Tết của những người không bình thường

17/01/2004 17:25 GMT+7

Còn chừng nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng ban Giám đốc và cán bộ - nhân viên (CB-NV) ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (Trung Tâm ĐDNTT) Đà Nẵng đã chuẩn bị “phương án” ăn Tết cho những bệnh nhân (BN) ở đây, hầu hết vốn không có thân nhân và được đưa về Trung tâm khi đang vất vưởng ngoài đường. Năm nào cũng vậy, những CB-NV của Trung tâm vẫn chuẩn bị một cái tết thật chu đáo và nồng ấm tình người cho những người không bình thường này.

Vừa bước vào cổng Trung tâm, tôi đã gặp anh bảo vệ Nguyễn Văn Sỹ vừa cắt tóc cho một bệnh nhân (BN) nam, vừa phải dỗ dành vì người được cắt tóc cứ ngọ ngoạy liên tục trên ghế. BN đứng bên thì nằng nặc đòi được cắt tóc buộc anh Sỹ phải lặp đi, lặp lại như nói với trẻ con: ”Ráng chờ một tí!”. Trưởng phòng Hành chính - Quản lý Phạm Văn Tâm vui vẻ: ”Phải cắt tóc để cho ai cũng sạch sẽ, tinh tươm trong những ngày Tết, nhưng khách hàng này gần 300 người lại ”khó tính” nên không có cửa hàng nào phục vụ được”. Phó giám đốc Trung tâm Trần Công Be cho biết: ”Ở đây, BN ăn Tết đến mồng 10 âm lịch”. Trên bàn làm việc của anh Tâm, thực phẩm cần phải mua cho những ngày Tết đã được liệt kê rõ ràng: 400 kg thịt heo, 50 kg thịt bò, 1.200 cái bánh chưng, 2 tạ rau xanh, 1 tạ khoai tây, 1 tạ khoai môn, 5 kg mì chính, 30 kg bún miến...

Năm nào cũng vậy, cứ đến 30 Tết CB-NV phải sắp xếp việc gia đình để chuẩn bị cho giao thừa tại Trung tâm. Giống như mọi gia đình Việt Nam, lễ tiễn đưa năm cũ, đón năm mới ở đây không kém phần thiêng liêng và không thiếu một lễ vật nào. Có khác chăng, là thời khắc đón giao thừa của những người “điên” sớm hơn (khi 21 giờ) vì họ phải đi ngủ để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo chế độ, mỗi BN được phát 3 bộ quần áo/ năm, nhưng do BN hay xé quần áo nên Trung tâm phải vận động các tổ chức từ thiện xin thêm được 3-4 bộ/ người và bao giờ cũng dành lại bộ đồ tinh tươm nhất để đúng mồng Một Tết, BN nào cũng được cấp phát bộ đồ đẹp nhất. ”Tội lắm chị ạ! Làm cho thỏa lòng mình chứ mặc được một tí, họ đã bôi bẩn hết, thậm chí xé rách ngay. Dù sao họ cũng là một con người nên chúng tôi luôn muốn tất cả được đàng hoàng trong ngày đầu của một năm mới”. Giọng anh Be trĩu nặng. Cũng thành thông lệ, sáng đầu năm, khoảng 10 BN tương đối tỉnh táo đến chờ trước văn phòng để được mừng tuổi. Tuy mỗi phong bao mừng tuổi chỉ có 2.000 đồng nhưng Ban Giám đốc cảm nhận nơi họ cả một sự háo hức, đợi chờ.

Nhà bếp chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân tâm thần

Chuẩn bị Tết cho BN, nỗi vất vả của CB-NV Trung tâm lại tăng gấp bội khi món ăn của BN vừa có hương vị Tết, lại phải đảm bảo đủ no, đủ chất. BN chỉ có thể ăn thịt heo, bánh chưng trong 3 ngày đầu và đến mồng 4 phải đổi món khác để tránh bị rối loạn tiêu hóa. Tuy đầy đủ cả bánh kẹo, mứt... nhưng Tết ở đây lại không có hạt dưa. Trước đây, Trung tâm vẫn có chuẩn bị hạt dưa nhưng do BN vốc từng nắm cho vào miệng nên bác sỹ chỉ định không được mua hạt dưa nữa do sợ đường ruột của BN bị ảnh hưởng. Nhưng cực nhất có lẽ là thời điểm cho BN ăn khi người thì không ngó ngàng gì đến thức ăn trước mặt, người thì chụp lấy thức ăn của người khác đổ vào tô cuả mình. Chị Đặng Thị Bình, tổ trưởng cấp dưỡng kể: ”Nhiều lúc, vừa đặt tô bún nghi ngút khói xuống bàn, có BN đã vọc cả bàn tay vào bốc bún chơi. Những lúc đó, ai cũng ứa nước mắt vì đau lòng khi những cố gắng nấu ăn thật ngon của chúng tôi trở thành vô nghĩa ! Chưa kể một số bị bỏng rộp cả bàn tay”. Ngay cả âm nhạc -một thứ văn hóa tưởng chừng xa xỉ với nơi đây- vẫn được mở liên tục trong những ngày Tết. Cả truyền hình cũng được mở thường xuyên để phục vụ cho những BN tỉnh táo. “Dù biết rằng họ bị “điên” nhưng chúng tôi -những người “tỉnh”- vẫn cố gắng hết sức để lo cho BN một cái Tết tinh tươm nhất, đầy đủ nhất trong khả năng của mình”. Anh Be tâm sự.

