Làm sao để có ca từ đẹp?

10/11/2005 20:37 GMT+7

Nói đến việc đặt lời (ca từ) cho các ca khúc tân nhạc thì ai cũng phải công nhận Trịnh Công Sơn (TCS) là một trong những nhạc sĩ bậc thầy.

Những tình khúc của ông với phần từ ngữ đẹp đến bất ngờ, bài nào cũng như một bài thơ: "Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai. Tuổi nào mơ kết mây trong sương mờ..." (Còn tuổi nào cho em), "Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm. Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm..." (Ru em từng ngón xuân nồng), "...Rồi từ đây em gọi, tình yêu dấu chim bay. Gọi thân hao gầy, gọi buồn ngất ngây..." (Gọi tên bốn mùa), "Về lại nơi cuối trời làm mây trôi” (Phôi pha)... Đôi khi TCS dùng từ một cách... vô lý, khó hiểu nhưng tuyệt hay: "Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím..." (Chiều một mình qua phố). Nhưng đâu chỉ có TCS đặt lời hay mà ngay từ khi nền tân nhạc mới tiếp cận với đất nước Việt Nam thì những nhạc sĩ tiên phong cũng đã rất cẩn trọng khi đặt lời, bởi phần nhạc đã mượn của Tây thì phần lời phải chuyển tải được cái hồn dân tộc. Văn Cao với "Ai lướt đi ngoài sương gió. Không dừng chân đến em bẽ bàng...”  (Buồn tàn thu), Trần Hoàn với “Ngày nào nghe tiếng chim ca líu lo trên cành hoa đào, em nhủ thầm rằng bóng dáng người tình về, về đến bến đò đầu làng...” (Lời người ra đi), Đan Thọ với "Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài...” (Chiều tím), Doãn Mẫn với "Biệt ly, nhớ nhung từ đây..." (Biệt ly)... Nhưng không phải ai cũng có "khiếu" văn chương để có những ca từ hoa mỹ bởi cũng có người chỉ biết sáng tác phần nhạc, do đó họ phải kết hợp với một người có khả năng đặt lời, đó là những trường hợp của Đặng Thế Phong - Bùi Công Kỷ (Con thuyền không bến, Giọt mưa thu...), Nguyễn Văn Thương -Kim Minh (Đêm đông, Bướm hoa), Đoàn Chuẩn - Từ Linh (Gởi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh, Tình nghệ sĩ, Thu quyến rũ, Lá đổ muôn chiều…)... Cũng có những nhạc sĩ dư khả năng đặt lời nhưng lại rất thích lấy thơ của người khác ra phổ nhạc và rất thành công như trường hợp Phạm Duy và Phan Huỳnh Điểu và nhiều nhạc sĩ khác. Có thể nói, nhạc sĩ Phạm Duy là "phù thủy" - bất cứ bài thơ nào qua tay ông phổ nhạc thì nhà thơ đó nổi như cồn dù trước đó ít ai biết đến họ (Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Đào Văn Trương, Bùi Văn Bình, Vũ Hữu Định...). Thế nhưng, khi Phạm Duy đem ngôn ngữ đường phố vào bài hát thì chẳng ai thèm hát hoặc chẳng để lại một dấu ấn gì: "Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi Tám. Sức mấy mà buồn, chịu chơi cả với buồn... (Sức mấy mà buồn), 10 bài tục ca... Còn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì thẳng thắn: "Phải nói thật là rất ít nhạc sĩ sáng tác có khả năng sử dụng ngôn ngữ (ca từ) phong phú bằng các nhà thơ. Tôi lười... chọn chữ nên rất hay đọc thơ và hễ bắt gặp bài thơ nào hay, hợp với tâm trạng thì phổ..." (và ông đã có những ca khúc phổ thơ thật hay như: Bóng cây kơnia (thơ Ngọc Anh), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Thuyền và biển, Thư tình trước mùa thu (thơ Xuân Quỳnh)... Có một số nhạc sĩ lại sính đưa điển tích hoặc các địa danh xa lạ vào bài hát: "...nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới đào nguyên..." (Thiên Thai - Văn Cao), "...Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng, bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi nghìn trùng…” (Hòn Vọng Phu I - Lê Thương), "...Đường Vạn Xuyên, đường Cổ Lũy duyên núi sông vẫn chưa xóa nhòa…" (Hòn Vọng Phu III - Lê Thương) "...Cung A phòng vẫn thương Cô Tô…" (Hương xưa - Cung Tiến), "...Sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên dòng sông Đa-nuýp…” (Bên cầu biên giới - Phạm Duy)... xa lạ nhưng không hề khiên cưỡng nên người ta vẫn hát và thuộc lòng. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận không chỉ có Du kích sông Thao trứ danh mà ca khúc Việt Nam quê hương tôi thật hình tượng và quá đẹp về mặt ca từ. Và không chỉ nhạc trữ tình mới có ca từ đẹp mà ngay cả nhạc đấu tranh cũng mượt mà sâu lắng: "Đồng lúa reo tay người mẹ hiền, mười mấy năm tảo tần mọi miền, nuôi con khôn mai nầy giữ nước. Cho quê hương lúa vẫn nở nhịp nhàng…" (Đồng lúa reo - Tôn Thất Lập) hoặc "Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca phút ban đầu người tình thương mến nhau. Lời tôi ca như lửa ấm của con tim biết yêu nồng sưởi cho nhau cơn giá lạnh ngày đông…" (Không ai ngăn nổi lời ca - La Hữu Vang). Có một ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn mà phần ca từ rất "mộc mạc" có-sao-viết-vậy: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ  dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai cũng từng nghĩ về đời mình…” (Một đời người, một rừng cây) - nghe đơn giản là vậy nhưng chúng tôi đã hết sức xúc động khi được nghe các anh, các chị TNXP hiện đang là quản giáo ở các trường cai nghiện ma túy giữa núi rừng Daklấp (Đắk Nông) hát như là để tự động viên mình và cũng như để tâm sự với chúng tôi. Ai nghe Một mình của nhạc sĩ Thanh Tùng mà không thấy lòng mình rưng rưng, rồi những Ca dao em và tôi (An Thuyên), Chị tôi (Trọng Đài), Cho em một ngày (Dương Thụ), Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương)... đều là những ca khúc đẹp cả giai điệu lẫn ca từ... Có khá nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay chẳng chú trọng lắm về mặt ca từ, hoặc viết chưa đủ "đô" để có thể thẩm thấu hoặc có những suy nghĩ lệch lạc nên đặt lời ca rất tùy tiện, dễ dãi và hời hợt - thậm chí nhét cả tiếng Tây vào, đâm ra "nửa nạc, nửa mỡ"... Xin được kết thúc bài viết này với ca khúc Xin làm người hát rong mà nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã như trải lòng ra với đời, để mong "đời không chê trách" khi "từ bao năm chân phiêu lãng quên quay về…” với dòng sông, lũy tre làng và câu ru của mẹ, có như thế mới thấy: yêu thương con người. Ca từ cũng thế, để tránh những sự hời hợt, lai căng người sáng tác phải thật sự đắm mình vào nguồn cội dân tộc thì mới thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt!


