Cổ vật quý hiếm trong đợt trưng bày lớn

23/08/2009 23:24 GMT+7

Ngày 23.8, hàng trăm cổ vật quý hiếm và tiêu biểu nhất qua 30 năm sưu tầm (1979-2009) bắt đầu được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM chọn đưa ra giới thiệu với công chúng tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, trong đợt trưng bày hiếm có kéo dài từ nay đến cuối năm.

Người xem chú ý đến chiếc Yoni bằng đá vào loại lớn nhất Việt Nam và đầu thần Shiva bằng vàng cùng niên đại (thế kỷ 12-13), con dấu bằng đồng đúc năm 1471 thời Lê Thánh Tôn lần đầu tiên thể hiện chủ quyền Đại Việt trên miền đất mới phía Nam (Quảng Nam đẳng xứ tán trị thừa tuyên sứ ty), con dấu bằng ngà khắc cuối thế kỷ 19 dùng trong việc phong tặng cho hoàng tộc của vua triều Nguyễn (Hoàng đế tôn thân chi bảo), bình đất nung thuộc văn hóa Bản Chiềng (Thái Lan) và rất nhiều cổ vật có giá trị văn hóa cao được đưa về theo nhiều nguồn khác nhau.

Bà Trần Thị Thúy Phượng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM, nói rõ: “Các cổ vật này do mua lại của các nhà sưu tập và dân chúng; hoặc do ngành công an, hải quan, quản lý thị trường, kiểm tra văn hóa xuất nhập khẩu... phát hiện thu giữ và trao về cho bảo tàng, như một số tượng Phật, tượng Chuẩn Đề, tượng La Hán, tượng Tuyết Sơn, tượng Tiêu Diện đại sĩ và tượng các vị tổ, thị giả, hộ pháp bằng gỗ chế tác từ các thế kỷ trước đang trưng bày đợt này.

 
Hai chiếc bình Mùa đông (trái) và Mùa xuân (phải) của lò sành sứ Sèvres - Ảnh: D.Đ.M

Trong số đó còn có cuốn sách đồng thời Nguyễn, chế tạo toàn bằng đồng đỏ cán thành lá mỏng...”. Đó là cuốn sách đồng (do cơ quan công an thu giữ và giao cho bảo tàng năm 1995 sau một vụ án buôn lậu đồ cổ) ghi lại mệnh lệnh của vua Tự Đức khôi phục tước Phú Bình Công cho chú của mình là Nguyễn Phúc Miên Áo (con thứ 6 của vua Minh Mạng và hiền phi Ngô Thị Chính - con gái tướng Ngô Văn Sở) - mà trước đó chính vua Tự Đức đã truất tước phong ấy của Miên Áo.

Cổ khí bằng đồng

Một nhóm cổ vật khác được nhiều nhà nghiên cứu để ý là các món cổ khí bằng đồng do vua Minh Mạng sai làm và khắc những lời răn dạy của nhà vua lên trên ấy, theo tài liệu của R.Orband công bố năm 1914, chúng gồm 33 món được trưng bày trang trọng tại điện Phụng Tiên. Do các biến cố lịch sử, số lượng cổ khí trên bị thất tán dần. Đến sau này, theo lời kể của nhà sưu tập Hoàng Văn Cường (TP.HCM), bà Từ Cung đã bán cho gia đình ông 12 món đồ cổ của cung đình Nguyễn.

 
Sách đồng có ghi lệnh vua Tự Đức - Ảnh: D.Đ.M

Nhiều năm sau đó, ông Cường thuê một thương gia người Ý là Mario Consolo đưa ra nước ngoài, nhưng nửa đường bị hải quan giữ lại rồi đưa hết về bảo tàng (từ năm 1984) được các nhà chuyên môn thẩm định và kết luận đó là các cổ khí bằng đồng rất quý do vua Minh Mạng ra lệnh đúc cách đây đã 170 năm, tức vào khoảng năm 1838 - 1839, trên mỗi món có ghi những lời do vua Minh Mạng soạn về phép tu thân, dụng nhân, trị nước (khi bảo tàng mới thành lập với tên gọi Blanchard de la Brosse vào năm đầu 1929 chỉ có được 1 món cổ khí ấy). Đến nay (cộng thêm 12 món của ông Cường đã nói trên) hiện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM có tất cả 13 món cổ khí và chọn trưng bày lần này 8 món, gồm: đỉnh đựng thức ăn tế lễ (theo mẫu đỉnh thời Chu Văn Vương), bình đựng rượu tế (mẫu thời Hán), 2 cốc đựng rượu tế (mẫu cốc Tử Ất thời Chu và mẫu Tổ Mẫu thời Thương), ấm đựng rượu tế (mẫu Phụ Phủ Đinh thời Thương), liễn đựng xôi tế (mẫu liễn Ngữ thời Chu), 2 bình đựng rượu tế (mẫu bình Hồ thời Chu và mẫu bình vuông đầu ly thời Chu).

