Không mặc đồ bảo hộ khi phun thuốc diệt cỏ, một người bị ngộ độc nguy kịch

11/09/2023 21:38 GMT+7

Ra ruộng phun thuốc diệt cỏ nhưng không mặc đồ bảo hộ, về nhà không tắm, người đàn ông bị ngộ độc dẫn đến nguy kịch.

Ngày 11.9, đại diện Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) cho biết, bệnh viện này vừa cứu sống một nam bệnh nhân suy hô hấp nặng do ngộ độc thuốc diệt cỏ.

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân, trước đó ông N.V.C (65 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Hậu Giang) ra ruộng phun thuốc diệt cỏ nhưng không mặc quần áo bảo hộ. Về đến nhà, ông C. mệt mỏi nên ngủ quên, không đi tắm. Đến tối cùng ngày, ông C. vật vã, tiêu tiểu không tự chủ. Gia đình lập tức đưa ông đến Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu.

Không mặc đồ bảo hộ khi phun thuốc diệt cỏ, một người bị ngộ độc nguy kịch - Ảnh 1.

Ông N.V.C bị ngộ độc thuốc diệt cỏ, đang được điều trị tại bệnh viện

BVCC

Qua khai thác bệnh sử và thực hiện các cận lâm sàng, bác sĩ nhận định đây là trường hợp ngộ độc cấp chất diệt cỏ Glufosinat, biến chứng suy hô hấp nặng nên tiến hành đặt nội khí quản cấp cứu và chuyển qua khoa Hồi sức tích cực và chống độc (ICU) điều trị. Tại đây, bệnh nhân được thở máy, ổn định huyết động, điều trị suy tạng và dùng liệu pháp bài niệu tích cực để thải trừ độc tố.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh dần và có nhịp tự thở, tiểu khá, các xét nghiệm chức năng gan thận trở về chỉ số bình thường. Bệnh nhân được cai máy thở và rút ống nội khí quản thành công, hiện tại người bệnh tỉnh táo và tự ăn cháo được, dự kiến vài hôm nữa có thể xuất viện.

BS-CK1 Nguyễn Tuấn Nghĩa, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết thuốc diệt cỏ có thành phần Glufosinat không chỉ gây độc cho người qua đường tiêu hóa mà ngay cả hít phải hoặc tiếp xúc ngoài da cũng có thể gây ngộ độc như trường hợp bệnh nhân trên.

Khi bị ngộ độc Glufosinat, người bệnh có thể bị suy gan, suy thận cấp, với biểu hiện vàng da, vàng mắt, tiểu ít. Nặng hơn có thể co giật, hôn mê, suy hô hấp, nhịp tim nhanh và huyết áp tụt... Hiện chưa có thuốc đối kháng Glufosinat nên chủ yếu điều trị triệu chứng và tăng thải trừ độc tố.

Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo, người dân nên sắp xếp hợp lý nơi chứa đựng các loại thuốc, hóa chất nông dược, tránh xa tầm tay trẻ em. Nên mặc đồ bảo hộ khi phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu để tránh nguy cơ thuốc tiếp xúc trực tiếp vào người. Khi bị phơi nhiễm, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.