Ca sĩ Thanh Lam

Ca từ sex!

 

Có người bạn hỏi tôi: "Ông viết "nhạc sến", rồi "nhạc chế" và "nhạc hài". Thế có "nhạc... sex" không ? Tôi bảo: "Có đấy! Nhưng không phải là "nhạc sex" mà là "ca từ sex". Này nhé: "...Đưa ta đi về nguyên thủy loài người, tình yêu khi muốn ngỏ: vụng về làm bằng dấu đôi tay. Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về, thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi, ta đưa ta đến vùng tuyệt vời, đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi..." (24 giờ phép - Trúc Phương) - hát lướt qua thì không thấy gì nhưng nếu lấy "kính lúp" soi từng con chữ thì lại là... “chuyện phòng the"! Rồi: "...Em khăn tang cô phụ, còn lóng lánh dấu ái ân..." hoặc "...Cho anh một lần, anh được gì không ? Em còn gì không ?..." (Trần Thiện Thanh). Có một ca khúc mà chỉ trong 3 câu hát đã đặc tả được cả một "quy trình... yêu" trong đời một người phụ nữ: làm người yêu, làm vợ và làm mẹ: "...Cho anh môi hồng còn thắm, cho anh trái ngọt vườn cấm và còn cho nữa tiếng ru trẻ thơ..." (Căn nhà màu tím - Hoài Linh). Thật không còn gì chính xác và... tuyệt vời hơn thế nữa !

H.Đ.N

Lời bài hát cần phải có văn và tinh tế

Người Việt mình thích hát và thích nghe hát, chưa có thói quen thưởng thức nhạc đàn. Cho nên ở ta, âm nhạc thường được hiểu là bài hát. Mà bài hát đối với số đông thì lời là chính, nhạc có hay đến mấy mà lời kém thì khó có thể được đánh giá cao. Cho nên nhiều người hay chọn những bài thơ hay để phổ nhạc, vì vậy mà nhạc tiền chiến được đánh giá cao hơn tình ca mới bởi tính văn chương của lời hát, vì vậy một vài nhạc sĩ trẻ có khuynh hướng làm thơ khi đặt lời.


