Nóng hổi cuộc sống trên sàn diễn

16/11/2007 23:36 GMT+7

Sân khấu TP.HCM gần đây có vẻ sung sức trở lại với những suất diễn bán vé rất chạy, dù thành phố đang mùa mưa bão.

Khán giả nhìn ra trong vở diễn những điều mà họ mắt thấy tai nghe hằng ngày. Vụ án ông kẹ múa kiếm Đỗ Hoài Phương Minh khiến dư luận xôn xao, giờ được đạo diễn Đức Thịnh cập nhật vào vở Nhân danh công lý (Sân khấu kịch Phú Nhuận) rất ư ngoạn mục. Trước kia, các bản dựng đều buộc nhân vật Hoàng Tú phải ra trước tòa đối chất, thì nay đạo diễn bỏ lớp này đi, thay bằng lớp Hoàng Tú bị thẩm tra trong đồn công an. Nhờ vậy mới thấy hết kiểu ngông nghênh ông trời con của cậu ấm, từ cách ngồi, cách bấm điện thoại, cách nói năng đi lại... đều y chang mẫu Đỗ Hoài Phương Minh trên mặt báo. Rồi kiểu đối đáp ngang ngược xấc xược, thói hối lộ trắng trợn, cộng với việc đem các bố già ra đè thiên hạ. Trong lớp diễn này, khi Minh Nhí trong sắc phục công an cứ “nối giáo cho giặc” Hoàng Tú bằng những cách vặn vẹo kiểu: "Có chữ nào trên đó ghi là "kiếm" hay không mà gọi là cây kiếm?" thì khán giả cười rần rần. Cười nhưng tức anh ách. Khán giả cười khoái chí, cười hả hê, vì rõ ràng họ vẫn rất ấm ức sau vụ án múa kiếm bị xử nhẹ hều. Người ta thích Nhân danh công lý của Đức Thịnh là thế, cũ mà lại rất mới, rất thời sự.

Kẻ quấy rối cũng là một vở đông khách của Kịch Phú Nhuận, bởi Đức Thịnh nêu lên một vấn đề khá phổ biến trong đời sống hiện nay: quấy rối tình dục. Trong nhiều cơ quan, đơn vị, các nữ nhân viên luôn khổ sở vì bị các loại sếp tha hồ lạm dụng, trong khi họ không dám phản kháng quyết liệt vì sợ mất việc, mất luôn miếng cơm manh áo của cả gia đình. Đức Thịnh một lần lên internet đã đọc được nỗi niềm của một cô gái, và anh tức tốc viết ngay kịch bản Kẻ quấy rối, hư cấu thêm chuyện người chồng tàn tật của nhân vật chính, để có đủ yếu tố dồn gia đình nhân vật vào ngõ cụt, tới mức cùng tắc biến thì phải bung ra một kiểu phản kháng thật sự bản lĩnh và hấp dẫn.

Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM có vở Kính thưa ô-sin bán vé rất chạy từ mấy tháng nay. Cũng do chuyện thuê mướn ô-sin bây giờ quá phổ biến, cho nên hầu như khán giả đều có thể tìm thấy mình trong đó. Vậy là tất cả ấm ức, bực bội như được chia sẻ, khiến họ nhẹ cả lòng. Nào chuyện ô-sin buôn điện thoại tá lả, mặc kệ nhà chủ đóng tiền ngất ngư. Nào chuyện ô-sin quát nạt con chủ, dạy em bé những thứ trời ơi đất hỡi. Nào chuyện ô-sin tối ngày chỉ lo ngắm vuốt điệu đàng, chỉ mơ làm nghệ sĩ mà không thiết đến việc nhà. Hoặc chuyện ô-sin mới ở quê lên, khờ khạo đến mức bị lường gạt mất hết đồ của chủ... Ngược lại, cũng có những ông bà chủ quá khe khắt, quá phân biệt vai vế, giai cấp, hoặc lại ghen tuông bậy bạ... Nói chung, ai nấy đều được chẩn bệnh đúng phóc, khán giả thích là phải.

Sắp tới, đạo diễn Trần Minh Ngọc dựng lại Đôi bờ cũng sẽ cập nhật những vấn đề tuổi teen, 8X vào vở, cắt bớt những đoạn chiến tranh, rừng sâu núi thẳm. Như thế kịch bản sẽ trẻ hơn, phù hợp hơn với công chúng trẻ. Thời hậu chiến, lớp trẻ mới là vai chính của xã hội, nói về quá khứ nhưng phải kết nối được với hiện tại thì kịch bản mới có thể đi vào khán giả.

Để tác phẩm có được hơi thở cuộc sống, nghệ sĩ phải thực sự đi vào cuộc sống, nắm được bản chất các vấn đề xã hội. Đạo diễn Đức Thịnh cho biết: "Tôi đọc báo và lên mạng mỗi ngày, chưa kể còn sục sạo trong nhà sách tìm các tập truyện ngắn, trong đó có những thông tin và ý tưởng rất phù hợp, hỗ trợ tốt cho tôi trong việc viết và dựng". Đạo diễn thường là những người đọc rất nhiều, nắm bắt thời sự rất nhạy. Nhưng diễn viên thì hình như mới chỉ một thiểu số chịu khó theo dõi thông tin, còn lại số lớn diễn viên, nhất là lớp trẻ, thì lại chỉ lo chạy sô bán vai diễn nhiều hơn là tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sống. Từ nguyên do này, nên khi phải vào vai nặng ký, đòi hỏi một chiều sâu tâm lý thì diễn viên không kham nổi, diễn xuất cứ nửa vời, nhẹ tênh là vì vậy.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.