Báo động nạn trộm cắp nắp cống

09/01/2009 11:21 GMT+7

Tại TP.HCM, tình trạng mất trộm nắp cống diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây đang là nguy cơ rình rập đối với người đi đường.

Ngay sau vụ em Ngô Hoàng Võ chết vì té xuống hố ga trên đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN), một số hố ga không có nắp đậy dọc hai bên đường ven kênh NL-TN vừa được rào tôn xung quanh. Một nhân viên công trường cho biết một số hố ga có nắp đậy nhưng đã bị trộm mất.

Nắp cống hố ga dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn gần cầu Kiệu (Q.1) bị đập phá nhưng chậm được khắc phục (ảnh chụp sáng 2-1) - Ảnh: N.Ẩn

Nhiều thiệt hại

Không những bị trộm nguyên nắp cống, ông Trần Vĩ Châu - cán bộ nhà thầu TMEC CHEC 3 (Trung Quốc) - nói ở giếng số 25 trộm còn đập vỡ vụn nắp cống để lấy sắt bán ve chai, các tấm tôn rào xung quanh nắp cống cũng bị lấy trộm. Thậm chí đơn vị đã cột các tấm tôn dính với nhau và có chỗ hàn tôn dính vào khung sắt vẫn bị trộm gỡ để bán ve chai. “Hàng trăm tấm tôn ở giếng S4, S5, S23 sau khi được rào mới thì ba ngày sau bị trộm gỡ tôn lấy mất” - ông Châu bức xúc nói.

Nạn trộm cắp ở các công trình xây dựng gây nhiều thiệt hại về tài sản cho các đơn vị liên quan. Theo ông Võ Thành Danh - phó tổng giám đốc Công ty BOT An Sương - An Lạc, trong năm 2008 có hơn 50 nắp cống bằng gang và khoảng 100 lưới sắt chắn rác trên quốc lộ 1 “không cánh mà bay”. Mỗi nắp cống bằng gang trị giá 2 triệu đồng nhưng nếu đem bán ve chai chỉ vài trăm ngàn đồng. Tương tự, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 cho biết trong năm vừa qua hàng chục nắp cống, hố ga trên đường Bắc Nam (Q.7, Nhà Bè) cũng bị trộm đập vỡ, lấy sắt vụn đem bán.

Nguy hiểm nhất, nạn trộm nắp cống, hàng rào tôn khiến các công trình trở thành mối hiểm họa gây tai nạn cho người đi đường. Vào tháng 8-2008, một người đi xe gắn máy bị té vào giếng số 5 sâu khoảng 10m trên đường ven kênh NL-TN là do hàng rào tôn quanh miệng cống bị trộm. Theo ông Trần Vĩ Châu, điều may mắn là trong miệng giếng có nước nên không xảy ra tai nạn chết người. Điều đáng nói, nhiều trường hợp bị mất nắp cống hoặc tôn rào bị trộm thường chậm được các đơn vị có trách nhiệm phát hiện, khắc phục, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Cần có biện pháp hữu hiệu

Rõ ràng không thể đổ lỗi cho nguyên nhân bị trộm mà không bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi đường. Trong văn bản gửi ban giám đốc dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực NL-TN, sau khi em Ngô Hoàng Võ tử vong do lọt xuống hố ga ở bờ kênh NL-TN, Công ty tư vấn CDM cho rằng nhà thầu vẫn phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này, đồng thời yêu cầu nhà thầu thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn. CDM còn nhấn mạnh sẽ dùng ngay kinh phí của dự án để bảo đảm an toàn thay vì chờ nhà thầu thực hiện.

Theo ông Đặng Văn Nhơn - phó giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP, qua rà soát đã phát hiện 25 vị trí không bảo đảm an toàn, qua đó yêu cầu các nhà thầu thi công trên tuyến kênh NL-TN có biện pháp khắc phục và sửa chữa gấp.

Để chống nạn trộm cắp nắp cống gang, một số khu quản lý giao thông đô thị cho biết đã hàn nắp cống dính cứng với miệng cống để trộm khó lấy cắp. Tuy nhiên các đơn vị cũng cho rằng biện pháp này sẽ gây khó khăn cho việc duy tu đường cống thoát nước.

Theo ông Đặng Văn Nhơn, hiện nay công trình thi công trên tuyến kênh NL-TN dài hơn 8km nên việc bảo vệ các công trình rất khó khăn, “kiểm tra đầu này thì mất trộm ở đầu kia công trường”. Ông Nhơn cho biết biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là chính quyền địa phương cần tham gia phát hiện và xử lý kẻ trộm. Do vậy Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP đã có văn bản kiến nghị UBND các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình và Phú Nhuận hỗ trợ tăng cường bảo đảm an ninh cho các công trường để ngăn ngừa việc trộm cắp gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công, phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo Ngọc Ẩn (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.