Mỹ gia hạn hiệp ước chiến lược với Micronesia, nỗ lực kiềm chế Trung Quốc

16/05/2023 08:18 GMT+7

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ và Micronesia ngày 15.5 đã đồng ý gia hạn một hiệp ước chiến lược quan trọng.

Mỹ gia hạn hiệp ước chiến lược với Micronesia, nỗ lực kiềm chế Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Joseph Yun, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden

REUTERS

Reuters ngày 15.5 dẫn lời ông Joseph Yun, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết Mỹ và Micronesia đã đồng ý gia hạn một hiệp ước chiến lược quan trọng. Ông Yun cũng hy vọng sẽ đạt được tiến triển tương tự với Palau trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường hỗ trợ các quốc đảo ở Thái Bình Dương để chống lại sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Theo đó, Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) giữa Mỹ với Micronesia sẽ được ký kết vào ngày 22.5 tại một buổi lễ ở Papua New Guinea, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Tổng thống Wesley Simina của Micronesia.

Ông Yun sẽ ở Quần đảo Marshall từ ngày 18-21.5. Tuy vậy, ông "hoài nghi" về việc thỏa thuận COFA giữa Mỹ và Quần đảo Marshall có thể được hoàn tất vào lúc này.

Washington lần đầu tiên đạt được COFA với Micronesia, Palau và Quần đảo Marshall vào những năm 1980. Theo đó, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ các nước này và cung cấp hỗ trợ kinh tế. Đổi lại, Washington giành quyền tiếp cận độc quyền các khu vực chiến lược rộng lớn ở Thái Bình Dương.

Việc gia hạn các thỏa thuận COFA đã trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm đẩy lùi các cố gắng của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Ông Yun thông báo đã ký nháy thỏa thuận với đại diện đàm phán của Micronesia, ông Leo Falcam. Hai người sẽ chính thức ký thỏa thuận vào tuần tới tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea bên lề hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và các nhà lãnh đạo đảo Thái Bình Dương.

"Thỏa thuận đó đã xong. Bây giờ tôi sẽ đến Palau và hy vọng sẽ đạt được bước tiến triển tương tự", ông Yun nói.

Bộ trưởng Tài chính: Mỹ muốn có "cạnh tranh lành mạnh" với Trung Quốc dù quan hệ căng thẳng

Ông Biden vào tuần tới sẽ trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm quốc đảo Papua New Guinea ở Thái Bình Dương sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, nhấn mạnh sự chú trọng của Washington vào khu vực Thái Bình Dương.

Các điều khoản COFA cũ với Quần đảo Marshall sẽ hết hạn vào năm 2023 và hết hạn vào năm 2024 đối với Palau.

Năm ngoái, hơn 100 nhóm kiểm soát vũ khí, môi trường và các nhóm hoạt động khác đã thúc giục chính quyền Tổng thống Biden chính thức xin lỗi Quần đảo Marshall về tác động của vụ thử hạt nhân quy mô lớn của Mỹ tại đây và đưa ra mức bồi thường xứng đáng.

Người dân đảo Marshall vẫn đang bị ảnh hưởng vì 67 vụ thử bom hạt nhân của Mỹ từ năm 1946 đến năm 1958, trong đó bao gồm vụ thử "Castle Bravo" tại Đảo san hô Bikini năm 1954. Đây là quả bom lớn nhất mà Mỹ từng kích nổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.