Thảo luận về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

03/06/2009 15:23 GMT+7

(TNO) Hôm nay 3.6, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Đa số ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH đều cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi cơ chế tài chính cho giáo dục nhưng lại không hoàn toàn tán đồng với cách thay đổi như đề án của Chính phủ.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho biết, gọi là Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhưng đề án lại chủ yếu nói về chuyện tăng học  phí, cái gốc của vấn đề là cơ chế tài chính thì đề án lại chưa làm rõ, chẳng hạn như với những trường nào thì được tự chủ về tài chính… “Trên thế giới, không có ai lập trường để rồi chia cổ tức, chỉ có Việt Nam mới làm” - ĐB Lịch bức xúc. 

Theo ĐB Trần Du Lịch, dù là đầu tầu kinh tế, mức thu nhập bình quân ở mức cao so với cả nước nhưng nếu điều chỉnh theo đề án thì tại TP.HCM cũng có tới 60% số gia đình có con đi học bị ảnh hưởng.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho biết, trong đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nói là cơ cấu phân bổ ngân sách cho giáo dục hiện nay không hợp lý, 74% ngân sách do địa phương quản lý, Bộ chỉ quản 5%, 21% còn lại là do các bộ, ngành. “Bất hợp lý nhưng trong đề án không có giải quyết”  - ĐB Hòa bày tỏ.

Ủng hộ quan điểm tăng học phí nhưng “tăng không quá 6% thu nhập thì tôi hơi lo, vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, số người cận nghèo rất lớn” - ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) nói.

Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Thám lại có nỗi lo khác: “Tôi rất phân vân về cách tính không quá 6% thu nhập”. Theo ĐB Thám, việc xác định 6% này rất khó, vì ngay cả khi xác định các chỉ tiêu kinh tế thì mỗi cơ quan lại đưa ra một con số khác nhau, bên sở Kế hoạch đưa ra một con số, Thống kê đưa ra một con số.

Đề án đưa ra mức bình quân là một cháu học mẫu giáo chỉ đóng 35.000 đồng/tháng nhưng ĐB Tất Thành Cang (TP.HCM) cho biết, “Thực tế, chi phí cho một học sinh lớn hơn nhiều. Con tôi 3 tuổi nhưng đi học mẫu  giáo mỗi tháng phải đóng 600.000 đồng”. ĐB Cang nói thêm: “600.000 đồng/tháng là có hóa đơn đàng hoàng và ở một trường bình thường gần nhà”. Đối với học sinh phổ thông thì chi phí còn tốn kém hơn nữa, vì phải học thêm đủ thứ. ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) lên tiếng: “Tăng học phí nhưng Bộ GD-ĐT phải giải quyết việc học thêm như thế nào ?”. ĐB Trần Du Lịch thì đòi hỏi ở mức cao hơn, khi đặt câu hỏi: “Bộ GD-ĐT có cam kết, tăng học phí thì sẽ chấm dứt thu thêm các khoản thu ?”.

Các ĐB cũng đề nghị, trước khi tăng học phí, ngành GD-ĐT nên xem xét lại việc chi tiêu của mình. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) không hài lòng khi điều kiện của chúng ta còn hạn hẹp nhưng ngành giáo dục lại chi rất nhiều tiền cho các đề án và hiệu quả của các đề án này rất thấp. ĐB Cang lấy ví dụ về đề án cải cách sách giáo khoa, năm nào cũng thay dẫn đến tốn kém, chương trình thì ngày càng nặng mà không cần thiết. ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) hưởng ứng: “Chương trình của mình là đào tạo nhà bác học, trong khi thực tế thì chỉ có 5% học sinh có thể trở thành nhà khoa học. Chúng ta đào tạo các em sau khi ra trường chỉ biết nói mà không biết làm. Đây là một lãng phí”. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công mà Nhà nước đầu tư cho giáo dục cũng là điều khiến các ĐB bức xúc.

Xung quang những ý kiến băn khoăn của các ĐBQH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phân trần: “Nói thay sách giáo khoa liên tục, về  hiện tượng thì đúng, vì năm nào cũng phải thay một lớp. Hơn 10 năm chúng ta mới hoàn thành chương trình thay đổi sách. Đây là cách duy nhất để chúng ta thay được sách. Nói là thay xoành xoạch, gây lãng phí thì không phải”. Cũng theo Thứ trưởng Luận: "Đề án tài chính không giải quyết về học thêm. Học thêm đã và sẽ có nhiều biện pháp để làm”. Ông Luận nói thêm: “Người dân đòi hỏi, tăng học phí phải có thay đổi về chất lượng. Chất lượng không phải ngày một, ngày hai mà làm được mà phải có thời gian. Chúng tôi không dám cam kết, không dám hứa với QH, với người dân”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.