Nước mắt chảy xuôi - Kỳ 2: Mẹ phải sống vì con

29/11/2008 13:16 GMT+7

Bà cụ Kim Thị Linh lọm khọm, miệng móm, tóc bạc phơ, mắt nhập nhèm, lui cui trong bếp nấu cơm. Đã vài chục năm qua, ngày nào cũng vậy bà còng lưng lo từng bữa ăn cho những người con mù. Đáng thương hơn, anh Kim Sa Giang - một trong bốn người con của cụ, còn mắc thêm bệnh tâm thần. >> Kỳ 1: Bà cụ bắt tép nuôi con

Bà 83 tuổi, vậy mà vẫn bao la tấm lòng người mẹ, ước ao: “Tôi ngày càng yếu nhưng mong ông trời cho sống hoài để lo cho chúng nó”.

Gượng dậy nuôi con

Khi chúng tôi hỏi về gia đình bà Linh, ông Võ Trường Giang - chủ tịch xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nơi bà sinh sống - xúc động nói: “Hoàn cảnh gia đình bà Linh đáng thương lắm. Một người mẹ đã 83 tuổi, đâu còn lao động được, vậy mà phải nuôi đến bốn người con mù”.

Bà Linh hồi tưởng: “Lúc ổng sắp chết, tôi biểu cứ yên tâm, tôi sẽ thay ông nuôi nấng đầy đủ cho con cái. Giờ ngày mình càng già yếu, chắc không giữ đúng được lời hứa với ổng. Nhưng tôi chưa thể chết được, tôi chết thì ai lo cho các con tôi”. Dừng một lúc, lấy khăn chặm khóe mắt, bà Linh lại trầm tư: “Sinh các con ra lành lặn, nuôi đến lớn, chưa lập gia đình được cho chúng thì lâm bệnh. Tôi chỉ sợ một mai mình chết trước thì không biết các con tôi sẽ ra sao...”.

Đưa tay lên chặm nước mắt, chị cả Kim Thị Sao Huy, năm nay 57 tuổi, nói về mẹ mình: “Mẹ đã hi sinh cả đời cho chúng tôi. Nay mẹ chân yếu tay run mà vẫn phải lo cho chúng tôi như thời còn bé”. Chị Huy kể gần sáu tháng năm ngoái, mẹ bị bệnh liệt giường. Ba chị em mù lo lắng ngồi quanh mẹ. Người ngồi quạt, người cầm chén, muỗng rồi mò mẫm đút từng miếng cháo cho mẹ. Nhiều khi cháo chảy quanh miệng, chảy cả xuống tai mẹ. Rờ thấy, ba chị em cùng rưng rức khóc.

“Tôi thương mẹ bao nhiêu thì lại ghét cho việc vô dụng của mình bấy nhiêu. Nhiều lúc cả ba chị em bàn với nhau tìm cách cùng chết cho mẹ bớt khổ, nhưng nghĩ lại làm vậy có khi bà còn đau lòng hơn nên ráng sống”, chị Huy trầm tư.

Nghe con nói vậy, mắt cụ Linh lại ngân ngấn nước, thì thào: “Dạo đó tôi nghĩ mình chắc không qua khỏi. Thấy các con mù, không làm được gì, lòng đau như đứt từng khúc ruột. Tôi thầm nhủ ráng khỏe, phải sống để chăm lo cho con”.
 

Ngày ngày người mẹ 83 tuổi này vẫn phải chăm sóc người con trai 55 tuổi bị mù và bệnh tâm thần - Ảnh: Đ.Tuyên

Khi đó, từ thuốc nam cho đến thuốc bắc, thuốc tây, ai cho gì cụ Linh cũng uống. “Rồi ông trời phù hộ, tôi ráng gượng dậy, chiến thắng thần chết, tiếp tục lo cho chúng nó”, bà Linh nói rồi lại cười móm mém kể: Lần ấy, ba người con dìu bà ra sau nhà. Các chị mù đâu thấy gì nên phải nhờ đôi mắt sáng của bà chỉ đường. “Chúng vấp ngã. Bốn mẹ con nằm chồng lên nhau, lồm cồm bò dậy và khóc rồi lại cùng cười. Thật thấy cái khổ của mình cũng ngộ quá xá!”, bà Linh kể. Bà cho biết: “Nhiều khi tôi phải chọc cười để các con bớt suy nghĩ về hoàn cảnh của mình mà sống”.

Ngày ấy, cô gái Kim Thị Linh, người dân tộc Khơme, theo cha về ấp Sóc Chà B, xã Thanh Sơn lập nghiệp. Ngày ngày người con gái một Kim Thị Linh giúp cha làm ruộng, trồng lúa. Tại đây, Linh gặp ông Kim Huynh (cũng là con một) và kết duyên vợ chồng. Hai ông bà sinh được tám người con. Những người con thi nhau ăn, phổng phao, khỏe mạnh, chăm ngoan. “Các bà hàng xóm nói mày có nhiều con, ráng nuôi lớn lên chúng làm lụng tha hồ mà hưởng”, bà Linh ngồi nhớ lại.