Bình sứ cổ phương Tây

Về cổ vật phương Tây, phòng trưng bày thu hút công chúng chú ý đến 2 chiếc bình sứ Bertin hạng nhất, mang đặc trưng kỹ thuật của lò sành sứ quốc gia Sèvres bên Pháp, chế tác vào giữa thế kỷ 19 với hoa văn đắp nổi bằng bột kaolin (đây là sáng kiến riêng của lò Sèvres vào năm 1858 và chỉ được ứng dụng ở lò này). TS Phạm Hữu Công, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM và ban trưng bày đã giải thích với báo giới rằng 2 chiếc bình này mang tên Mùa đông và Mùa xuân: “Quanh vành miệng chiếc bình Mùa đông có một đường viền trang trí hình dải hoa văn bông cúc màu trắng trên nền màu xanh da trời, sát chân đáy cũng có một đường trang trí tương tự, trên thân là hình một cây nho vươn dài từ chân bình đến cổ bình, một con vịt trời đang bay và cây thông cách điệu tượng trưng cho mùa đông. Còn quanh miệng chiếc bình Mùa xuân cũng có đường viền trang trí hình bông cúc trắng với chim én và cây lá... Dưới ánh sáng tự nhiên bình toát lên màu lục nhạt, hơi xám, còn khi đặt dưới ánh đèn néon màu xanh nhạt ấy sẽ biến thành màu hồng lợt khác thường”.

Sắc phong thời Thiệu Trị

Một số cổ vật giá trị khác còn do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước như cụ Vương Hồng Sển (TP.HCM), ông Huỳnh Phước Huệ (Phú Quốc), Shinjio Kubota - Tổng lãnh sự Nhật tại TP.HCM, bà Alison Diệm (New Zealand), ông Nguyễn Tấn Phước (Thụy Sĩ) hiến tặng. Trong số đó có bản sắc phong bằng giấy thời vua Thiệu Trị do bà Nguyễn Thị Tú Anh tặng năm 2003, nay được đưa ra trưng bày trông còn khá nguyên vẹn dù mép giấy đã bị sờn theo thời gian.

 
Tượng Tuyết Sơn (gỗ) - bức tượng thể hiện đức Phật Thích Ca thời còn tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn (Hymalaya)

Đó là bản sắc phong màu vàng nghệ hình chữ nhật, kích thước 130 cm x 51 cm, có vẽ đường viền hồi văn chữ Vạn và hoa văn Long Văn Thọ làm nền, với hình rồng đuôi xoắn, uốn lượn trên những cụm mây và quay đầu lại. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuân Thi cho biết: “Sắc phong là một văn bản phong tước của vua cho thần hoặc người và là loại tư liệu có giá trị về nhiều mặt vì chứa đựng nhiều thông tin của thời kỳ nó được ban hành. Riêng bản sắc phong này do vua Thiệu Trị ban hành năm Bính Ngọ (1846) nhằm gia tặng Thanh Lãng Hựu Chính Hiển Học hạ đẳng thần và chuẩn cho xã Tín An, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam (Hà Tây) phụng sự thần cũng như thần giúp đỡ coi giữ bảo vệ dân chúng trong vùng. Vì lẽ ấy sắc phong này góp phần nghiên cứu làng xã Việt Nam thời Nguyễn”.

Cổ vật từ tàu đắm

Đợt trưng bày cũng giới thiệu một số cổ vật gốm Chu Đậu vớt lên từ một con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm như chiếc bình tỳ bà (tức bình ngọc hồ xuân) với phần bụng phình ra, cổ hẹp lại và miệng loe trông như hình một cây đàn tỳ bà, trang trí hình chim phượng và cánh sen. Cũng có một số cổ vật trục vớt từ con tàu cổ đắm trên vùng biển Cà Mau trong đó có nhiều đồ gốm men sen trắng thời Khang Hy (1662-1722) cũng như những đồ gốm do Trung Quốc sản xuất theo đơn đặt hàng của các nước phương Tây mang các hoa văn: lan, sen, mai, cúc, mẫu đơn, hoặc phong cảnh nước trời, cổ tích...

Một số khác được vớt lên từ tàu đắm Hòn Cau với đồ gốm men xanh trắng của Trung Quốc thời Ung Chính (1723-1735) với hoa văn trang trí theo kỹ thuật in khuôn, vẽ lam dưới men, hoặc vẽ màu trên men theo các đề tài sơn thủy, lá hoa. Một mảng cổ vật khác có xuất xứ từ các cuộc khai quật khảo cổ học ở di chỉ Rỏng Bàng (Hóc Môn), Giồng Cá Vồ (Cần Giờ)...

Số lượng cổ vật tiêu biểu được chọn trưng bày đợt này (gần 300 món) chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số cổ vật (gồm 28.863 món) được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sưu tầm trong 30 năm qua.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.