Tưởng nhớ đạo diễn Trần Minh Đại: hai mươi hai năm và sáu tháng và mãi mãi

23/11/2005 22:20 GMT+7

Tin đạo diễn phim tài liệu truyền hình Trần Minh Đại đột ngột qua đời khiến những người bạn anh, những đồng đội cũ của anh ở chiến trường khu Năm sững sờ. Vừa mới đây, anh cùng những nhà làm phim - những đồng đội cũ của mình ở Tiểu ban điện ảnh khu Năm theo chân gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và anh em nhà Fred và Rob về lại chiến trường Đức Phổ, nơi anh từng cầm máy quay như một phóng viên chiến trường, để làm tiếp bộ phim Hành trình chưa khép lại về số phận kỳ lạ của Nhật ký Đặng Thùy Trâm.


Với  anh Đại, đây là lần thứ 2 anh về Đức Phổ để làm một bộ phim với cùng một đề tài về sự "lưu lạc" của một bức thư và một quyển nhật ký. Nhật ký là của chị Trâm, đã hy sinh từ 35 năm trước, còn bức thư, là của một cựu binh hiện đang còn sống - đại tá Trần Ngọc Giao. Đó là vào cuối năm 2002, khi tôi đón nhà văn Nguyễn Quang Sáng và đạo diễn Trần Minh Đại tại nhà mình. Tôi vui lòng nhường căn phòng nhỏ hẹp của mình để anh Sáng ngồi kể chuyện và anh Đại "tác nghiệp". Bộ phim ngắn kể về hành trình kỳ lạ của bức thư một người lính "Việt Cộng" từ chiến khu Trà My (Quảng Nam) gửi cho vợ mình ở Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đường giao liên chuyển bức thư ấy chỉ hơn 100 cây số, nhưng bức thư đã phải đi hơn nửa vòng trái đất, lưu lạc sang tận đất Mỹ và chỉ trở lại với người gửi sau... 22 năm và 6 tháng. Nhan đề bộ phim là Hai mươi hai năm và sáu tháng. Nhân vật chính của bộ phim là hai cựu chiến binh "Việt Cộng" - nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đại tá Trần Ngọc Giao và vợ ông - người sau 22 năm và 6 tháng mới nhận được bức tình thư của chồng mình. Câu chuyện lạ và hay, kết thúc rất "có hậu", đúng theo kiểu kết thúc của truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng. Anh Sáng đã cười hề hề khi nghe tôi chọc anh về những "cái kết có hậu" trong truyện ngắn của anh. Khi "3 nhân vật" này gặp nhau tại xã Phổ Văn, một xã giáp với xã Phổ Cường - huyện Đức Phổ, nơi chị Trâm từng trụ bám và hy sinh, họ cũng chưa rõ ngọn ngành về cuộc "phiêu lưu" còn lâu dài hơn thế của một cuốn nhật ký - những 35 năm. Và cũng trở lại từ đất Mỹ. Khác một điều, bức thư của đại tá Giao là do nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang về sau chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của anh, còn cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm thì do chính người lính Mỹ Fred gìn giữ và gửi lại Việt Nam sau 35 năm. Bộ phim Hai mươi hai năm và sáu tháng của đạo diễn Trần Ngọc Đại đã gây được nhiều xúc cảm cho người dân Quảng Ngãi chúng tôi, và tôi chắc, không riêng người Quảng Ngãi. Với anh Đại, mỗi lần được dịp làm một bộ phim ngắn về Quảng Ngãi là anh như có cớ để "trút" vào đó những tình cảm sâu nặng, thậm chí là một gắn kết bằng xương máu của mình đối với mảnh đất này. Quen anh đã lâu nhưng thực sự biết anh qua những tác phẩm về Quảng Ngãi chỉ vài ba năm nay, tôi thực sự quý một người lính cầm máy quay phim như anh Đại. Mỗi thước phim của các anh trong chiến tranh đều phải đổi bằng xương máu, dù sau này người ta đã hờ hững "bỏ quên" chúng cho mốc meo, thất lạc. Anh Đại kể với tôi, anh đã từng suýt chết ở ngay quê tôi khi theo bộ đội xung kích đánh đồn. Người phóng viên quay phim khi ấy có độ nguy hiểm cao ngang với người lính xung kích. Một động tác quỳ xuống tác nghiệp đã tình cờ cứu anh thoát chết, khi một quả cối nổ quá gần và sát hại ngay hai đồng đội của anh. Người như thế, đã trải qua những hoàn cảnh chiến tranh như thế, không thể hời hợt trong bất cứ đoạn phim ngắn nào của mình. Đạo diễn Trần Minh Đại đã trình cho người xem những bộ phim không dễ dãi của mình, những bộ phim về mảnh đất chiến trường xưa mà anh từng gắn bó, trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với bộ phim ngắn về đại đội Hồng Gấm, một đại đội toàn các nữ chiến sĩ đã chiến đấu vô cùng anh dũng, cũng ở chiến trường Đức Phổ. Tin anh mất, tôi được nghe qua thông báo của đạo diễn truyền hình Huỳnh Bá La Vuông - một đồng đội cũ của anh ở chiến trường Đức Phổ. Lập tức, tôi điện thoại cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Anh Sáng nghẹn ngào. Có gì khác đâu, bởi chúng tôi đều đã từng là người lính, là những đồng đội của nhau. Và đều kẻ ít người nhiều có duyên với bộ phim Hai mươi hai năm và sáu tháng của đạo diễn Trần Minh Đại. Dù tôi chỉ là kẻ "ăn theo" trong bộ phim ấy, nhưng thực sự chúng tôi đã là những người bạn. Xin một phút lặng lẽ tưởng nhớ người chiến sĩ-nghệ sĩ Trần Minh Đại. Cầu mong anh an nghỉ. Và tất cả chúng tôi chờ xem bộ phim về Nhật ký Đặng Thùy Trâm anh còn dang dở nhưng chắc chắn các đồng đội cũ của anh sẽ hoàn thành.

 

Quảng Ngãi 23.11.2005

 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.