Là đơn vị sự nghiệp xã hội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Tâm thần (Sở LĐ-TB và XH Quảng Nam-Đà Nẵng, Trung tâm ĐDNTT có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng và điều trị những BN tâm thần nhẹ. Cơ ngơi của Trung tâm được tiếp nhận lại từ một cơ sở của Công ty Dệt Hữu Nghị có tổng diện tích 4.500 mét vuông, trong đó, khu vực dành cho BN chỉ có 3 dãy nhà cấp 4, với diện tích chỉ 1.200 mét vuông, và một số công trình khác nhưng không đồng bộ, đang xuống cấp trầm trọng vì đã xây dựng trên 15 năm. Tuy dung lượng tối đa để tiếp nhận BN của Trung tâm là 150 người nhưng hiện nay, tổng số BN đang ở đây đã lên đến 276 người. Ngay cả khu cách ly có 12 phòng song cũng phải ”nhốt” đến 18 BN vì không đủ chỗ. Nếu trước đây, Trung tâm chỉ quản lý BN của Đà Nẵng và Quảng Nam gởi vào thì hiện tại, hầu như BN là người của rất nhiều địa phương khác. Theo thống kê số liệu BN trong 6 năm qua, tỷ lệ tăng do thu gom chiếm 84% trên tổng số BN nhập mới, riêng năm 2002 đã lên đến 94%. Có thể hiểu, một số gia đình ở các nơi -đã lợi dụng chính sách nhân đạo và sự quan tâm của thành phố Đà Nẵng- bỏ mặc người thân của mình đi lang thang để được thu gom, nhằm đơn giản thủ tục nhập trại hoăc né tránh trách nhiệm chăm sóc, nhất là khi Đà Nẵng thực hiện “thành phố 5 không”

Áp lực quá lớn của công việc cùng môi trường không mấy thuận lợi đã khiến nhiều CB-NV của Trung tâm bỏ việc nhưng cũng không ít người từng làm việc ở đây hơn chục năm như bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên, y tá Ngô Thị Hồng, hộ lý Nguyễn Thị Huệ, bảo vệ Nguyễn Văn Sỹ, cấp dưỡng Đặng Thị Bình...Không những thế, họ còn tranh thủ thời gian, công việc để vận động các tổ chức từ thiện xin thêm cái ăn, cái mặc, viên thuốc...góp phần tạo cho đời sống BN mỗi ngày một đầy đủ hơn. Giám đốc Sở LĐ-TB & XH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: ”Thực trạng quá tải ở Trung tâm là một áp lực rất lớn của thành phố. Cơ sở vật chất chật hẹp, ngân sách mỗi năm đều phải tăng, nhân sự của cả Trung tâm chỉ có 30 người, mà đâu phải ai cũng chịu làm công việc này nếu không có một tấm lòng nhân ái”.

Cuối năm, lo Tết cho một gia đình cũng đã là vất vả, vậy mà, trong điều kiện Trung tâm còn quá nhiều khó khăn, nhìn CB-NV chạy ngược, chạy xuôi lo Tết cho gần 300 con người không hề biết có Tết, tôi cảm nhận được một điều: thành phố Đà Nẵng và những CB-NV ở đây làm tất cả không đơn thuần chỉ vì mục tiêu xây dựng thành phố 5 không. Trên hết, họ đã biết sẻ chia với những con người bất hạnh, không chỉ với trách nhiệm mà bằng cả tình thương.

Không được đón Tết trong không khí gia đình, thiếu vắng tình cảm của người thân nhưng những bệnh nhân vẫn có một cái Tết đủ đầy. Bởi, mùa xuân không của riêng ai...

Thu Hà

Aính1. 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.