"Hậu" diva - Ai sẽ là "công dân thế giới"?

06/06/2005 11:32 GMT+7

Những cái tên được nhắc đến ở đây có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên vì tính "thiếu đại chúng" của họ, nhưng chúng ta sẽ chỉ đề cập đến những tố chất và điều kiện chủ quan của họ nếu họ muốn "xuất khẩu" âm nhạc của mình ra với thế giới, còn có thành ngôi sao quốc tế hay không lại là một chuyện khác hẳn...

Danh hiệu "công dân thế giới", như một cách nói vui, sẽ có thể (chỉ có thể thôi) thuộc về những nghệ sĩ có sẵn tố chất cho những cuộc chinh phục ngoài biên giới. Sau khi các "diva nhạc Việt" - những người được tin tưởng hàng đầu trong cuộc "Tây tiến" - đã mệt mỏi hoặc tiêu tan ảo vọng trong cuộc chinh phục nhọc nhằn này, những hy vọng mới có thể dành cho ai?

Những cái tên được nhắc đến ở đây có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên vì tính "thiếu đại chúng" của họ, nhưng chúng ta sẽ chỉ đề cập đến những tố chất và điều kiện chủ quan của họ nếu họ muốn "xuất khẩu" âm nhạc của mình ra với thế giới, còn có thành ngôi sao quốc tế hay không lại là một chuyện khác hẳn...

Đầu tiên phải kể đến Quyền Thiện Đắc. Miệt mài học tập tại một nơi tập hợp bao tinh hoa của âm nhạc thế giới - Trường âm nhạc Berklee, Quyền Thiện Đắc đã đặt được một chân vào con đường phải đi với một nghệ sĩ muốn lên tới tầm quốc tế. Trường hợp của Quyền Thiện Đắc, nếu muốn chinh phục thị trường ngoại quốc thì cách tốt nhất là dùng ngay chính thứ âm nhạc mà thị trường ấy đang ưa chuộng, ở một góc độ khác, là coi mình như một thành viên của cộng đồng âm nhạc "ngoại" ấy và phấn đấu hết mình để có thể tỏa sáng.

Đắc có 2 lợi thế trong cuộc "Tây tiến" này: thứ nhất, được đào tạo cùng với những người sẽ "tham chiến" ngay trên trận địa âm nhạc bản địa, ở đây là Mỹ, thấm nhuần cách sống, cách chơi nhạc của những người bạn không đồng chủng ấy. Vả lại jazz, không quá thiên về "trình diễn" nên yếu tố chủng tộc, rào cản lớn nhất cho các cuộc hội nhập, không bị đặt nặng; thứ hai, Đắc có một vốn nhạc dân tộc, nhạc Việt nằm sẵn trong mình, lúc nào cũng sẵn sàng đem ra để thêm chút hương xa cho những gì mình biểu diễn. Dù chưa là một "người Tây" hoàn toàn như Nguyên Lê, nhưng việc sống giữa lòng nhạc Tây đã đem lại cho Quyền Thiện Đắc những cơ sở có thể tin tưởng được cho một cuộc tấn công thị trường âm nhạc quốc tế, dù chỉ trong lĩnh vực nhạc jazz, vốn không có thị phần lớn.

Nếu yêu cầu đầu tiên cho một ca sĩ có tài phải đáp ứng được mô hình singer/songwriter, vừa hát vừa sáng tác, mà là viết ra ca khúc tử tế, thì xin được tiến cử Ngọc Anh. Nhiều ca sĩ cũng sáng tác bài hát cho mình, nhưng làm một cách chuyên nghiệp chỉ có Ngọc Anh, với một album toàn bài hát của mình, lại còn hát song ngữ Việt - Anh. Những bài hát của Ngọc Anh cho thấy một tư duy âm nhạc khá bài bản. Đó không chỉ là những bài hát viết ra theo trào lưu ca sĩ tự sáng tác bây giờ, mà được sáng tác bằng thủ pháp của một nhạc sĩ thực sự. Dù đôi chỗ còn "non", nhưng những bài hát ấy tự chúng đã cho thấy một Ngọc Anh singer/songwriter tiềm năng, nhất là khi Ngọc Anh ý thức một cách chuyên nghiệp về chuyện sáng tác của mình chứ không phải làm cho vui.

Lợi thế ấy cộng với giọng hát ngùn ngụt, mãnh liệt, rất thích hợp với dòng alternative rock đang thịnh hành trên thế giới hiện nay, đem lại những lợi thế chủ quan cho Ngọc Anh trong quy trình trở thành một nghệ sĩ quốc tế. Nói thế không phải nếu Ngọc Anh cứ xuất ngoại là tức khắc sẽ thành ngôi sao. Ngọc Anh sống và làm nhạc hoàn toàn trong môi trường nhạc Việt, nhưng cô lại có được một vài tố chất của một người làm nhạc quốc tế. Tố chất ấy có giúp Ngọc Anh thành công ngoài môi trường quen thuộc hay không thì không dám nói trước, bởi từ "lý thuyết" đến thực tế trên thị trường âm nhạc quốc tế cách xa vô cùng.

Ca sĩ Ngọc Khuê

Người thứ ba được nhắc đến, cũng có thể sẽ khiến nhiều người phải ngạc nhiên, đó là Ngọc Khuê. Nhìn bề ngoài, và chiếu theo thời điểm hiện tại, có vẻ cô ca sĩ trẻ này đang gặp khó khăn ở chính thị trường ca nhạc trong nước chứ đừng nói gì quốc tế: hát khó nghe, lại chẳng xinh đẹp lồng lộng. Nhưng chính sự "khó nghe" ấy làm nên lợi thế cho Ngọc Khuê. Cô có giọng hát, cách hát đặc sệt Việt Nam, cũng như Thị Màu là "đặc sản" của Việt Nam chứ chẳng thể lẫn lộn với Tây Tàu nào.

Với kiểu giọng, kiểu hát ấy, nếu Ngọc Khuê có được một producer, một nhạc sĩ tài ba cùng chung sở thích dòng dân gian hiện đại, họ sẽ có thể tạo nên một không gian âm nhạc riêng cho Ngọc Khuê có chỗ "thả" giọng hát đặc sắc của mình trong một thứ âm nhạc được những người nghe nhạc phương Tây thích world music ưa chuộng.

3 gương mặt ấy đã có trong mình những tố chất cơ bản cần cho một nghệ sĩ để hòa nhập với âm nhạc thế giới, nhưng không có nghĩa họ sẽ là người chinh phục được (dù một phần rất nhỏ) thị trường ca nhạc quốc tế. Nhắc đến họ là để thấy họ đang dần trở thành những người tìm cách trang bị cho mình những "tiêu chuẩn quốc tế" cho những cuộc hội nhập, đó mới là điều quan trọng chứ không phải cứ muốn "Tây tiến" là chỉ cần học giỏi tiếng Anh.

Theo Giaidieuxanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.