Không thể mãi bất lực trước vấn nạn bạo lực sân cỏ

26/03/2021 08:13 GMT+7

Trong vòng 15 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam xảy ra gần 20 ca chấn thương mang tính chất nghiêm trọng, trong đó có hơn 10 ca do cầu thủ bị phạm lỗi nặng lúc thi đấu.

Những hành vi cản phá thô bạo, triệt hạ đối phương ngày càng trở nên nhức nhối mà nạn nhân mới nhất là tiền vệ xuất sắc của CLB Hà Nội Đỗ Hùng Dũng.

Nạn nhân Anh Khoa nhắn nhủ VFF

Những cầu thủ bị phạm lỗi đều phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề, từ nghỉ thi đấu một mùa giải cho đến nhiều mùa giải và thậm chí nghiêm trọng đến mức phải vĩnh viễn xa rời sân cỏ trên tư cách cầu thủ. Chúng tôi đang muốn nhắc đến trường hợp điển hình từng xảy ra ở mùa giải 2015 - cầu thủ Anh Khoa (Đà Nẵng) bị trung vệ CLB SLNA Quế Ngọc Hải đạp mạnh từ phía sau. Với đa chấn thương - đứt 4 dây chằng, rách cơ, nứt xương, Anh Khoa sau ca phẫu thuật tại nước ngoài đã phải giải nghệ năm 25 tuổi và được CLB chủ quản cho đi học lấy bằng HLV để chuyển sang công tác huấn luyện.

Nhìn Luke Shaw gãy chân kinh hoàng trở lại ‘gánh’ MU, Hùng Dũng tại sao không?

Hiện tại Khoa đang làm ở đội U.17 Đà Nẵng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Kỷ niệm đau buồn của 6 năm trước lại ùa về với Anh Khoa khi thêm một cầu thủ đàn em nữa bị dính chấn thương nặng, phải phẫu thuật. Anh Khoa chia sẻ: “Tôi theo dõi sự việc của Hùng Dũng mà cảm thấy rất đau lòng. Chỉ mong cho Dũng mau hồi phục sức khỏe để còn cơ hội được đá bóng, được cống hiến nhiều cho CLB Hà Nội và đội tuyển Việt Nam. Dũng bị gãy chân nhưng còn may cho Dũng không bị dính chấn thương dây chằng như tôi. Thật sự đau lòng khi suốt thời gian qua, năm nào cũng có chuyện về cầu thủ bị phạm lỗi, gây chấn thương cho đồng nghiệp đội khác. Có lẽ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải tính đến biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa tình trạng chơi bóng thô bạo. Cứ 1 hay 2 năm, tôi lại thấy có một vụ cầu thủ bị đối phương làm cho chấn thương khi thi đấu. Hiện nay tôi làm bóng đá trẻ Đà Nẵng, không ngày nào không dặn dò các em, nhìn vào tôi như một bài học lớn cho sự nghiệp của họ, tuyệt đối không đá ẩu, đá ác. Ngày nào tôi cũng dặn kỹ lắm. Còn VFF, còn các CLB khác cũng nên có giải pháp quyết liệt hơn”.
Không thể mãi bất lực trước vấn nạn bạo lực sân cỏ1

Vợ chồng Hùng Dũng nói chuyện qua điện thoại với con trai

ẢNH: FACEBOOK NHÂN VẬT

Phải chăng “thầy nào trò nấy” ?

Lời nhắn nhủ của Anh Khoa thật có giá trị vào thời điểm này. Các lò đào tạo tại Việt Nam, kể cả những lò có tuổi đời mấy chục năm, có danh tiếng, liệu đã thực sự coi trọng việc dạy dỗ đạo đức cầu thủ chưa, hay chỉ mới đầu tư cho công tác chuyên môn. Trước khi thành tài, cầu thủ phải được đào tạo thành nhân. Không có ý định so sánh vùng miền nhưng nhìn lại những pha phạm lỗi thô thiển, nguy hiểm của bóng đá Việt Nam, giật mình khi thấy 2/3 số vụ đều thuộc về các cầu thủ xuất thân từ lò SLNA. Hãy nhìn sang một cầu thủ sinh ra tại Nghệ An nhưng được đào tạo tại HAGL: Công Phượng! Không phải ngẫu nhiên mà Công Phượng và lứa đầu tiên của Học viện HAGL -Arsenal IMG khóa 1 hiện tại vẫn được ca ngợi có lối chơi đẹp, cống hiến, gần như không bao giờ phạm lỗi một cách ác ý. Từ đó mới thấy việc đào tạo cầu thủ chơi như thế nào có ảnh hưởng không nhỏ từ người thầy. Thầy tốt chắc chắn trò sẽ tốt nhưng trò đá bậy thì trách nhiệm từ những ông thầy không phải là không có. Thế nên, nếu lò đào tạo nào cũng cho ra đời lớp cầu thủ lấy đạo đức làm trọng như HAGL, có lẽ sẽ không còn thói hư theo kiểu hiện tượng “thầy nào trò nấy” và bóng đá Việt Nam sẽ mất dần những hình ảnh đau lòng như suốt thời gian qua.

