Bao giờ TP.HCM có bãi đậu xe ngầm?

21/11/2007 22:52 GMT+7

Tại TP.HCM, chỗ đậu xe ngày càng thiếu trầm trọng. Chủ trương xây dựng các bãi đậu xe ngầm đã được đặt ra từ 3-4 năm trước, thế nhưng tất cả vẫn còn nằm trên giấy...

Quy hoạch ngáng chân quy hoạch

Ngày 19.11, Sở Giao thông - Công chính (GTCC) TP.HCM đã tổ chức họp báo thông báo một số thông tin về tình hình thực hiện các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm. Ông Đậu An Phúc, Phó phòng Quản lý giao thông Sở GTCC, cho biết, toàn thành phố có 8 vị trí quy hoạch bãi đậu xe ngầm (đều nằm ở Q.1), gồm: Công trường Lam Sơn, công viên Lê Văn Tám, bờ sông Sài Gòn (dọc bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ), công viên Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư, công viên Bách Tùng Diệp, công viên 23 Tháng 9, sân bóng đá Tao Đàn. Tuy nhiên hầu hết các dự án đang gặp vướng mắc, chưa biết bao giờ mới khởi công xây dựng.

Đối với bãi đậu xe ngầm công trường Lam Sơn, tháng 9.2004, UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Đông Dương đã trình thiết kế cơ sở lên Sở Xây dựng. Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 11.9.2007, Sở Xây dựng cho rằng dự án này vi phạm lộ giới đường Hai Bà Trưng gần 1m; đường nhánh hiện hữu giữa bãi giữ xe và tường rào Nhà hát thành phố trùng nhau khi mở cửa; khoảng cách giữa hầm để xe và tuyến metro số 1 chưa được thỏa thuận... Về dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, Bộ Xây dựng đã có ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở từ tháng 12.2006. Thế nhưng, do các sở, ngành thành phố không ngừng tranh cãi về phương pháp thi công, quy hoạch nên mới đây, ngày 16.10.2007, UBND TP tiếp tục giao các Sở GTCC, Quy hoạch - Kiến trúc, Văn hóa - Thông tin... làm việc với nhà đầu tư là Công ty cổ phần phát triển không gian ngầm (IUS) về phương pháp thi công, bảo tồn cây xanh, thi tuyển kiến trúc, thông tin về tượng đài, đồng thời yêu cầu IUS giải trình bổ sung...

Chủ trương quy hoạch và kêu gọi đầu tư bãi đậu xe ngầm trên đường Nguyễn Huệ cũng có từ 4 năm trước. Nhiều cuộc hội thảo kêu gọi đầu tư được tổ chức rầm rộ. Nhưng ngày 5.10.2007, UBND TP.HCM đã yêu cầu di dời bãi đậu xe ngầm này ra dọc đường Tôn Đức Thắng (bờ sông Sài Gòn) do trùng với quy hoạch phố đi bộ. Ngoài ra, dự án bãi đậu xe ngầm khu vực công viên 23 Tháng 9 vừa được Công ty Urban Properties Development trình nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, công viên 23 Tháng 9 hiện vẫn chưa xong quy hoạch chi tiết nên dự án phải chờ.

Quy hoạch chồng chéo còn thể hiện rõ tại 2 dự án bãi đậu xe ngầm: sân bóng đá Tao Đàn và số 116 Nguyễn Du. Sau 3 năm kêu gọi đầu tư, gần đây thành phố mới "nhận ra" 2 vị trí này quá gần nhau nên lại thay đổi chủ trương: yêu cầu chỉ xây một bãi đậu xe ngầm tại sân bóng đá Tao Đàn, đồng thời rút dự án 116 Nguyễn Du khỏi danh mục kêu gọi đầu tư.

Làm khó nhau

Dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám có công suất thiết kế 1.925 chỗ đậu xe quy đổi, là bãi đậu xe ngầm lớn nhất nước tính đến thời điểm hiện nay. Ông Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc IUS mệt mỏi cho biết: "Chúng tôi phải gõ cửa hàng chục cơ quan khác nhau với hàng trăm loại giấy tờ để mong thực hiện được dự án nhằm góp phần phát triển giao thông thành phố. Một dự án chỉ cần thi công trong 2 năm là hoàn thành, vậy mà sau 5 năm vẫn chưa biết ngày khởi công. Số vốn đầu tư tăng gấp đôi, nay lên đến 1.286 tỉ đồng".

Được biết, dự án bao gồm hạng mục chính là một bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại và dịch vụ công cộng. Ngoài ra còn có hạng mục phục hồi cảnh quan công viên Lê Văn Tám sau khi xây dựng công trình ngầm.  Đến giờ này, hạng mục công trình chính đã được các cơ quan chức năng cơ bản thống nhất với phương án của nhà đầu tư. Thế nhưng, tranh cãi lại diễn ra chung quanh phần nổi. Theo Sở GTCC, việc thi công bãi đậu xe phải đào ngầm, đảm bảo tuyệt đối không ảnh hưởng đến các cây xanh hiện hữu, không thực hiện phương án di dời, trồng lại cây như nhà đầu tư đề xuất. Tuy nhiên, theo các nhà tư vấn CHLB Đức và Nhật, phương pháp đào ngầm thường chỉ được áp dụng cho các công trình như tuyến tàu điện ngầm, ống nước... Phương pháp đào hở sử dụng cho các công trình như: nhà ga ngầm, bãi đậu xe ngầm... Công trình bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám có kích thước 170m x172m, xấp xỉ chiều dài ga ngầm metro nên chỉ có thể sử dụng phương pháp đào hở. Ông Lê Tuấn cho rằng, việc không cho thi công đào hở đồng nghĩa với việc không cho triển khai dự án. Hiện thành phố vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Đ.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.