Nhạc Dương Thụ thường được nhiều nữ ca sĩ chọn hát

Thật ra cảm xúc của người viết nhạc, theo tôi trước tiên phải được đặt trong âm nhạc (trong giai điệu, hòa thanh, tiết tấu, độ nhanh chậm, sắc thái...), phải được tổ chức trên nền tảng âm nhạc. Lời hát chỉ là một "bản dịch" bằng lời (ngôn ngữ) cái âm nhạc đó (về mặt ý nghĩa và sự biểu cảm) và là một phương tiện không thể thiếu trong diễn tả (vì không có lời thì làm sao mà hát). Bản dịch ấy trên cả hai phương diện ý nghĩa và biểu cảm thì ý nghĩa không phải là tất cả. Sự biểu cảm về mặt ngữ âm là rất quan trọng, vì thế mà người Việt không rành ngoại ngữ vẫn có thể nghe và "hiểu" những bài hát tiếng Anh (dĩ nhiên phải có sự biểu cảm tinh tế trong cách phát âm của người hát) và vẫn thấy hay như thường. Lời bài hát theo tôi không phải là lời thơ, càng không phải là lời nói thông thường mà nó là lời của nhạc. Tất nhiên có nhiều loại nhạc, nên cũng có nhiều loại lời khác nhau: lời nhạc trữ tình, nhạc hành khúc, nhạc sinh hoạt, nhạc tuyên truyền, nhạc quảng cáo, nhạc viết cho trẻ em, nhạc tôn giáo... Và những loại này lại được viết theo những phong cách âm nhạc nào nữa chứ. Đây là chưa kể đến đối tượng nghe. Viết cho người bình dân mà lời lẽ văn chương trau chuốt quá, ý tưởng cao siêu quá thì cũng không ổn. Những thứ khác nhau không thể đo bằng một loại thước. Lời lẽ trau chuốt, mộc mạc hay nằm giữa hai thứ đó chẳng có ý nghĩa gì nếu đặt không đúng chỗ... Riêng tôi có nghĩ thêm điều này, viết lời dù cho loại nhạc nào đi chăng nữa cũng cần phải có văn, cần phải tinh tế. Mà văn không phải là văn hóa sáo rỗng, tinh tế lại không phải là trau chuốt. Văn nằm ở sự tinh tế, tinh tế nằm ở sự giản dị (đương nhiên, cái văn, cái tinh tế trong một bài hát sinh hoạt không thể giống cái văn, cái tinh tế trong một bài hát trữ tình).

Một bài hát thật sự là một sản phẩm tự nhiên mang dấu ấn cá nhân của tác giả. Nó không phải là một sự bịa đặt và bao giờ nó cũng có phần lời hát thích hợp, bao giờ nó cũng tìm ra được người tri kỷ. Có được một quan niệm đúng cho việc viết lời thì cũng tốt, nhưng trình độ thật sự của người viết, cái đẳng cấp của anh ta mới quyết định tất cả.

NS Dương Thụ

Các nhạc sĩ nói gì về ca từ trong âm nhạc ngày nay?

Nhạc sĩ Quốc An: Ca khúc bây giờ được viết theo lối đối thoại rất nhiều, đây cũng là một cách viết hay, nhưng phải thật khéo mới "mềm hóa" được những câu thoại trong ca khúc. Chứ kiểu như đối đáp lượm liền mà cứ thế đưa vào âm nhạc thì... nghe sao được. Ca sĩ ngày nay cũng sáng tác nhiều, người viết nhạc càng lúc càng đông, nhưng thực sự thì đội ngũ sáng tác ấy đã chuyên nghiệp hay chưa? Đành rằng trong nghệ thuật, trong âm nhạc, có những phút xúc cảm xuất thần thì sẽ "xuất khẩu" một tác phẩm hay, nhưng liệu có phải lúc nào cũng được như vậy? Xưa, một nhạc sĩ có khi chỉ viết một vài bài, nhưng đều làm cho người nghe nhớ, đến tận bây giờ. Còn nay thì... viết nhanh, viết dữ dội (tuy nhiên không phải ai cũng thế) nhưng rồi sau 4, 5 năm, thử hỏi trong khán giả còn đọng lại được bài nào, và họ có còn nhớ đến người viết? Hiện tượng dễ dãi, xô bồ trong ca từ đang được phản ánh, mổ xẻ nhiều..., nhưng xem ra không dễ đi đến kết luận. Ca sĩ thì ngày một đông, nên lượng ca khúc cũng phải tăng, mức độ sáng tác vì thế cũng nhanh và chất lượng thì... không thể kiểm soát được.

Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt: So với mặt bằng âm nhạc hiện nay thì lượng bài hát có ca từ đẹp-hay-lãng mạn... dường như rất ít, nếu không nói là thiếu. Ca từ thể hiện vốn văn hóa, phong cách âm nhạc của người viết. Điều quan trọng là người sáng tác phải khó, phải khắt khe với bản thân, với tác phẩm của mình. Mỗi lần viết xong một bài, tôi thường xem đi xem lại rất nhiều lần, nhiều thời điểm khác nhau, rồi sửa tới sửa lui - dù một chữ nhưng chưa hài lòng thì vẫn để đó, đến khi nào nghe ổn nhất mới thôi. Với tôi, viết như thế nào để đừng quá khô, nhưng phải có ý nghĩa, phải trau chuốt.

Hình như bây giờ đang có mốt "giật” tên bài hát cho thật sốc, thật kiêu; nội dung cũng được giật ngược giật xuôi... cho hấp dẫn - lâm ly có, giang hồ có. Có vẻ như một bộ phận ca khúc bây giờ được viết để nghe  - giải trí chứ không còn nghe để thưởng thức. Nhưng cũng không thể trách được, vì sáng tác bây giờ không đơn thuần là để thỏa sở thích, thỏa đam mê, mà còn là mưu sinh. Nên chuyện viết vội là không thể tránh khỏi.

Nhạc sĩ Đức Trí: Gần đây, hiện tượng ca từ trong các ca khúc quá dễ dãi và "khó nghe" cũng đã được phản ánh, phàn nàn nhiều. Điều đó đúng nhưng không có nghĩa là tất cả các ca khúc đều như thế. Vẫn có những bài hay, ca từ đẹp, chỉ tiếc là những ca khúc như vậy ít được phổ biến rộng rãi, hay không có điều kiện tiếp cận với công chúng. Vậy, phải chăng nguyên nhân chỉ đơn thuần ở lời của người viết, hay do các nhà sản xuất âm nhạc muốn lợi nhanh, biên tập những loại nhạc "kém chất lượng" về ca từâ - nhưng hợp thị hiếu, thị trường, rồi đổ lỗi cho nhạc sĩ?  Bên cạnh đó, ngày nay, lượng thông tin từ các nguồn sách báo, internet, truyền hình cáp... đã làm con người đôi khi quá tải. Nên, người ta có vẻ thích sưu tầm thông tin hơn là học hỏi từ thông tin, thích viết "e-mail tỏ tình" hơn là những bức thư tình chép tay... Điều đó giải thích vì sao "văn chương" âm nhạc hiện nay sặc mùi "máy móc", thiếu tình con người. Bài toán này để giải được thật không phải dễ! Mỗi chúng ta, mỗi người viết chỉ là một cá thể trong sự phát triển chung của xã hội; hãy chấp nhận nó và xem đó như hệ quả của một quá trình và chúng ta có nhiệm vụ sàng lọc để chọn những cái hay, còn cái dở thì tự động ắt sẽ bị đào thải.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung: Với những nhạc sĩ đã khẳng định được vị trí và đẳng cấp của mình, những tác phẩm âm nhạc của họ hầu như đều được tin cậy. Bởi, khi người viết trân trọng từng câu, từng chữ trong mỗi sáng tác của mình thì người nghe cũng sẽ đón nhận nó với tình cảm tương xứng. Có một số cây viết trẻ đã chứng tỏ được mình, không ngừng trau dồi học hỏi; nhưng cũng có người vì nôn nóng khẳng định mình, hay vì lý do nào đó, đã vội vàng hấp tấp khi đặt bút, nên ca từ nhiều khi tối nghĩa, và thiếu tính văn học, thiếu chất thơ là đương nhiên. Về chuyện này, đồng nghiệp với nhau có thể hiểu và thông cảm cho nhau được, nhưng nếu nghiêm túc mà nói - yếu tố nghệ thuật của một ca khúc thì cần phải xem lại. Biết rằng mỗi người đều có tự do nghệ thuật, tự do sáng tác, nhưng ít nhất phải làm sao cho người nghe cảm nhận được tác phẩm của mình. Vai trò của người viết rất quan trọng, chính mình phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình, và với sự phát triển chung của nền âm nhạc. Mong các nhạc sĩ trẻ nên cân nhắc và trân trọng mỗi sáng tác của mình, để khi xuất hiện nó sẽ là tác phẩm âm nhạc thực sự có giá trị.

