Điều ước của cô giáo xóm ve chai

07/03/2007 21:58 GMT+7

Một mình nuôi 3 đứa em học đại học, Lê Như Quỳnh, hiện đang công tác tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội - chi nhánh TP.HCM, phải cáng đáng nhiều công việc đến nỗi không có thời gian cho riêng mình. Thế nhưng cô vẫn mở một lớp học tình thương dạy chữ cho trẻ em thất học trong một xóm nghèo thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM...

"Lặp lại theo cô nào! Hello, how are you?..." - cô giáo Quỳnh dáng người nhỏ nhắn chỉ tay lên bảng đen đã sờn màu buông giọng nhẹ nhàng, đám học trò nhỏ đồng thanh đọc theo. Thấy chúng tôi đến, Quỳnh niềm nở: "Ngoài công việc chính ở công ty, mình còn là cộng tác viên của VTC nữa. 5 giờ sáng mình đã phải dậy đi chợ nấu ăn, rồi đến đài VTC đọc tin, phóng sự xong lại chạy qua cơ quan làm việc đến 12 giờ rồi lại vòng ngược lại VTC thu giọng đọc tiếp, đến 13 giờ 30 phút mình lại chạy qua công ty làm. Chiều về nhà dạy học cho các em. Nói chung là thời khóa biểu của mình kín mít !".

Bạn bè tối tối muốn rủ Quỳnh đi chơi cũng hơi bị khó, vì hầu như tất cả các đêm, Quỳnh đều phải đứng lớp dạy học cho các em nhỏ trong xóm. "Trong khu này phần lớn là dân lao động ngoại tỉnh, rất nhiều gia đình làm nghề ve chai, không có điều kiện để đưa trẻ đến trường nên lắm lúc mình phải đi năn nỉ rồi giải thích cặn kẽ là lớp học hoàn toàn miễn phí họ mới yên tâm cho con đến lớp đó chứ!" - Quỳnh kể.

Thấy cô giáo Quỳnh dạy không lấy tiền, các em nhỏ trong xóm nghèo lục tục kéo tới đòi ba mẹ cho đi học bằng được, còn người lớn thì lúc đầu cũng nói ra bàn vào nhưng sau đó ai cũng hiểu và ủng hộ hết mình, cô Năm cho mượn cái bàn, chú Tư đem qua cái ghế khiến cho lớp cô Quỳnh "xôm tụ" hẳn.

Cho đến nay lớp học đã thu hút 28 học sinh, đó là con số quá tải so với khuôn viên chưa tới 9m2 của tầng trệt căn nhà Quỳnh đang thuê. "Con phải nghỉ học nửa chừng vì ba má không có tiền cho đi học nữa, nhờ cô Quỳnh tới nhà xin cho đi học con mới được học tiếp đó chứ, bây giờ con đã tiến bộ nhiều môn lắm, mà nhất là tiếng Anh" - Nguyễn Thị Thanh Thủy, học trò của cô giáo Quỳnh phấn khởi khoe.

Từ khi thấy chị cả Quỳnh đứng lớp, cả 2 em gái cũng muốn làm "cô giáo", còn một cậu em trai thì làm "thầy" kiêm nhiệm vụ sắp xếp bàn ghế chỉnh tề cho bọn trẻ. "Chị em mình ở một nhà vậy chứ chỉ gặp nhau vào buổi tối lúc dạy học thôi, cả nhà mình cứ thay phiên nhau mà dạy cho các em, ai rảnh thì cố gắng đứng lớp. Người thì dạy tiếng Anh, người dạy văn, toán. Mình thích nghề này lắm, đây cũng là cách để mình thực tập luôn để chuẩn bị cho tương lai" - Lê Bích Hiền, hiện đang là sinh viên năm II trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, một trong 3 "cô giáo" bày tỏ.

"Bận như vậy thì làm gì có thời gian dành cho bạn bè và để... yêu?" - chúng tôi hỏi. Quỳnh nhoẻn miệng cười đáp ngay: "Anh ấy tốt và hiểu mình lắm, mặc dù không trực tiếp đứng lớp dạy cho các em nhưng mỗi lần mình cần gì anh ấy đều sẵn lòng giúp đỡ mình để lo cho lớp học.

Còn bạn bè thì thỉnh thoảng hay rủ rê nhưng biết mình bận nên không nỡ trách, các bạn cũng giúp mình soạn giáo án cũng như hỗ trợ cho mình nhiều lắm". Mỗi lần học trò trong xóm bước vào mùa thi chạy qua nhờ 3 "cô giáo" kèm thêm giùm thì cả nhà phải đồng loạt "tăng ca" nên lắm lúc Quỳnh phải thức đến 2-3 giờ sáng để soạn bài vở hay chuẩn bị cho công việc ngày mai.

Ngoài làm việc, dạy học, Quỳnh còn làm MC cho các cuộc họp, hoặc nhiều lễ hội trong thành phố. Tuy bận rộn nhưng Quỳnh và các em trong nhà luôn cố gắng duy trì lớp học một cách nghiêm túc. "Lớp học tụi mình được rất nhiều người ủng hộ, và mình luôn tìm thấy hạnh phúc thật sự trong công việc này, đó cũng chính là động lực và sức mạnh giúp mình vượt qua những lúc khó khăn và mệt mỏi...".

Khi tôi hỏi: "Ngày 8.3 bạn ước điều gì nhất?", Quỳnh thổ lộ một điều không liên quan gì đến bản thân mình hay phụ nữ nói chung: "Điều mình mong muốn nhất hiện nay là chính quyền địa phương tạo điều kiện để tìm một lớp học rộng một chút, để các em được học đàng hoàng và thoải mái hơn".

T.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.