'Hoàng đế' Franz Beckenbauer và sự trùng hợp thú vị với cố danh thủ Tam Lang

Quang Tuyến
Quang Tuyến
09/01/2024 11:24 GMT+7

Hoàng đế Beckenbauer đã ra đi ở tuổi 78 để lại nhiều tiếc thương cho giới bóng đá. Riêng phong cách chơi bóng của ông đã tạo ảnh hưởng lớn với bóng đá Việt Nam mà cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang là sự trùng hợp thú vị.

Hình mẫu học từ "hoàng đế"

Thời còn chơi bóng, cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang nổi tiếng khi luôn ra sân với một bộ đồ trắng tinh, áo quần chỉn chu, đầu tóc gọn gàng, chải chuốt thẳng tấp. Với vóc dáng cao ráo, khuôn mặt sáng, kiểm soát đôi chân một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển, cầu thủ Tam Lang trên sân như hình ảnh một nghệ sĩ chơi bóng. Bản thân cựu danh thủ Cảng Sài Gòn cũng luôn biết xây dựng cho mình một nét riêng của một trung vệ chơi bóng, không băm bổ, không quá quyết liệt, nhưng vẫn vô cùng mạnh mẽ và lúc nào cũng giải quyết các tình huống một cách gọn gàng.

 'Hoàng đế' Franz Beckenbauer và trùng hợp thú vị với cố danh thủ Tam Lang- Ảnh 1.

Beckenbauer từng là trưởng BTC World Cup 2006

Tư liệu

Thật trùng hợp là cách chơi bóng từ dáng dấp bên ngoài đến phong cách thể hiện trên sân của Tam Lang thời điểm đó hệt như Franz Beckenbauer bên trời Âu. Cố danh thủ Việt Nam lớn hơn "hoàng đế"người Đức 4 tuổi và cũng chơi bóng sớm hơn, nhưng lối chơi của 2 bên có rất nhiều nét tương đồng. Tam Lang cũng như Beckenbauer đều chơi ở vai trò trung vệ nhưng không hề "chém đinh chặt sắt" và cũng không va chạm đến mức lấy bóng bằng mọi giá trong chân đối phương. Cả 2 đều giống nhau khi đều chuộng phong cách đá kỹ thuật, khéo léo, thiên về phán đoán, chọn vị trí thông minh và bọc lót một cách hữu hiệu cho đồng đội, chứ không phải hùng hục, quyết ăn thua đủ với đối phương như một số hậu vệ Việt Nam sau này thường mắc phải.

Chính cách chơi mềm mại, tinh tế đó đã giúp Tam Lang hệt như Beckenbauer, luôn là "ông chủ" trên sân. Cả 2 đã đứng vững trong sự nghiệp của mình với lối chơi cống hiến nhưng đậm chất nghệ thuật. Nói cách khác đó là những trung vệ hào hoa, luôn có tinh thần thép nhưng lại rất lãng tử, khoan thai và ứng xử rất chừng mực.

Tôi còn nhớ có lần phỏng vấn danh thủ Tam Lang khi ông đang huấn luyện đội Cảng Sài Gòn và có đặt ra so sánh này, ông nói: "Bất cứ so sánh nào cũng đều khập khiễng. Tôi hay bất cứ cầu thủ Việt nào không thể so sánh với Beckenbauer được. Nhưng tôi thừa nhận, chúng tôi có nhiều nét tương đồng về bên ngoài lẫn cách chơi bóng. Nói chung ông chính là hình mẫu mà nhiều trung vệ trong đó có tôi luôn học hỏi".

 'Hoàng đế' Franz Beckenbauer và trùng hợp thú vị với cố danh thủ Tam Lang- Ảnh 2.

Tam Lang cùng các học trò ở Cảng Sài Gòn

Tư liệu

Khai phá libero

Một trong những điều mà giới bóng đá sau này hay nhắc đi nhắc lại chính là vai trò libero trong cách chơi của Tam Lang không khác gì Beckenbauer. Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, vị trí libero được hoàn thiện với sự xuất hiện của Beckenbauer, người có khả năng phòng thủ và tấn công khủng khiếp như nhau. Ông xuất phát ở phía sau các trung vệ nhưng dâng lên chơi phía trên cực nhanh khi đội nhà có bóng và là vị trí khởi phát của mọi đợt tấn công.

Khái niệm libero khi đó chính là cầu thủ chơi tự do nơi hàng phòng ngự. Vị trí đứng của một libero sẽ nằm ở trên thủ môn và thấp hơn hàng hậu vệ. Điều này đồng nghĩa với việc, các libero bóng đá thông thường sẽ là những người chơi ở vị trí hậu vệ trung tâm hoặc hậu vệ quét. Beckenbauer đã thể hiện rất tinh tế vai trò này. Ông không chỉ là một trung vệ và đóng vai trò là chốt chặn cuối cùng mà có thể thi đấu ở mọi vị trí trên sân và là thủ lĩnh, trái tim của cả đội bóng. Chính cách chơi đó đã góp phần giúp đội tuyển Đức ngự trị ở đỉnh cao hơn 10 năm trời khi vô địch thế giới năm 1974, á quân thế giới ở Anh năm 1966 và vào bán kết World Cup Mexico năm 1970.

 'Hoàng đế' Franz Beckenbauer và trùng hợp thú vị với cố danh thủ Tam Lang- Ảnh 3.

Franz Beckenbauer

Tư liệu

Sự thành công trong vai trò đó của Beckenbauer đã ảnh hưởng rất lớn với các trung vệ của bóng đá Việt Nam mà Tam Lang chính là người học hỏi nhiều nhất. Có một giai đoạn khi Cảng Sài Gòn đá giải Cửu Long năm 1976 hay các giải A1 TP.HCM, Tam Lang chính là một libero hữu hiệu. Ông không chỉ chỉ huy an toàn hàng thủ cùng với người đá cặp Lê Đình Thăng, chống đỡ những mũi tên dữ dằn của Cù Sinh, Võ Thành Sơn, Đinh Công Hoàng (Hoàng La tô) mà còn thường xuyên dâng cao như một nhà tổ chức, tạo ra những đợt phản công lợi hại. Thời đó Tam Lang rực sáng và nhiều khán giả yêu mến đã không ngần ngại gọi ông là "Beckenbauer của Việt Nam".

 'Hoàng đế' Franz Beckenbauer và trùng hợp thú vị với cố danh thủ Tam Lang- Ảnh 4.

Cố danh thủ Tam Lang

Tư liệu

Có một trùng hợp khác là về cuối đời, cả Beckenbauer và Tam Lang đều mắc căn bệnh giống nhau là đó là bệnh parkinson, tay chân run rẩy và có phần mất trí nhớ. Sự rời xa quá sớm của Tam Lang vào năm 2014 để lại nhiều thương tiếc vì đến giờ cả làng bóng Việt cũng chưa thể tìm được ai thay thế một hình mẫu như ông. Và bây giờ cây đại thụ có sức lan tỏa và truyền cảm hứng và là bậc thầy trong cách chơi libero là Franz Beckenbauer đã vĩnh viễn không còn nữa, khiến cho thế giới tiếc thương vì sẽ không biết đến bao giờ mới lại có một libero xuất sắc đến như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.