Đông con, ít ruộng, bà Linh và chồng quần quật hết đồng nhà lại sang đồng người làm thuê. Tích cóp, hai ông bà cũng mua được 10ha đất trồng lúa. Bà Linh vui trong bụng vì kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, con khỏe mạnh. Thế nhưng đùng một cái, hai người con lăn ra bệnh và mất ngay sau đó. Liên tiếp tai họa cũng giáng xuống đầu bà từ đó.

Cơ cực một đời

Kim Sa Giang, người con trai thứ của bà Linh, theo lời chị Sao Huy là “rất sáng dạ”. Giang học giỏi, cả nhà trông chờ, hun đúc cho cậu đến trường. Thế nhưng khi đang học lớp 7, tự dưng Giang nhức đầu dữ dội. Vợ chồng bà Linh đem con sang Cần Thơ rồi lên TP.HCM chữa trị nhưng các bác sĩ cũng không phát hiện bệnh gì. Mua một ít thuốc, hai ông bà đành đưa con về lại quê. Uống thuốc cũng không đỡ, những cơn đau đầu quật ngã Giang, buộc cậu phải nghỉ học. Không bao lâu sau mắt Giang mờ dần và không còn thấy gì. Tự ti, giam mình trong nhà, Giang lầm lũi sống. Trọn niềm hi vọng bà Linh đặt vào người con trai cũng tắt ngấm từ đó.

Đau hơn nữa, chỉ hai năm sau, người con gái lớn của bà - Kim Thị Sao Huy cũng mắc bệnh như Giang. 25 tuổi, chưa kịp lấy chồng, đời chị Huy bắt đầu chuỗi ngày đen tối như chính đôi mắt của chị chìm vào bóng đêm. Chưa hết bàng hoàng vì hai người con đầu không còn thấy gì, ba năm sau cả hai người con gái thứ ba, thứ tư là Kim Thị Sa Phanh và Kim Thị Sóc Kha lại chìm vào những cơn đau đầu triền miên. Chỉ vài tháng sau đôi mắt của cả hai chị đều không còn thấy gì nữa. Khi đó Phanh mới 19 còn Kha bước vào tuổi 17, chưa một lần yêu và đến nay vẫn chưa có chồng.

“Mỗi khi đi làm đồng về, nhìn các con bị bệnh tôi chỉ còn biết khóc và lại quần quật làm để mong kiếm tiền chữa trị cho chúng”, bà Linh hồi tưởng những ngày khốn khó. Thế nhưng tai họa vẫn chưa buông tha bà, người con trai Kim Sa Mết còn lại cũng lâm bệnh và mù. Hai năm sau, khi bị bệnh sốt xuất huyết, anh Mết “tử thủ” không cho ai đưa đi bệnh viện, quyết nằm nhà chờ bệnh hành hạ cho đến chết ở tuổi 40. Trước cái chết của người anh cộng với nỗi đau bệnh tật của các chị, thương mẹ cha từ đó Kim Sa Giang lâm bệnh tâm thần.

Năm nay anh Giang đã 55 tuổi, chị Sao Huy 57 tuổi, Sa Phanh 45 tuổi và Sóc Kha cũng vừa bước sang tuổi 42. Tuổi anh chị bao nhiêu thì cũng là bấy nhiêu năm vợ chồng bà Linh phải còng lưng lao động quần quật kiếm tiền lo cho đàn con. Do lao động cực nhọc, cách nay bốn năm ông Kim Huynh lâm bệnh qua đời, bỏ lại bà một mình và bốn người con mù lòa. “Chúng tôi ao ước ai đó cho mình công việc thích hợp để làm, phụ giúp mẹ già nhưng bao năm rồi không có. Ở cái ấp vùng sâu vùng xa này chỉ rặt một nghề làm nông, ai cũng nghèo nên ít khi thuê mướn. Có thuê chúng tôi cũng không cấy giặm hay nhổ cỏ chi được vì mù mà”, chị Sa Phanh nói.

Từ ngày các con rồi chồng bị bệnh, bà Linh phải bán lần 10ha ruộng để lo chạy chữa và đong gạo ăn cho cả nhà, bây giờ chỉ còn đúng ba công đất. Đó là số đất bà Linh quyết giữ lại để làm lúa hai vụ được chừng 100 giạ, trừ phân tro hết khoảng 60 giạ, số còn lại xay gạo mẹ con ăn cầm chừng sống lây lất qua ngày. Cả năm mẹ con không còn khả năng lao động, hễ nghe đâu có cúng, làm phước bà Linh lại vác bị đi xin về nuôi các con. Không cầm được lòng, Kim Sa Phon, 51 tuổi, người con duy nhất của bà Linh không mắc bệnh, gần đây đã đem hai con nhỏ về nhà và đi làm thuê phụ thêm mẹ nuôi các anh chị bệnh.

Quê nghèo chỉ quanh quẩn vài việc làm cỏ, cấy giặm nên mẹ con bà Linh cũng phải bữa cơm bữa cháo qua ngày.

Theo Nguyễn Đức Tuyên/ Tuổi Trẻ
___________________

Bà cụ 84 tuổi, mù lòa, ngày ngày bán nước chè nuôi người con bại liệt. Bà không sợ khổ, không sợ chết mà chỉ sợ cô con gái sẽ ra đi trước mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.