Đau dạ dày

27/06/2010 23:08 GMT+7

Tình trạng béo phì; ăn uống không điều độ; lối sống, sinh hoạt hay xáo trộn; áp lực công việc căng thẳng... tất cả những yếu tố đó đều gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày.


Béo phì, stress... đều có thể dẫn đến những căn bệnh về dạ dày - Ảnh: Shutterstock

Nhiều nguyên nhân

Theo ghi nhận của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) ở những bệnh nhân đau dạ dày vào khám chữa bệnh tại đây cho thấy, phần lớn nguyên nhân gây đau dạ dày là do chế độ ăn uống không điều độ, có thói quen sinh hoạt (hút thuốc, uống rượu nhiều...), làm việc quá sức, hoặc bị căng thẳng thần kinh... Những yếu tố đó đã gây ảnh hưởng xấu lên sức khỏe của hệ tiêu hóa và dạ dày, làm tăng tiết a-xít ở dạ dày, gây viêm loét dạ dày, tá tràng - là căn bệnh đang phổ biến hiện nay. 

“Theo thống kê mới nhất của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, có tới gần 70% dân số trong nước mắc bệnh đau dạ dày mà nguyên nhân chủ yếu là do helicobacter plylori (HP). HP là một loại vi khuẩn lây nhiễm qua đường ăn uống, hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt”, đó là tham luận của các chuyên gia tại buổi hội thảo với chủ đề “Các bệnh lý dạ dày liên quan đến lối sống hiện nay”, do Bệnh viện Đại học Y Dược phối hợp cùng các đơn vị tổ chức ở TP.HCM hôm 24.6. Cũng theo thống kê của bệnh viện, trung bình cứ 10 người vào nội soi dạ dày thì có từ 3-5 ca mắc bệnh đau dạ dày...

Phòng ngừa


Vi khuẩn helicobacter plylori - Ảnh tư liệu

Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào có thể phòng ngừa hoàn toàn được việc mắc bệnh đau dạ dày, mà cái chính là cần có chế độ ăn uống điều độ; lối sống, sinh hoạt chừng mực (hạn chế rượu bia, thuốc lá, gia vị chua cay...), và đặc biệt là cần ăn uống đảm bảo vệ sinh (vì như nói trên vi khuẩn gây bệnh là HP lây qua đường ăn uống). Người bị béo phì cần có chế độ tập luyện kiên trì để giảm béo. Bên cạnh đó cần có một tinh thần thoải mái, tránh để rơi vào những tình huống căng thẳng, stress (thống kê cho thấy, những người thường xuyên lo lắng, âu sầu, căng thẳng sẽ làm tăng tiết lượng a-xít ở dạ dày, làm mất cân bằng nồng độ pH và a-xít trong dạ dày, gây ra tình trạng viêm loét).

Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng (Trưởng phân khoa Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Đại học Y Dược) cho rằng: “Thông thường người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng ban đầu, hoặc nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh đau dạ dày với các bệnh lý khác. Nếu để bệnh lâu ngày càng khó chữa trị và dễ chuyển sang viêm mãn tính, dễ tái phát. Nặng hơn sẽ gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa, gây thủng dạ dày, tiến triển ung thư dạ dày”.  

Triệu chứng chung của loét dạ dày - tá tràng là: đau vùng thượng vị; rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, ợ chua, nôn, chán ăn, mau no...). Còn loét dạ dày biểu hiện thường là: nôn, đau vùng thượng vị; không giảm đau sau ăn; ít xảy ra vào buổi tối.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.