Truy lùng những tên phát xít cuối cùng

22/11/2008 22:51 GMT+7

Hơn 60 năm qua, hàng trăm tội phạm phát xít vẫn lẩn trốn hoặc sinh sống một cách công khai ở một số nước. Và có một người không bao giờ từ bỏ cuộc chiến săn lùng các tội phạm này: Efraim Zuroff.

 

10 tội phạm phát xít hàng đầu trong danh sách của Trung tâm Simon-Wiesenthal (Ảnh chụp từ bìa báo L’Express)

Một ngày tháng 9.2006, cử tọa tập trung trong một nhà thờ Do Thái nằm trên đường Leo Frankel ở Budapest (Hungary) đã hết sức kinh ngạc. Bởi lẽ diễn giả Efraim Zuroff tiết lộ một tội phạm chiến tranh người Hungary vẫn đang sống bình yên tại Budapest kể từ năm 1996. Đó là Sandor Kepiro, người chịu trách nhiệm vụ thảm sát 1.200 người Do Thái, Serbia và Digan vào năm 1942. Zuroff nói: “Chắc chắn các bạn sẽ tự hỏi tay này có thể trốn ở đâu. Ngay trong ngôi nhà trước mặt chúng ta đó!”. Zuroff là Giám đốc Trung tâm Simon-Wiesenthal, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi các nạn nhân Do Thái, tại Jerusalem. Nhà sử học này là người cuối cùng vẫn tiếp tục săn lùng những tay phát xít.

Từ năm 2002, Zuroff đã phát động chương trình “Cơ hội cuối cùng”, một chiến dịch toàn cầu nhằm xác định và tìm ra nơi ở của những tên phát xít tàn bạo vẫn đang sống tự do. Và sau đó là thuyết phục các nước đưa ra xét xử.

Năm nay 60 tuổi, Zuroff đang nỗ lực truy lùng dấu vết của một tội phạm cực kỳ tàn bạo: Aribert Heim, thuộc lực lượng SS của Đức Quốc xã. Năm 1941, Heim là bác sĩ trưởng của trại tập trung Mauthausen ở Áo. Y đã giết hàng trăm tù nhân thông qua những thí nghiệm dã man. “Bác sĩ tử thần” Heim là nhân vật số 1 trong danh sách 10 tội phạm phát xít bị truy lùng gắt gao nhất của Simon-Wiesenthal.

Ngày 9.9.2008, Zuroff có một cuộc hẹn quan trọng. Sáng hôm ấy, tại Innsbruck (Áo), ông đã gặp Waltraud Boser, người con gái 66 tuổi ngoài giá thú của Aribert Heim. Boser nói với Zuroff rằng bà chưa từng gặp lại cha mình và chỉ vừa phát hiện ra quá khứ của ông ta cách đây không lâu. Zuroff không tin một lời nào của Boser. Boser sống ở Chile và thường đến

San Carlos de Bariloche thuộc Argentina, một thành phố nhỏ nằm cạnh biên giới. Có thể Heim, năm nay 94 tuổi, đang lẩn trốn tại đây. Zuroff thừa nhận: “Chúng tôi không chắc chắn. Nhưng nếu y vẫn còn sống, chúng tôi sẽ làm tất cả để tìm cho được tên đao phủ này!”.

Truy lùng trên toàn cầu

Cuộc săn lùng diễn ra trên toàn thế giới là một cuộc chạy đua với thời gian. Tội phạm phát xít và những người hợp tác hầu hết đều đã gần 90 tuổi hoặc hơn. Nhiều người trong số đó lẩn trốn từ hơn 60 năm nay dưới những cái tên giả. Một số khác sống bình yên một cách công khai và tin rằng sẽ không bị trừng phạt. Nhưng họ đã nhầm. Chương trình “Cơ hội cuối cùng”, trải rộng trên 15 quốc gia châu u và Mỹ La-tinh, đã thu được một số kết quả.

Trung tâm Simon-Wiesenthal lần theo từng dấu vết một. Để làm việc này, trung tâm đã cậy đến sự giúp đỡ của các nhà sử học tại những nước có liên quan: Lithuania, Argentina, Đức... “Nhưng vẫn còn hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tội phạm chiến tranh đang sống tự do”, nhà sử học người Đức Stefan Klemp nói. Klemp đã làm việc với Simon-Wiesenthal từ 10 năm nay.

 

Efraim Zuroff và hình “bác sĩ tử thần” Aribert Heim
- Ảnh: FAZ

Các nhà điều tra của chương trình “Cơ hội cuối cùng” cũng tăng cường tìm kiếm nhân chứng: thông báo trên báo chí, đường dây điện thoại mở 24/24 giờ, tiền thưởng 25.000 USD dành cho những thông tin chắc chắn. Trung tâm Simon-Wiesenthal được Aryeh Rubin, một nhà công nghiệp giàu có người Mỹ, hỗ trợ về mặt tài chính.

Những thông tin không đáng tin cậy - để kiếm thưởng - sẽ nhanh chóng bị loại bỏ. Những nhân chứng thật sự thường không cần phần thưởng. Nhờ tài liệu của gia đình một nạn nhân, năm 2005, Zuroff đã tìm ra Karoly Zentai, 87 tuổi, tại Áo. Đây là một cựu sĩ quan người Hungary chuyên “săn lùng người Do Thái”. Zentai nằm ở vị trí thứ 7 trong danh sách “Cơ hội cuối cùng”. Năm 2006, Zuroff xác định được Sandor Kepiro, nhân vật số 3, tại Budapest. Tay phát xít tàn bạo sống đối diện một nhà thờ Do Thái - như đã nói ở trên.

