Nhà ngoại giao Afghanistan từ chức sau cáo buộc buôn lậu vàng ở Ấn Độ

05/05/2024 19:16 GMT+7

Nhà ngoại giao của Afghanistan tại Ấn Độ đã từ chức vài ngày sau khi bà bị lực lượng chức năng quốc gia Nam Á bắt quả tang buôn lậu số vàng trị giá gần 2 triệu USD tại sân bay.

Bà Zakia Wardak, Tổng lãnh sự Afghanistan tại thành phố Mumbai của Ấn Độ, thông báo bà sẽ từ chức trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X ngày 4.5, theo AFP.

"Tôi vô cùng tiếc nuối khi thông báo quyết định chấm dứt vai trò của mình tại lãnh sự quán kiêm đại sứ quán ở Ấn Độ, có hiệu lực từ ngày 5.5.2024", bà Wardak cho biết.

Bà Zakia Wardak

Bà Zakia Wardak

X/@ZakiaWardak

Đại sứ quán Afghanistan ở New Delhi đã đóng cửa vào tháng 11.2023, hơn 2 năm kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul sau sự sụp đổ của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn. Việc này khiến bà Wardak trở thành đại diện ngoại giao cấp cao nhất của Afghanistan tại Ấn Độ.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin, vào tháng trước, bà Wardak đã bị lực lượng tình báo tài chính chặn lại tại sân bay Mumbai sau khi bay đến từ Dubai - cùng với con trai bà - mang theo 25 kg vàng.

Các tường thuật cho biết bà không bị bắt giữ nhờ quyền miễn trừ ngoại giao, nhưng số vàng trị giá khoảng 1,9 triệu USD đã bị tịch thu.

Việc bà Wardak từ chức khiến hàng nghìn công dân Afghanistan, bao gồm sinh viên và doanh nhân, không có bất kỳ đại diện lãnh sự nào ở Ấn Độ.

Hầu hết các quốc gia - bao gồm Ấn Độ - không chính thức công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan, nhưng thừa nhận lực lượng này là nhà cầm quyền trên thực tế.

Trong nhiều phái bộ Afghanistan ở nước ngoài, các nhà ngoại giao do chính phủ cũ bổ nhiệm đã từ chối trao lại quyền kiểm soát các tòa nhà sứ quán và tài sản cho đại diện chính quyền Taliban.

Trong tuyên bố, bà Wardak cho biết bà đã "hứng chịu nhiều cuộc tấn công cá nhân và mang tính phỉ báng" trong vòng một năm qua.

Bà nói những vụ việc như vậy "đã cho thấy hàng loạt thách thức mà phụ nữ trong xã hội Afghanistan phải đối mặt", song không đề cập rõ ràng đến cáo buộc buôn lậu vàng.

Chính quyền Taliban có toàn quyền kiểm soát đối với khoảng 12 đại sứ quán Afghanistan ở nước ngoài - trong đó có Pakistan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Những nơi khác hoạt động theo hình thức hỗn hợp, đại sứ đã ra đi nhưng nhân viên đại sứ quán vẫn thực hiện các công việc lãnh sự thông thường như cấp thị thực và các giấy tờ khác.

Hầu hết quốc gia đã sơ tán cơ quan đại diện của họ tại Kabul khi Taliban tấn công thủ đô Afghanistan vào tháng 8.2021, mặc dù một số đại sứ quán - bao gồm Pakistan, Trung Quốc và Nga - chưa từng đóng cửa và vẫn có đại sứ ở Kabul.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.