nghiên cứu chuyên sâu).

Muốn nhưng quá nhiều trở ngại 

Hầu hết lãnh đạo các trường ĐH tại TP.HCM đều tỏ ra tán đồng với chủ trương di dời trường ra ngoại thành. Tuy nhiên, trở ngại là vấn đề quỹ đất, nguồn kinh phí để đầu tư và  thủ tục hành chính rườm rà cũng là trở ngại lớn mà các trường gặp phải. Bên cạnh đó, ông Ngô Hướng - Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng: “Với những trường có truyền thống, lịch sử lâu đời thì cần phải cân nhắc có nên di dời ra ngoại thành hay không, nếu di dời thì thế nào là hợp lý”.

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 3 khu ĐH tập trung: Khu ĐH phía tây bắc (huyện Hóc Môn và Củ Chi) với diện tích 660 ha bố trí cho các trường: ĐH Sư phạm (53 ha), ĐH Y Dược (115 ha), ĐH Mở (20 ha), CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (5 ha)...

Khu ĐH phía nam (Q.7, huyện Bình Chánh và Nhà Bè), với tổng diện tích 735 ha, gồm các trường: ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Thể dục -  Thể thao, CĐ Tài chính - Kế toán, ĐH Quốc tế RMIT, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cảnh sát nhân dân, CĐ Tài nguyên - Môi trường TP.HCM (dự kiến) và ĐH Kỹ thuật công nghệ (dự kiến).

 Khu ĐH phía đông bắc (Q.9, Q.Thủ Đức và huyện Dĩ An - Bình Dương), với tổng diện tích 815 ha gồm các trường: ĐH Quốc gia, ĐH Luật, ĐH Kinh tế, CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Tài chính hải quan, ĐH Tài chính - Marketing và trường Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục.

Hà Ánh - Đăng Nguyên

GS-TS Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Đáng lẽ phải làm từ hơn 10 năm trước

Bộ GD-ĐT xác định lộ trình thực hiện chủ trương này như thế nào, thưa ông?

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến các trường, sau đó xây dựng đề án và gửi cho Bộ Tài chính tính toán về tài chính. Đến năm 2011, sẽ có phương án rất cụ thể về việc trường nào cần di dời hoàn toàn, trường nào chỉ di dời một phần.

Thưa ông, di dời các trường ra ngoại thành là vì nội thành đã không đáp ứng đủ điều kiện để giảng dạy có chất lượng?

Quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc di dời các trường ra ngoại thành không phải vì sự quá tải về cơ sở hạ tầng của thành phố mà việc này là vì sự sống còn của ngành giáo dục - đào tạo. Các trường không thể có vài héc-ta hay vài ngàn mét vuông được mà cần phải có đất đủ để đạt một tiêu chuẩn cần thiết. Một trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo các trường là đất bình quân/sinh viên.

Tương lai, khi giao đất, các trường chỉ được tuyển số lượng sinh viên nhất định để đảm bảo tiêu chí này. Đáng lẽ việc này phải làm từ 10 - 15 năm trước nhưng chúng ta chưa có điều kiện. Trong tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đề ra, không phải là tất cả các trường sẽ di dời ra ngoại thành mà với những trường có lịch sử, truyền thống lâu đời, gắn bó với địa phương thì sẽ ghi nhận, không di dời.

Đặt ra trường hợp các trường có ý định di dời quá ít, khó thực hiện được chủ trương này thì sao?

Không thể ít được. Hơn 40 trường tại TP.HCM, trường nào cũng chỉ có diện tích đất dưới 2 ha và cũng đều cần thiết có cơ sở giảng dạy tốt hơn.

Đăng Nguyên - Hà Ánh

 Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.