6 năm qua, khoảng 500 tội phạm chiến tranh, “tác giả” và những kẻ tiếp tay cho các tội ác chống lại loài người đã được xác định. Tài liệu được chuyển đến Bộ Tư pháp các quốc gia nơi những người này sinh ra hoặc đang sinh sống. Khoảng 100 cuộc điều tra đã được các nước tiến hành. “Những kẻ này phải trả lời cho hành động dã man của mình trước tòa”, Zuroff nói. “Việc này không phải để trả thù. Đó là công lý, sự tôn trọng dành cho các nạn nhân và gia đình của họ”.

Khó nhất là trừng phạt

Sinh tại Brooklyn (Mỹ), sống ở Israel từ năm 1970, Zuroff, Giám đốc Trung tâm Simon-Wiesenthal, đã tiếp bước người tiền nhiệm của mình. Đó là Simon Wiesenthal - sáng lập viên trung tâm.

Wiesenthal đã sống ở nhiều trại tập trung. Sau khi được giải thoát khỏi đó, ông trở thành “người canh gác ký ức” về nạn diệt chủng người Do Thái. Ông đã dành hơn 50 năm cuộc đời mình để truy tìm khoảng 1.000 đao phủ của Hitler. Ông mất vào năm 2005. Trên thực tế, không phải lúc nào Trung tâm Simon - Wiesenthal cũng trưng ra được bằng chứng xác thực để chống lại những người đã gây ra tội ác và cũng không dễ đưa những người này ra tòa.

Có một điều ngược đời. Việc khó khăn nhất trong cuộc truy lùng những tay đao phủ phát xít không phải là việc xác định nơi trú ẩn. Trung tâm Simon-Wiesenthal đã tìm ra được nơi ở của 9 nhân vật nằm trong danh sách cần truy lùng, trừ Aribert Heim. Ba người trong số đó sống tại Đức, một tại Áo, một tại Úc và một ở Estonia... Nhưng để đưa những người này ra tòa thì lại là một vấn đề luật pháp hóc búa. Những người này đã quá già, bị bệnh hoặc giả vờ bị bệnh, và rất khó để dẫn độ. Họ biết thời gian đang ủng hộ mình. Nhất là khi chính quyền thì chậm trễ, còn họ thì được những người có thế lực bảo vệ.

Không giao nộp

“Việc những tay phát xít có thể chết bình yên trên giường trong khi nạn nhân của họ phải chết đau đớn làm tôi rất khó chịu”, nhà văn Elie Wiesel tuyên bố như vậy với tạp chí L’Express. Wiesel từng thoát khỏi trại tập trung Auschwitz-Buchenwald. “Tôi chống lại án tử hình nhưng ít nhất những tay này phải bị nhốt lại... Làm thế nào để chấp nhận được việc họ không bị kết tội?”, nhà văn từng đoạt giải Nobel Hòa bình này nói. 

Một trong những trường hợp về phát xít thoát tội làm người ta sững sờ nhất là Milivoj Asner (người Croatia, 95 tuổi), nhân vật số 4 trong danh sách của Wiesenthal. Y chịu trách nhiệm việc giam giữ hàng trăm người Do Thái, Serbia, Digan và các chiến sĩ Cộng sản vào những năm 1941-1942, dưới chế độ Ustase Quốc xã. Năm 2004, Asner đã trốn đến Klagenfurt (Áo). Croatia muốn tuyên án Asner. Interpol phát lệnh truy nã quốc tế đối với Asner. Nhưng Áo từ chối giao nộp vì lý do “Asner rất yếu”.

Trong khi chờ đợi, Zuroff càng cố gắng hơn. Ngày 12.9 vừa qua, khéo léo như một nhà ngoại giao, Zuroff đã đến Belgrade (Serbia). Bộ trưởng Tư pháp Serbia khẳng định với Zuroff rằng ông ta sẽ yêu cầu dẫn độ Asner.

Zuroff đã khiến khoảng 12 tội phạm phát xít bị kết án. Ông vẫn tích cực làm việc. Thời gian đang thúc giục ông. Trong 4 - 5 năm nữa, chương trình “Cơ hội cuối cùng” sẽ kết thúc. Những tay phát xít cuối cùng sẽ thật sự biến mất do chết già. “Từ đây cho đến lúc đó, chúng tôi có nhiệm vụ truy lùng chúng cho bằng hết”, Zuroff nhấn mạnh.  

Từ Nuremberg đến phiên tòa Barbie

- 1945-1946: Tòa án quân sự quốc tế Nuremberg đã xét xử 22 nhân vật cấp cao của chế độ Quốc xã phạm tội ác chống lại loài người. 12 người bị tuyên án tử hình, 3 người tù chung thân. Cũng có 3 người được tha bổng. Từ năm 1946 đến 1949, có 180 quan chức khác của chế độ Quốc xã bị tuyên án ở Nuremberg.

- 1961: Adolf Eichmann, nhà tổ chức “kỹ thuật” việc thảm sát người Do Thái, bị bắt tại Argentina. Eichmann bị đưa về Israel và bị tuyên án treo cổ vào ngày 31.5.1962.

- 1965: Khoảng 20 người phụ trách trại thảm sát Auschwitz bị tuyên án tù, từ 3 năm cho đến chung thân tại Frankfurt (Đức).

- 1980: Tại Cologne, 3 nhân vật chủ chốt chuyên bắt giữ người Do Thái ở Pháp gồm Herbert Hagen, Kurt Lischka và Ernst Heinrichsohn đã bị tuyên án tù lần lượt là 12 năm, 10 năm và 6 năm.

- 1987: Klaus Barbie, sĩ quan lực lượng SS, chỉ huy cơ quan mật vụ Gestapo ở Lyon (Pháp), bị tuyên án tù chung thân. Barbie chết trong tù năm 1991.

Ngọc Trung (Theo L’Express)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.