Công Phượng lấy lại phong độ, HLV Kiatisak đề xuất người thế chỗ Hùng Dũng

Cần nâng mức hình phạt thích đáng hơn

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh nói: “VFF luôn quán triệt tinh thần và đề nghị các CLB nâng cao giáo dục cầu thủ, đề cao tính fair play, kiên quyết ngăn chặn lối chơi bạo lực. Các trọng tài phải kiên quyết, nghiêm khắc xử lý các hành vi phi thể thao, bạo lực trên sân, tránh bỏ sót lỗi, đồng thời qua đó cũng góp phần tạo thói quen thi đấu một cách chuyên nghiệp và đúng luật đối với các cầu thủ. Tránh việc cầu thủ có thói quen thi đấu quyết liệt trên mức cần thiết, sẽ ảnh hưởng lớn đến bóng đá Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu, mà có cầu thủ lại có thói quen với hành vi bạo lực”.

Hoàng Thịnh do thói quen đá máu lửa' đã phạm sai lầm lớn khi làm gãy chân Hùng Dũng

Khả Hòa

Bản thân VFF cũng cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc nóng của bóng đá Việt Nam. Có trong tay công cụ là các văn bản pháp quy dưới luật (như Quy chế bóng đá chuyên nghiệp; Quy định kỷ luật), VFF hoàn toàn có quyền điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế phát sinh. Nhưng điều khoản đã trở nên lạc hậu, không theo kịp với đời sống bóng đá, không đủ sức răn đe, phòng chống thì VFF nên tính toán, xem xét để thay đổi và việc thay đổi thế nào để không bị lờn thuốc. Theo Quy định kỷ luật được VFF ban hành năm 2018, người nào xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền từ 35 triệu đồng, thì nay ở Quy định kỷ luật sửa đổi được nâng lên thành 40 triệu đồng. Mức phạt dù đã tăng nhưng thật sự gần như không có giá trị giáo dục. Lương cầu thủ hiện tại dao động từ 30 - 50 triệu đồng/tháng. Nộp phạt 1 tháng lương, không đủ để cầu thủ thấy sợ. Việc đánh vào kinh tế, vào túi tiền là một trong những biện pháp tốt nhưng phải tăng nặng hơn.

Highlights Hồng Lĩnh Hà Tĩnh 1-0 Hải Phòng: Tuấn Hải đánh đầu quá "đỉnh"

Quy định kỷ luật cũng nêu người nào xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ tham gia hoạt động bóng đá đến 24 tháng hoặc bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc không có thời hạn. Đã đến lúc Ban Chấp hành VFF nên thay đổi tiếp tục, cần thiết thì cấm vĩnh viễn với những cầu thủ phạm lỗi nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho cầu thủ đội bạn.
Còn theo điểm a khoản 4 điều 39 Quy định kỷ luật của VFF, Ban Kỷ luật VFF yêu cầu Ngô Hoàng Thịnh phải chịu các chi phí hợp lý trong việc chữa trị chấn thương cho cầu thủ Đỗ Hùng Dũng. Vậy thế nào là chi phí hợp lý - câu chữ còn rất mơ hồ. Hơn nữa, trong các ca chấn thương nếu không may còn xảy ra nay mai, nếu cầu thủ bị phạm lỗi dẫn đến bị chấn thương đến mức phải giải nghệ như Anh Khoa cách đây 6 năm thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn vật chất cho cầu thủ đó trong suốt thời gian còn lại của bản hợp đồng giữa cầu thủ và CLB chủ quản - người gây ra lỗi, CLB của người gây ra lỗi? Quy định kỷ luật VFF chưa hề nhắc đến và làm rõ điều này.

Tội cho Hùng Dũng khi phải chia tay sân cỏ đến hết năm

Khả Hòa

Bạo lực sân cỏ chỉ chấm dứt nếu ý thức cầu thủ nâng lên, kèm với đó là nhiều biện pháp quyết liệt khác từ VFF và các đội bóng.
Theo hợp đồng đã ký giữa Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Công ty bảo hiểm bưu điện PTI, dựa trên hồ sơ, chứng từ về kinh phí ca mổ cũng như thời gian điều trị của Hùng Dũng tại Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM), PTI sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ khoản kinh phí này. Tuy nhiên, Bệnh viện Vạn Hạnh lại sẵn sàng miễn phí cho Hùng Dũng. Nếu cam kết này của bệnh viện được thực hiện thì PTI không phải chi trả. Đồng thời, Hoàng Thịnh cũng không phải chi trả. Vậy trách nhiệm sau này của Hoàng Thịnh sẽ như thế nào với Hùng Dũng?
Đầu tuần sau, Hùng Dũng có thể sẽ xuất viện
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng (người mổ cho Hùng Dũng) nói: “Sau 1,5 tháng, Hùng Dũng có thể bỏ nạng hoàn toàn. Sau 1 tháng hoặc cỡ 3 tuần, Hùng Dũng có thể chống dậy chân đau vì lúc này sức chịu đựng được khoảng 50%. Sau 3 tháng bắt đầu chạy bộ, tập thể lực, tập duy trì. 4 tháng tập nặng. Đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6, tình hình tiến triển tốt thì Hùng Dũng đã có thể trở lại như bình thường”. Một ngày sau mổ, tình hình của Hùng Dũng tương đối tốt.
Sáng 25.3, lãnh đạo VFF và HLV Park Hang-seo đã vào thăm anh. Dự kiến ngày 26.3, anh sẽ tập trị liệu buổi đầu tiên. Có thể đến đầu tuần sau (dự kiến thứ hai, ngày 29.3), Hùng Dũng sẽ ra viện và trở về Hà Nội. 
Trung Ninh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.