Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

'Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo'

01/05/2024 14:39 GMT+7

Chuẩn bị bước ra khỏi nhà là mẹ tôi nhắc phải tắt các thiết bị điện ở chế độ chờ, vừa tránh lãng phí lại loại trừ nguy cơ cháy nổ. Biết các cháu đi học về hay có thói quen mở tủ lạnh, bà ngoại căn dặn tránh mở cửa nhiều hại tủ lạnh, còn tốn thêm điện. Mẹ trở thành cô giáo 'tiết kiệm điện' cho cả nhà tôi lúc nào không biết.

Tối ngồi xem dự báo thời tiết trên tivi xong, mẹ tôi phán liền một câu xanh rờn: "Hè năm nay nhà đài cảnh báo nắng nóng kỷ lục. Hạn hán, thiếu nước, thiếu điện trầm trọng đó, các con lo mà tiết kiệm nghe chưa".

Các thiết bị ở nhà tôi luôn trong tình trạng “Tắt khi không sử dụng”

Các thiết bị ở nhà tôi luôn trong tình trạng “Tắt khi không sử dụng”

TGCC

Mẹ tôi lo xa cũng đúng, vì lâu nay bà nổi tiếng trong xóm là người đi đầu trong phong trào tiết kiệm điện. Thói quen ấy được hình thành và phát huy từ ngày mấy chị em chúng tôi còn nhỏ.

Ngày trước, mỗi khi nhà tôi gặp trục trặc về điện là y như rằng bố tự sửa chữa và trong những lần ấy, người phụ giúp và nghe bố "giảng bài" về các thiết bị điện chính là "cô học trò vợ". Sau này bố mất, mẹ tôi trở thành "sao nối ngôi" làm cô giáo giảng các bài học tiết kiệm điện trong nhà cho ba chị em chúng tôi.

Nói đi đôi với làm. Mẹ trồng cây xung quanh nhà, vừa cân bằng không khí, lấy bóng râm mà lại khiến khuôn viên nhà tôi luôn thoáng mát. Mẹ bảo: "Trồng cây xanh cũng là một cách chúng ta tiết kiệm điện". Ưu tiên sử dụng những bóng điện trong nhà là loại bóng led tròn tiết kiệm điện tối đa, lại "bảo vệ mắt, chống lóa".

Mặc dù là người của thế hệ trước nhưng suy nghĩ của mẹ rất hiện đại. Tôi nhớ khoảng 15 năm về trước, khi mà mọi nhà trong xóm tôi còn khá xa lạ với thiết bị bình năng lượng để lấy nước nóng thì mẹ chính là người đầu tiên của xóm lắp đặt thiết bị này để cả nhà sử dụng. Gia đình không phải lạm dụng bình nóng lạnh, tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn.

Khuôn viên nhà tôi khá rộng, lại thoáng do thiết kế nhiều cửa sổ. Sáng sáng mẹ chính là người mở cửa đầu tiên đón không khí vào nhà. Trưa về, chúng tôi sinh hoạt ở phòng chính giữa và giờ nghỉ trưa của mùa hè cả nhà cùng quây quần ở đó.

Nếu tiết trời mát cả nhà dùng quạt trần, còn nóng nực sẽ chuyển sang điều hòa cài nhiệt độ 25 đến 27 độ C. Mọi thành viên đều tuân theo phương châm "Tiết kiệm điện là ích nước lợi nhà" của mẹ, bằng cách tận dụng tối đa gió trời và dùng quạt có hẹn giờ mỗi buổi tối. Tính mẹ cực tiết kiệm nhưng đồ điện trong nhà mẹ lại tinh ý và tư vấn cho chúng tôi: "Mua đồ điện đừng tham rẻ, ưu tiên dùng thiết bị có gắn nhãn "tiết kiệm năng lượng", mặc dù giá có hơi cao nhưng chắc chắn sẽ có hai lợi ích là bền và tiền điện hằng tháng không đau ví".

Các thiết bị ở nhà tôi luôn trong tình trạng “Tắt khi không sử dụng”

Các thiết bị ở nhà tôi luôn trong tình trạng “Tắt khi không sử dụng”

TGCC

Tủ lạnh nhà tôi luôn để nhiệt độ từ 3 đến 5 độ C, đảm bảo nguyên tắc: "Không để thực phẩm nóng và tránh để tủ rỗng hay quá tải đồ ăn". Dần dà quy tắc ấy trở thành "luật bất thành văn". Với máy giặt, tôi luôn chọn chế độ: giặt nước lạnh vào mùa hè, chọn chương trình giặt thích hợp với loại vải và độ bẩn của quần áo. Nhà có 5 thành viên nên cứ 2 ngày gia đình tôi mới giặt một mẻ và không bao giờ giặt quá 7 kg quần áo, khiến máy giặt làm việc thoải mái. Và một điều không thể thiếu đó là khi giặt tôi sử dụng chế độ tiết kiệm năng lượng. Sự tiết kiệm của mẹ tôi còn truyền sang cả con rể, đó là việc năm ngoái nhà tôi đã lắp cột đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng ngoài sân, ở cổng và sau nhà.

Đức tính tiết kiệm điện của mẹ tôi còn được phát huy trên cương vị mẹ là tiểu khu trưởng. Mẹ thường lồng ghép hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện đến bà con, đến nỗi các cụ cao niên còn đặt cho mẹ biệt danh "Tuyên truyền viên tiết kiệm điện chạy bằng cơm của tiểu khu 6". Chính sự nhiệt tình của mẹ mà giờ đây sau 3 năm vận động thì nhiều gia đình xung quanh đã hưởng ứng lời kêu gọi của mẹ rất nhiệt tình và công cuộc "trồng cây" tiết kiệm điện đã thu hái được nhiều quả ngọt.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.