Học sinh cuối cấp: Chọn nghề gì đây?

04/04/2006 21:38 GMT+7

Cuối cấp học, nhiều học sinh luôn đứng ở giữa các ngã rẽ, không biết mình nên chọn ngành nghề nào, thậm chí có nhiều học sinh không hề ý thức được mình sẽ làm gì trong tương lai. Mặc dù ngày càng có nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh nhưng nhiều học sinh lớp 12 vẫn không thể định hướng cho mình...

Buổi sinh hoạt lớp vào khoảng thời gian giữa học kỳ II, các học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) do thầy Hồ Đức Minh làm chủ nhiệm đều hăng hái tham gia buổi tư vấn nghề nghiệp tương lai. Bằng phương pháp đánh dấu vào những biểu mẫu thăm dò đã được thầy Minh soạn sẵn, các em học sinh sẽ bày tỏ nguyện vọng, khả năng học vấn và ước mơ trong tương lai của mình. Kết quả của việc thăm dò này sẽ trở thành căn cứ để giáo viên chủ nhiệm cùng thảo luận với phụ huynh để lựa chọn ngành nghề phù hợp khả năng và nhu cầu. Không chỉ là một lần tư vấn duy nhất, những học sinh này đã tham gia những buổi "trưng cầu" nguyện vọng này đến 3 lần trong năm học 12. Hằng tháng, tại các lớp học này còn có những tiết dạy hướng nghiệp định kỳ theo mô hình hội thảo với những chủ đề hấp dẫn, lôi cuốn các em từ những tên gọi như "Kế hoạch nghề nghiệp của em", "Cách chọn nghề của em", "Kế hoạch cuộc đời em"... Việc cung cấp hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng, đại học... cũng được triển khai sâu rộng để các em làm quen với những bậc học mà mình có thể đeo đuổi, theo đúng nguyện vọng cũng như sở trường của mình...

Thầy Hồ Đức Minh - người gắn bó với nghề dạy học đã 25 năm, nghĩ đến mô hình hướng nghiệp nghề cho học sinh ngay khi đang còn ở trên ghế nhà trường, xuất phát từ thực trạng nhiều học sinh không đánh giá được năng lực học tập của mình, có nhiều em đặt nguyện vọng của mình quá lệch so với kết quả học tập. Học sinh luôn chọn nghề theo cảm tính, những ngành nghề được ưa chuộng, chạy theo thời thượng... Các em luôn thiếu hiểu biết về nghề nghiệp, định hướng theo bạn bè, yêu cầu của cha mẹ hoặc dư luận xã hội, theo kiểu "nhất bách khoa, nhì sư phạm, tạm được ngành y, không thì ngành dược"... Các em thậm chí không đánh giá được năng lực học tập của mình trong quá trình chọn nghề. Vào cuối học kỳ I, khi thầy Minh phát phiếu thăm dò về định hướng nghề nghiệp, có em điểm tổng kết môn Lý chỉ 5,0 nhưng lại chọn thi sư phạm Lý bởi suy nghĩ "học sư phạm không tốn tiền, có thời gian nghỉ hè, lại thỏa mãn được ước mơ làm thầy giáo". Em khác dù điểm tổng kết các môn chưa đạt 5,0 và riêng Toán, Lý, Hóa chỉ đạt từ 3,4 - 3,8 nhưng vẫn nghiễm nhiên chọn thi vào Trường ĐH Kinh tế, đơn giản chỉ vì lý do "em thích được trở thành một nhà kinh tế". Có em môn Văn đạt 5,0, Sử và Địa chỉ đạt 4,0 nhưng lại chọn thi ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh vì: "Em thích học xa nhà, thích được học các môn xã hội vì biết đâu em sẽ trở thành... nhà báo giỏi". Những lựa chọn không có căn cứ làm thầy Minh không khỏi lo âu. Có những em thậm chí sắp hết năm học vẫn chưa biết chọn cho mình nghề nghiệp gì..., và thầy đã nghĩ đến việc tư vấn nghề nghiệp cho các em. Chính từ những buổi tư vấn như trên, thầy Minh đã giúp các em học sinh của mình phần nào định hướng được con đường đi tương lai, bằng chứng là sau 3 lần phát phiếu thăm dò, quan điểm của các em đã thay đổi theo thời gian, số học sinh chọn nghề không phù hợp đã giảm đáng kể, tỷ lệ học sinh chọn thi vào cao đẳng, trung cấp tăng rõ rệt, số học sinh chọn thi đại học cũng giảm đáng kể... Không chỉ riêng lớp học thầy Minh áp dụng phương pháp hướng nghiệp này, đã 3 năm nay, nhiều trường THPT ở thành phố Đà Nẵng đã thành lập những ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN... với sự tham gia nhiệt tình của giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường, ban giám hiệu. Có những trường như THPT Hermann Gmeiner ngay từ ngày khai giảng năm học mới đã cung cấp cho các em học sinh lớp 12 các thông tin về tỷ lệ chọi, điểm sàn... của các trường ĐH, CĐ những năm học trước. Trường phát phiếu điều tra định hướng nghề nghiệp để có thể tư vấn cho những học sinh  chọn đúng con đường nghề nghiệp tương lai mà không quá sức học. Có thể nói, trong 3 năm trở lại đây, ngành giáo dục Đà Nẵng nhờ chú trọng công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp nên tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN ngày càng tăng. Rõ ràng mô hình tư vấn nghề nghiệp cho học sinh trong năm học cuối cấp là hoàn toàn đúng hướng. Và trong tương lai, mô hình này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, nhân rộng hơn nữa, tạo hiệu quả trong công tác tuyển sinh cũng như sự cân bằng cho xã hội, giảm bớt áp lực thi cử cho các học sinh, phụ huynh...

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.