Đầu đã xuôi, đuôi chưa dễ lọt

22/12/2009 00:07 GMT+7

Việc EU chấp nhận đơn xin gia nhập của Serbia là một trong những kết quả rất đặc biệt của Thụy Điển trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bộ trưởng EU (chức vụ này khác với chức Chủ tịch thường trực EU của ông Herman Van Rompuy vừa được bầu ra).

Đối với Serbia, việc gia nhập EU là mục tiêu nhất quán đã được đưa ra từ lâu và việc được chấp nhận đơn là sự kiện rất quan trọng vì đó là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy mối quan hệ giữa hai bên đã thay đổi rất cơ bản.

Sự khởi đầu như vậy là ổn thỏa và triển vọng Serbia đứng trong hàng ngũ của EU không phải là không có. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 20 trong tổng số 27 thành viên EU ủng hộ việc kết nạp Serbia. Tây Ban Nha là nước sẽ kế nhiệm Thụy Điển trong năm tới cũng hậu thuẫn Serbia. Nhưng đầu dẫu đã xuôi thì đuôi vẫn rất khó lọt vì nhiều lý do nằm ở cả hai phía.

Bắt đầu từ năm tới, EU sẽ hoạt động trên nền tảng pháp lý mới là Hiệp ước Lisbon. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để thấy EU không vội vàng gì kết nạp thêm thành viên, không có nhu cầu chính trị cấp thiết và lại càng không dành sự ưu tiên hàng đầu cho Serbia. Trong liên minh vẫn còn không ít thành viên, trước hết là Hà Lan, chưa thật hài lòng với sự hợp tác của Serbia với tòa án xét xử tội ác chiến tranh ở Nam Tư. EU cũng sẽ không dễ dàng nhượng bộ nước này trong những tiêu chuẩn kết nạp. Liên minh cũng sẽ dùng việc gia nhập này để mồi chài, thậm chí còn không loại trừ cả đặt bẫy Serbia thôi chống đối và tiến tới công nhận nền độc lập của Kosovo.

Cho nên ở phía trước Serbia là hàng loạt cải cách chính trị, kinh tế, xã hội và luật pháp mà chắc chắn sẽ chẳng hề dễ dàng gì. Cái giá phải trả về chính trị nội bộ sẽ rất lớn và đau đớn. EU và Serbia đã cùng xuất phát đi trên một con đường, nhưng khi nào đến đích và tình hình hai bên như thế nào khi đến đích lại là chuyện khác.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.