Tết tha hương nơi xứ lạnh

24/01/2009 12:19 GMT+7

(TNO) Tết cổ truyền luôn là một điều thiêng liêng trong mỗi con người, dù là ai, ở đâu, đi đâu và làm gì. Xuân về là dịp để mọi người sum họp, chúc nhau những điều thành công trong tương lai. Thế nhưng, từ xứ lạnh Canada xa xôi, du học sinh Nguyễn Huỳnh Duy Thanh lại ngổn ngang một nỗi niềm riêng trong những ngày cận Tết đang đến. Đọc những dòng thông tin trên trang Tết của Thanh Niên Online, Duy Thanh đã chia sẻ một cảm xúc rất riêng và cũng rất đặc trưng của những người Tết không về trên xứ người…

Tha phương và lạnh lẽo

Mỗi lần nghe những ca khúc ngày xuân mỗi dịp Tết đến như: Dịu dàng sắc xuân, Xuân đã về, Ngày Tết quê em… lúc đó còn nhỏ, những lời hát rộn ràng tươi vui đấy đó dường như vô nghĩa với tôi. Tôi nhớ một đêm giao thừa hồi cấp ba, cả nhà sum vầy trong phòng khách đợi tới thòi khắc thiêng liêng. Năm đó vừa dọn về nhà mới. Ba mẹ và thằng em nhỏ của tôi vui lắm. Rồi cứ đến lúc bắn hoa giao thừa, nền nhạc rộn rã của ngày Tết lại cứ vang lên. Tôi nghĩ chuyện đó cũng bình thường, là tết yếu bởi cứ ngày Tết là tươi vui, rộn ràng và những giây phút này có lẽ sẽ kéo dài mãi trong cuộc đời của tôi.

Có lẽ lúc đó có mơ tôi cũng không đoán ra được là 8 năm sau, tôi lại lục tìm nghe lại những bà nhạc xuân kiểu như vậy qua Internet khi cách nhà nửa vòng trái đất. Rồi càng ngày càng lớn, mỗi khi xuân về, ngồi co ro trong phòng ở xứ lạnh Canada lại có dịp nghe lại những bài nhạc xuân trên đài truyền hình bằng đường internet. Lần nào cũng vậy, cái cảm giác tha phương, lạnh lẻo bỗng trỗi dậy trong cái thằng tôi đã 26 tuổi.

Xa nhà nhưng sinh viên đời sống vẫn đầy đủ lắm. Làm đêm 1-2h sáng nhưng bữa nào rảnh thì rủ nhau ra quán uống bia nói chuyện, có ngày được nghỉ đi chơi xa nữa. Cuộc sống như thế thì khối bạn trẻ bên VN cũng phải mơ ước.


Bạn Duy Thanh (bìa phải) trong một lần ra quán đón Tết cùng một số du học sinh VN - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thế nhưng mỗi khi tết đến, trời lạnh buốt, tối đến sớm, sương mù bao phủ, từng ca từ, giai điệu tươi vui lại vang vẳng trong tai. Cũng giống bao người xa xứ hoàn cảnh không cho phép tôi về nhà ăn tết với gia đình. Tám năm rồi tôi không được ăn một cái tết ấm cúng, xum họp cùng ba mẹ và thằng em nhỏ của mình. Mỗi lần định về thì lại vướng việc học, việc làm. Có lúc thì lại không đủ tiền.

Tháng 1-2 bên này là thời gian bận rộn nhất trong năm. Đó là lúc người địa phương trở lại với công việc sau lễ giáng sinh và năm mới. Đối với sinh viên thì đó là thời gian bắt đầu học kì mới. Gần giữa tháng 1 thì bài vở phải nộp dồn dập. Lu bu quá, nhiều năm tết đến hồi cũng không biết nữa. Rồi nghe tin ở thành phố chuẩn bị chợ hoa, nhà chuẩn bị ăn tết, bỗng dưng lòng lại thấy hụt hẫng. Có khi tự hỏi tại sao mình phải đi học xa làm gì? Và những lúc ấy, thân phận của tôi có đáng buồn không chứ?

Mong lắm ngày Tết đoàn tụ

Không biết là đi học tốn kém, xa nhà như thế này có hiệu quả hơn? Chưa biết sẽ hơn được ai nhưng khó khăn hơn cả vẫn là thiếu thốn về mặt tình cảm. Gia đình thì ở xa, bạn bè thì không nhiều. Bạn thân thì có đứa lập gia đình, đứa dọn đi chỗ khác, đứa về Việt Nam. Tối ngày đi làm, đâu có gặp ai người Việt để làm bạn để rồi nỗi buồn và cô đơn cứ xâm chiếm và càng ngày càng hiển hiện khi Tết đến!

Rồi có những lúc lại nghĩ, dù sau này làm nên sự nghiệp, như vậy có đáng hay không? Ba mẹ tôi năm nay cũng lớn tuổi rồi, có con như tôi cũng như là không có. Không giúp được việc nhà, không ở nhà động viên, chỉ dạy gì được cho thằng em còn nhỏ. Ông bà phải gánh vắt tất cả mọi chuyện. Rủi trời trở gió có gì không biết phải làm sao?

Cũng giống như lời hát của ngày Xuân, ngày Tết, càng nhớ lại tôi càng thấy buồn, càng lạnh lẽo mỗi khi tết về! Những suy nghĩ về tương lai lại càng thấy ảm đạm hơn. Người ta nói đi càng lâu thì cơ hội về nước càng thấp. Tôi biết có một gia đình người Việt ở đây, hai vợ chồng ở chục năm rồi mới về Việt Nam ăn tết được một lần. Thôi thì chỉ biết phấn đấu. Hy vọng là năm sau sẽ có dịp về nhà ăn tết, để đoàn tụ gia đình, để ngày xuân thêm vui.

Dương Thành Trung

(Ghi theo lời kể của du học sinh Nguyễn Huỳnh Duy Thanh tại Canada)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.