Người mua nhà khốn khổ vì giữa đường đứt gánh tín dụng

Đình Sơn
Đình Sơn
17/02/2023 06:33 GMT+7

Chính sách tín dụngChính sách tín dụng đột ngột siết chặt khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, dẫn đến không thực hiện được những cam kết đã ký với khách hàng trước đó.

NGÂN HÀNG "CẮT" VAY, DOANH NGHIỆP LAO ĐAO

Sáng qua 16.2, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án GKW (tỉnh Đồng Nai) của Tập đoàn ĐX tiếp tục kéo đến trụ sở tập đoàn này đòi thanh lý hợp đồng, đòi chủ đầu tư trả nợ ngân hàng bởi họ không thể vay được vốn để tiếp tục mua nhà. Theo một người mua nhà tại dự án này, khi khách hàng đồng ý mua, họ được phép lựa chọn các phương thức thanh toán và hầu hết chọn vay vốn ngân hàng. Do đó, sau khi đặt cọc 25%, khách hàng được chủ đầu tư chuyển hồ sơ qua Ngân hàng VP Bank vay để thanh toán đợt 2 là 70%. Số tiền này ngân hàng chuyển thẳng vào tài khoản cho chủ đầu tư. Đối với 5% còn lại, khách hàng thanh toán khi ra sổ hồng. Khi làm hợp đồng vay vốn và thỏa thuận 3 bên với ngân hàng, khách hàng được hướng dẫn ký 2 hợp đồng. Hợp đồng cho vay 1 dựa trên thỏa thuận tư vấn đã ký với chủ đầu tư, Ngân hàng VP Bank chỉ cho khách hàng vay 12 tháng. Trong 12 tháng khách chỉ đóng lãi mà không được phép thanh toán nợ gốc. 

Hợp đồng này được chủ đầu tư cam kết hỗ trợ toàn bộ lãi suất trong vòng 12 tháng. Sau 12 tháng, khách hàng ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và khi đó khách hàng được ký hợp đồng 2 là vay vốn dài hạn 25 năm với ngân hàng. Nhưng mới đây, Ngân hàng VP Bank thông báo không tiếp tục cho khách hàng ký vay 25 năm và yêu cầu tất toán khoản tiền đã vay trước đó. Điều này khiến người mua nhà tiến thoái lưỡng nan, thậm chí rơi vào khó khăn chồng chất vì không thể ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư để tiếp tục vay vốn từ ngân hàng trả nợ cho khoản đã vay trước đó. Nhiều người không thể trả nợ nên bị nhảy nhóm nợ, ảnh hưởng đến những khoản vay ở các ngân hàng khác.

Khốn khổ vì giữa đường đứt gánh tín dụng  - Ảnh 1.

Việc chủ đầu tư ngừng hỗ trợ vay vốn ngân hàng, hỗ trợ lãi suất khiến khách hàng mua dự án lo lắng

ĐÌNH SƠN

Theo đại diện Tập đoàn ĐX, doanh nghiệp (DN) đã cố gắng hết sức và bằng mọi biện pháp thực hiện các phương án để giải quyết. Đầu tiên là đàm phán với ngân hàng tài trợ vốn, tiếp tục cho khách hàng vay, phần lãi suất tăng so với trước cũng sẽ được DN chia sẻ với khách hàng. DN cũng khuyến nghị khách hàng sử dụng vốn cá nhân để tất toán các khoản vay đến hạn. Với cách làm này, chủ đầu tư sẽ chiết khấu một khoản thanh toán tương đương trên giá bán của sản phẩm. "Lúc này thật sự đang rất khó khăn, DN cũng đang gồng mình bằng mọi giải pháp, kể cả cấu trúc lại chi phí, cơ cấu nợ, cắt giảm nhân sự và cuối cùng là bài toán chính sách hỗ trợ lại khách hàng khi cán cân thu chi không đảm bảo. DN cũng đề xuất giảm giá bán sản phẩm để cấn trừ chính vào trong giá bán cũng là phương cách cuối cùng DN phải thực hiện khi không còn cách nào khác", vị đại diện này nói.

Việc cùng lúc siết chặt các nguồn vốn đổ vào BĐS, nhất là siết cho vay đối với khách hàng, nên được cân nhắc, bởi điều này không chỉ tác động tới DN mà còn cả với phía người mua BĐS với mục đích không phải đầu cơ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến thị trường đổ vỡ và phải mất khá lâu, khá nhiều nguồn lực mới có thể hồi phục được.

