Thủy sản gặp khó

10/06/2009 22:47 GMT+7

Lần đầu tiên sau hơn 10 năm liên tục tăng trưởng cao, xuất khẩu thủy sản cả nước đang đứng trước nguy cơ thụt lùi.

Mới đạt 30% chỉ tiêu kế hoạch

Hội nghị toàn thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) diễn ra vào hôm qua 10.6 vẫn đông đủ các doanh nghiệp lớn nhỏ. Thế nhưng khác hẳn không khí phấn chấn khi báo cáo thành tích như mọi năm, lần này hội nghị trầm lắng hẳn. Đơn giản là công việc kinh doanh của các doanh nghiệp đang ngày một khó khăn hơn trong cơn khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Giá thủy sản ở chợ tăng cao

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó ban Quản lý chợ Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết, vài ngày gần đây, giá mặt hàng thủy sản tươi sống tại chợ này tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Hiện giá tôm sú từ 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại; mực lớn giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, mực nhỏ giá 20.000 - 30.000 đồng/kg. Theo Ban Quản lý chợ, mãi lực tại chợ hiện nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2008. Tại chợ Bà Chiểu, các tiểu thương cho biết, các mặt hàng như mực ống, mực lá loại to, mực ống Thái Lan, cá điêu hồng đều tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Báo cáo của Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Bình Điền cũng cho biết, giá mặt hàng thủy hải sản đa số ổn định, nhưng có một số loại hàng về chợ giá tăng nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg như cá bạc má, cá nục, cá ngân, cá ngừ, nghêu, sò lông, sò huyết, chem chép...

Theo báo cáo của VASEP, 5 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 400.000 tấn, trị giá kim ngạch đạt hơn 1,3 tỉ USD, giảm 5,6% về lượng và 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với kế hoạch đạt kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỉ USD cả năm 2009 thì xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay chỉ mới thực hiện được 30%. Trong đó xuất khẩu trong tháng 1 giảm mạnh nhất, mức giảm đến 30% về cả khối lượng và giá trị, tháng 2 có hồi phục một chút nhưng 3 tháng tiếp theo lại liên tục giảm.

Đối với sản phẩm cá tra, basa, đây là lần đầu tiên xuất khẩu mặt hàng này có mức tăng trưởng âm. Khách hàng quốc tế hiện đã chuyển sang sử dụng tôm cỡ trung và nhỏ, giá thấp hơn, trong khi nguồn cung cấp tôm cỡ này tại VN đang khan hiếm. 5 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu được 53.300 tấn tôm, trị giá 441 triệu USD, giảm 1,9% về khối lượng và 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu mực và bạch tuộc cũng giảm 12,2% về lượng và 15,3% về giá trị; hàng khô giảm gần 11%, còn cá ngừ là mặt hàng giảm mạnh nhất với mức giảm gần 18%, đạt kim ngạch 66,4 triệu USD, thấp nhất trong 4 năm gần đây. Dự báo nhu cầu thực phẩm cao cấp như cá ngừ sẽ tiếp tục giảm, nhất là tại các nước lớn, nên xuất khẩu cá ngừ năm nay cũng không có nhiều triển vọng tươi sáng.

Thời điểm nhìn lại chính mình

Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản VN giảm mạnh là do nhiều hãng truyền thông nước ngoài liên tiếp đưa những thông tin không chính xác về quy trình nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dù sau đó, cơ quan chức năng tại các thị trường EU đã lên tiếng “minh oan” cho sản phẩm đặc biệt này của VN, thế nhưng thiệt hại từ những vụ như thế không phải là nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc- Giám đốc Công ty TNHH Nam Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Hải sản của VASEP - bức xúc: “Cơ quan kiểm nghiệm của chúng ta hiện nay chỉ quản lý chất lượng phần ngọn, đầu ra sản phẩm từ doanh nghiệp, còn khâu đánh bắt, thu mua, bảo quản của các nậu vựa thì lại buông lỏng. Chúng tôi xuất khẩu mực sang Nhật Bản nhưng vẫn cứ lo lắng, có lô hàng qua được, có lô không, vì phát hiện ra tạp chất. Vấn đề truy xuất nguồn gốc đòi hỏi sự quản lý sát sao hơn từ phía cơ quan chức năng và cả doanh nghiệp, nếu không thì khó duy trì tăng trưởng được”. Trước thực trạng này, VASEP đã thống nhất đề xuất lên Chính phủ một số kiến nghị như quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất nguyên liệu, tăng cường bình ổn giá thức ăn chăn nuôi thủy sản, khuyến khích việc xã hội hóa các hoạt động kiểm soát vệ sinh an toàn tàu cá, cơ sở hậu cần nghề cá, trạm thu mua, sơ chế nguyên liệu nhằm nâng cao chất lượng thủy sản sau thu hoạch...

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.