Lừa tiền tỉ như chuyện... đùa !

19/02/2006 21:44 GMT+7

Một vụ lừa đảo, mà theo tố cáo của các nạn nhân, số tiền lên đến 18 tỉ đồng. Thế nhưng mánh khóe thì đơn giản đến... không thể tin nổi !

"Mồi câu": Lãi suất nóng

Tháng 8.2004, bà Đoàn Thị Thủy ở ấp Tân Tiến, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM, được người hàng xóm Đinh Thị Tươi gợi chuyện làm ăn. Tươi cho biết mình có quen với một số cán bộ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNN-PTNT) Hóc Môn và đang cùng các cán bộ này làm ăn bằng cách đáo hạn giùm các sổ vay tiền mà người vay chưa thanh toán kịp để hưởng lãi suất cao. Nói có chứng, Tươi đưa ra một loạt các giấy báo nợ đến hạn của NHNN-PTNT An Sương để làm tin. Mỗi giấy có "mệnh giá" 10 triệu đồng, có đóng dấu đỏ, chữ ký của kế toán cho vay... và gợi ý nếu bà Thủy có tiền đáo hạn giùm những người này thì cứ mỗi "sổ" sẽ được hưởng 50.000 đồng lãi suất, cả tiền gốc và lãi sẽ được thanh toán ngay ngày hôm sau. Tươi trấn an là những khách hàng này muốn tiếp tục vay nhưng quy định là phải đáo hạn xong mới được vay tiếp. Vì thế, ngay sau khi nộp tiền đáo hạn, khách hàng lại vay được khoản tiền bằng hoặc cao hơn khoản vay cũ để trả cho người đáo hạn giùm.

Đều là hàng xóm, lại có giấy báo nợ đóng mộc đỏ... và quan trọng là chẳng làm gì mà trong một ngày có vài chục ngàn đồng, bà Thủy đã đồng ý giao tiền cho Tươi đi đáo hạn giùm. Thời gian đầu, hàng chục phi vụ đáo hạn giùm mà bà Thủy bỏ tiền ra hôm trước, hôm sau Tươi đem tiền đến trả cả gốc lẫn lãi. Giữa năm 2005, Tươi đem đến một loạt giấy báo nợ (với hàng trăm triệu đồng/giấy) và bảo bà Thủy chạy tiền đáo hạn giùm. Để thêm niềm tin, Tươi cho một số điện thoại di động nói là của cán bộ ngân hàng để bà Thủy kiểm tra. Thế là bà Thủy chạy vay tiền từ khắp nơi để đáo hạn "giùm" với số tiền trên 3,4 tỉ đồng và 10.000 USD. Sau lần đó, Tươi không giao tiền đúng hẹn mà viện đủ thứ lý do: ngân hàng đang bị thanh tra, cán bộ ngân hàng đi công tác... và đến cuối tháng 12.2005, khi Tươi bỏ trốn khỏi địa bàn thì bà Thủy mới tá hỏa biết mình bị lừa.

Trong khi chúng tôi đang thực hiện bài điều tra này thì một nguồn tin cho biết, tối 15.2, Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt khẩn cấp Đinh Thị Tươi khi Tươi đang ẩn náu tại nhà người quen ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Vụ việc hiện đang được Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM làm rõ.

Nhưng bà Thủy không phải là nạn nhân lớn nhất. Theo các đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, cũng với mánh khóe trên, Tươi đã lừa gần chục nạn nhân với tổng số tiền trên 18 tỉ đồng. Trong đó, những nạn nhân bị "hốt" lớn nhất có lẽ là bà Nguyễn Thúy Phượng với số tiền hơn 5,99 tỉ đồng; bà Nguyễn Tuyết Nga 3,2 tỉ đồng; ông Ngô Quốc Bảo 1,79 tỉ đồng... Đáng lưu ý, theo các nạn nhân, trước khi bỏ trốn khỏi địa phương, Tươi một mặt tẩu tán tài sản, một mặt đến nhà các nạn nhân bảo đưa hết các giấy tờ Tươi từng giao cho họ giữ làm tin để mang ra ngân hàng làm thủ tục nhận tiền. Sốt ruột vì khoản tiền quá lớn bị ngâm lâu, hầu hết các nạn nhân này đã trả cho Tươi các giấy tờ để "đi rút tiền". Hậu quả là khi đi tố cáo, những nạn nhân này hầu như không đưa ra được bằng chứng gì chứng minh Tươi có nhận tiền của mình... Chỉ duy nhất trường hợp nạn nhân tên L. ở Tân Bình, khi đưa hơn 1 tỉ đồng cho Tươi qua bà Thủy dắt mối, còn giữ được "sổ hồng" căn nhà vợ chồng Tươi đứng tên đem thế chấp. Đó là một căn nhà cấp 4 mái tôn, tường gạch, nằm trong một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, diện tích xây dựng chỉ hơn 50m2 trên tổng diện tích 100m2 đất...

Giấy đáo hạn ở đâu ra?

Trong vụ lừa đảo này, ngoài "mồi câu" lãi suất "nóng", một yếu tố quan trọng để nhiều nạn nhân giao tiền cho Tươi là giấy báo nợ đến hạn của ngân hàng có dấu đỏ, chữ ký của kế toán... Tại trụ sở NHNN-PTNT chi nhánh An Sương, bà Trần Ngọc Liên, Giám đốc chi nhánh, khẳng định những giấy báo nợ này đều là giấy thật, do chi nhánh NHNN-PTNT An Sương phát ra. Khi chúng tôi tìm gặp một số khách hàng vay nợ có tên trong giấy báo nợ đến hạn, họ cũng khẳng định việc vay vốn ngân hàng là có thật, nhưng họ không hề nhận được giấy báo nợ này và số tiền vay cũng đã được chính họ đáo hạn đúng quy định. Chúng tôi nhờ bà Liên kiểm tra thử 4 trường hợp bất kỳ trong số hàng chục giấy báo đến hạn trên hệ thống sổ sách của ngân hàng. Kết quả, cả 4 trường hợp này khách hàng đều tất toán đúng hạn, thậm chí trước hạn.

Theo giải thích của bà Trần Ngọc Liên, cứ khoảng 15 - 20 ngày trước khi khoản vay đến hạn, ngân hàng sẽ phát hành giấy báo nợ đến hạn để thông báo tới khách hàng. Giấy báo này sẽ giao cho cán bộ tín dụng phụ trách khu vực trực tiếp giao tới khách hàng để khách chuẩn bị tiền tất toán. Vậy vì sao hàng chục giấy báo nợ đến hạn lại không đến được tay người vay nợ mà lọt vào tay bà Tươi để rồi trở thành "bùa ngải" đi lừa đảo? Câu trả lời sẽ có trong nay mai khi cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, một chi tiết đáng lưu ý là khi "giao dịch" với các nạn nhân, Đinh Thị Tươi thường cho tên kèm một số số điện thoại di động và bảo đó là của các cán bộ ngân hàng. Trong quá trình "làm ăn", nhiều nạn nhân cho biết từ các số điện thoại này rất nhiều lần các "cán bộ ngân hàng" gọi đến để trấn an là cứ giao tiền cho Tươi để Tươi mang đến ngân hàng. Qua xác minh tại NHNN-PTNT chi nhánh An Sương, hầu hết những cái tên Tươi cho đều trùng với tên một số cán bộ, nhân viên ở ngân hàng này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thử gọi vào các số điện thoại của các "cán bộ ngân hàng" thì đều đã khóa máy và không liên lạc được...

Đức Trung - Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.