TS Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng

Chủ đầu tư một dự án bất động sản (BĐS) ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng cho biết trước đây công ty bán hàng kèm chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong vòng 2 năm. Nhưng đến nay khi lãi suất tăng quá cao, trong khi đó sản phẩm bán không được, ngân hàng không cho vay dẫn đến việc công ty mất thanh khoản. Để "tồn tại", công ty này cho biết đã thông báo đến khách hàng rằng không thể tài trợ 100% lãi suất mà chỉ có thể tiếp tục tài trợ lãi suất 12%/năm, phần chênh lệch còn lại công ty "nhờ" khách hàng hỗ trợ. Khi nhận được thông tin này, nhiều khách hàng đã lên công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấp nhận chịu phạt.

"Khách hàng vay cũ thì lãi suất quá cao. Hiện nay, khách hàng vay mới khó khăn khiến việc kinh doanh của DN đang gặp khó vô vàn, bởi từ đầu quý 4/2022 đến nay gần như bán không được căn nào. Bán giá cao hay thấp khách hàng cũng không mua vì họ không còn lòng tin vào thị trường và tâm lý vẫn chờ nghe ngóng giá nhà giảm tiếp mới mua. Trong khi đó, nhiều người có tiền thì đem gửi ngân hàng lấy lời thay vì mua BĐS. Nhưng để duy trì bộ máy, công ty vẫn túc tắc mở bán, với mong muốn bán được căn nào hay căn đó. Nếu năm nay mọi thứ vẫn không có gì thay đổi thì các DN BĐS "chết" hết, DN không thể cầm cự hết năm 2023", lãnh đạo DN này cho hay.

Khách hàng chịu trận

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đã có động thái không tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng đã mua của công ty này trước đó như đã cam kết trong hợp đồng, và khách hàng tự thanh toán lãi vay ngân hàng các đợt còn lại, hoặc tất toán khoản vay bằng vốn tự có trong thời gian hỗ trợ lãi suất. Thay vào đó, tiền lãi vay sẽ được Novaland cấn trừ vào các đợt thanh toán đến hạn. Novaland cũng cam kết sẽ thanh toán lại toàn bộ số tiền lãi vay mà khách hàng thanh toán cộng chi trả thêm tiền lãi theo lãi suất 12%/năm trên số tiền mà khách hàng tự thanh toán với ngân hàng.

"Khách hàng sẽ không bị thay đổi các quyền lợi giá trị tương đương. Số tiền này sẽ được công ty chi trả cấn trừ vào các đợt thanh toán đến hạn của khách hàng, ví dụ như vào đợt nhận bàn giao nhà hoặc đợt nhận giấy chứng nhận. Những giải pháp tình huống này là một trong những nỗ lực của công ty nhằm đảm bảo sự đồng hành dài hạn với khách hàng trong bức tranh tổng thể nhiều khó khăn hiện nay", một lãnh đạo của Novaland cho hay. 

Theo vị này, Novaland đang tập trung, nỗ lực hoàn thiện xây dựng và bàn giao sản phẩm đến khách hàng theo từng giai đoạn. Từ giữa năm 2022, tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước có những biến động lớn, gây ảnh hưởng và tác động nhiều mặt đến thị trường. Ngoài ra, lạm phát, tín dụng thắt chặt, mặt bằng lãi suất tăng đã ảnh hưởng đến hàng loạt DN, và Novaland cũng không ngoại lệ. Đứng trước những khó khăn và thách thức, với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác tư vấn hàng đầu như EY-Parthenon, KPMG…, Novaland đang quyết liệt tiến hành tái cấu trúc toàn diện nhằm đưa ra những giải pháp cơ cấu tài chính phù hợp, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, nỗ lực để thực hiện các quyền lợi của khách hàng và các bên liên quan.

Nếu năm nay mọi thứ vẫn không có gì thay đổi thì các DN BĐS "chết" hết, DN không thể cầm cự hết năm 2023.


Chủ đầu tư một dự án BĐS ở TP.Thủ Đức (TP.HCM)

Trước thông tin này, nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá lo lắng, bởi hiện nay với mức lãi suất cao, khách hàng sẽ gặp khó khăn khi tự thanh toán lãi suất với ngân hàng. Trong lúc thu nhập giảm sút, không có dòng tiền thì việc gánh lãi suất lên đến 16 - 17%/năm là một gánh nặng, rủi ro rất lớn. Còn nếu thanh lý hợp đồng, họ cũng gặp thiệt thòi khi sẽ mất số tiền lớn trên tổng số tiền đã bỏ ra mua BĐS.

TS Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng hiện nay thị trường BĐS đang chịu tác động bởi một loạt yếu tố như áp lực tăng giá, lạm phát tăng, nguồn vốn bị siết chặt. Việc siết tín dụng đột ngột cộng với lãi suất tăng quá cao không chỉ tác động tiêu cực đến DN BĐS mà đến nay đã lan sang khách hàng, thậm chí những người có nhu cầu mua nhà ở thực, khiến thị trường gặp khó khăn một thời gian nhất định và ảnh hưởng đến tính thanh khoản của tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.