Nguyên Vân
(ghi)


NS Trần Long Ẩn

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Phó tổng thư ký Hội m nhạc TP.HCM, chuyên trách mảng sáng tác: "Viết nhạc phải có những xúc cảm chân thành..."

* Thưa nhạc sĩ, Hội m nhạc TP.HCM vẫn có chương trình Giới thiệu ca khúc mới  định kỳ hằng tháng, vậy những ca khúc mới này có phải qua khâu "kiểm duyệt" của hội và riêng về mặt ca từ nếu có cái gì đó "bất ổn" thì sẽ xử lý như như thế nào ?

- Theo sự phân công của Hội đồng nghệ thuật - Hội m nhạc TP.HCM thì tôi và nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung chịu trách nhiệm "duyệt" những ca khúc mới. Dĩ nhiên, phần nhạc thì rất ít khi chúng tôi phải góp ý nên chuyện còn lại là vấn đề ca từ. Mà... phần nhiều những "trục trặc" cũng rơi vào trường hợp các nhạc sĩ trẻ. Các em cũng đang dần dần hoàn thiện về cách đặt lời nên quả thực chúng tôi cũng không thể "gạch ngang, sổ thẳng" khi các ca khúc mới của các em có đôi chút "lấn cấn" về mặt ca từ. Chúng tôi chỉ có thể mời tác giả đến gặp gỡ và trao đổi trong tinh thần thật cởi mở, thoải mái "anh em một nhà": "Chú mày ơi, chỗ này không ổn rồi. Ráng nghĩ ra những từ khác có thể thay thế một cách thích hợp hơn và thơ mộng hơn nhé!".

* Anh có nhận xét như thế nào về ca từ trong các ca khúc Việt?

- Thú thực về thế hệ các nhạc sĩ đàn anh thì tôi không dám nhận xét nhưng cũng xin nêu một ý kiến nhỏ: muốn có ca từ hay, đẹp thì người viết lời phải có một trình độ văn hóa nhất định đồng thời bối cảnh, môi trường sống của tác giả cũng rất ảnh hưởng đến ca từ. Thí dụ, trước năm 1945, khi đất nước ta đang bị giặc Pháp xâm lược thì những nhạc sĩ còn rất trẻ như Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương đã viết được những ca khúc đầy tính ẩn dụ: Con thuyền không bến, Đêm đông… Riêng về ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn (TCS), vì là bạn thân của TCS nên tôi rất hiểu anh: TCS chịu ảnh hưởng văn học Pháp rất nhiều, đồng thời anh cũng nghiên cứu nhiều về triết họåc Tây phương (sau này là triết học hiện sinh) và triết học Phật giáo.

Triết học hiện sinh đẩy chủ nghĩa cá nhân đến chỗ cùng cực (với TCS là sự cô đơn). Sự Cô Đơn Cùng Cực của TCS thể hiện bằng nhiều hình tượng hết sức ấn tượng: "...Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau như bóng chim cuối đèo..." - cái "bóng chim cuối đèo" ấy không lạnh lẽo lắm sao ! Rồi "...Như từng viên đá cuội, rớt vào lòng biển khơi…" và "...Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang, người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm" - anh biết cái đồng lúa ở miền Trung khi gặt xong thì trơ trọi, mênh mông lắm, rồi người về đối diện với cái bóng của mình in trên bức tường trắng: cô đơn đến cùng cực!

* Trải qua 40 năm sáng tác, anh có thể nêu ra chút ít kinh nghiệm về cách đặt ca từ trong một ca khúc?

- Bất cứ một ca khúc nào cũng hình thành từ những bước: tìm kiếm và phát hiện đề tài. Có đề tài rồi thì phải tư duy, phải ôm ấp suy ngẫm đến cùng cực đủ mọi chiều hướng đôi khi phải quên ăn, quên ngủ. Khi tư duy đã chín muồi thì bắt đầu viết, phải định hướng sẽ dùng ngôn ngữ âm nhạc nào, những hình tượng nào ca khúc sắp viết. Ca từ phải viết với độ xúc cảm chân thành và tương xứng với đề tài. Lời càng gần với thơ ca (và càng nhiều) càng tốt.

Huyền Nga
(ghi)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.