Nhạc sĩ Quốc Bảo nói về "công chúng và đám đông hỗn tạp"

22/06/2012 16:43 GMT+7

(iHay) “Khôn ngoan để phân biệt công chúng với đám đông hỗn tạp" là lời lập luận rất... Quốc Bảo sau khi anh bị “ném đá” tơi bời ở ghế giám khảo Bước nhảy hoàn vũ 2012.

(iHay) “Người nghệ sĩ tôn trọng, lắng nghe, đối thoại với công chúng là phải đạo. Nhưng nghệ sĩ cũng cần đủ tỉnh táo, khôn ngoan để phân biệt công chúng với đám đông hỗn tạp, để mà giữ được thái độ bình thản, nghiêm cẩn và can đảm”. Đó là lời lập luận rất... Quốc Bảo về những sóng gió trong showbiz gần đây và cả việc anh bị “ném đá” tơi bời ở ghế giám khảo Bước nhảy hoàn vũ 2012.

Showbiz dạo này dậy sóng quá, anh nhỉ? Công chúng được phen “tám” cả ngày mà vẫn chưa hết chuyện...

Ta nên phân minh đâu là công chúng, đâu là đám đông. Đám đông thì mới "tám", công chúng không làm thế. Người ta hay nói “Thưa anh chị, anh chị là người - của - công - chúng nên anh chị phải thế này, thế này...”, tôi thấy "răn dạy" nghệ sĩ kiểu đó là sai, hù dọa trẻ con kiểu “Con mà không ngoan là họ ăn thịt con đấy!”. Muốn công nghệ giải trí phát triển lành mạnh, chẳng nên giáo dục nghệ sĩ bằng sự dọa dẫm.

Nhạc sĩ Quốc Bảo nói về... đám đông  
Ảnh: nhân vật cung cấp

Vậy anh phân biệt công chúng với đám đông thế nào?

Công chúng là khái niệm hữu hình và đong đếm được. Công chúng của một nghệ sĩ là tập hợp các cá nhân có quan hệ mật thiết với tác phẩm, với đời sống, với nhân cách của người nghệ sĩ này. Còn đám đông là thứ co giãn, phình ra thắt vào. Đám đông vô định hình không thể đại diện cho cái gì hết. Thị hiếu đám đông hoàn toàn không đáng tin, vì làm sao tin được khi chính đám đông cũng không biết thực ra mình muốn gì.

Một xã hội phải giáo dục nhận thức văn hóa cho dân. Tại sao các nước tiên tiến lại có những đám đông tốt, những công chúng tốt? Là do con người được giáo dục từ nhỏ, dù tất nhiên, hội chứng bầy đàn vẫn còn trong lớp người bình dân, nhưng mà ai cũng biết hành xử một cách văn minh. Người ta tôn trọng cá tính của nhau, anh kia muốn để tóc dài, chị kia thích ở dơ thì là quyền của anh ta chị ta... Còn ở nước mình, người ta chạy theo dư luận, chiều chuộng đám đông và ao ước được là một phần tử trong cái đám hỗn độn, tự bào mòn cá tính và giết chết cảm xúc thực.

Cũng có nghệ sĩ “trà trộn” vào đám đông chứ. Ví dụ như chuyện một “cô nàng” thuộc showbiz bất ngờ “nhập bọn” cùng dư luận nhân dịp “chị bạn” của mình vừa bị bắt quả tang bán dâm?

Người nghệ sĩ có thể thuộc về đám đông trong mối tương quan với người nghệ sĩ khác, đó là cơ hội nói xấu đồng nghiệp! Đồng nghiệp mà mạt sát nhau thì chẳng bất nhẫn nào bằng. Tôi nghĩ, cái tâm lý hả hê của “cô nàng” khi phát biểu có chủ ý rõ ràng: “Ôi giời ơi, chúng em trong sạch lắm mà, chỉ vì những đứa ấy mà chúng em mang tiếng. Hãy phân biệt chúng em với chúng nó nhé!”.

Nhưng “cô nàng” tức giận là phải thôi, vì “chị bạn” ấy mà cả một làng giải trí Việt đều nằm trong nghi án bán dâm thế kia mà!

Làm điếm có phải nghề lạ lùng hay là phát minh của thế kỷ đâu. Việc của công an, để công an làm, ai phạm pháp thì bị xử, sao lại phải sinh nghi án?

Chẳng phải cả công chúng và đám đông đều chung một chức năng là sản sinh ra dư luận sao?

Đám đông không sinh được gì ngoài dư luận, tin đồn. Còn công chúng, họ có tình cảm, mối quan tâm và đòi hỏi trực tiếp dành cho người nghệ sĩ của họ.

Vẫn có những trường hợp sự đòi hỏi trực tiếp không được thỏa mãn, “công chúng” bỗng chốc quay lưng trở thành “đám đông”?

Tôi đã gặp trường hợp này rồi. Thời tôi chuyển từ dạng tươi  - xinh - trầm - ngoan sang thể loại đắng - cay hơn, một số công chúng của tôi đã gây áp lực. Tôi vẫn cứ thay đổi. Hậu quả là, tôi mất một số người hâm mộ. Tôi cứ đi, mất thêm và đồng thời có thêm. Thật sự thì chẳng mất gì, vì tôi được một thứ rất lớn, là quyền làm những gì mình thích. Nhưng trước sau tôi luôn cần và tôn trọng những người biết đòi hỏi trực tiếp như vậy. Rất dân chủ, rất văn minh.

Còn đám đông, với sự hỗn độn đặc trưng, dễ rơi vào manh động. A dua để mà "soi" giới giải trí thì cũng tạm được đi, văn hóa đại chúng mà. Chứ còn kiễng chân phê giới học thuật thì quá lố rồi đấy. Như trường hợp dư luận phê phán Cao Việt Dũng, Dương Tường là “thảm họa dịch thuật”, mà ta thừa biết đa phần người chửi không thông ngoại ngữ nào, ngay tiếng mẹ đẻ còn dốt, cũng không đọc sách luôn. Nếu muốn phát biểu, hãy lên tiếng từ góc độ nhà phê bình, nói những gì mình tinh thông, đừng ăn nói loi choi. Và không được bôi xấu đồng nghiệp. Phê bình là bày tỏ quan điểm về vấn đề, nó khác với mạt sát nhân cách, bới móc đời tư, triệt hạ đối thủ.

Anh sẽ làm thế nào trước một đám đông đang gây ra bất lợi cho mình?

Tôi cười hì hì rồi đi uống cà phê.

Có cười nổi không khi có cả tấn “đá” vào ghế giám khảo của anh?

Cười tốt. Nhận làm giám khảo Bước nhảy hoàn vũ, trách nhiệm của tôi, trên giấy trắng mực đen,  không có điều khoản nào buộc tôi phải chiều đám đông cả. Tôi chỉ không cười nổi, thật sự mất hứng vào lúc các tiết mục dự thi dở, chán hoặc là thí sinh bị lạc nhịp.

Nói không sợ, vậy tại sao anh e dè với họ? Quốc Bảo trên các trang mạng xã hội hoạt bát sắc sảo, trong khi đó Quốc Bảo trên ghế giám khảo lại quá kiệm lời...

Tôi nói điều gì từ ghế giám khảo, là hướng trực tiếp đến đối tượng thí sinh. Nếu chỉ nheo mắt hay cười mỉm mà thí sinh đã hiểu ý thì cần gì bô lô ba la. Tiết mục dự thi, tôi đã có cả ngày tổng duyệt để xem trước, muốn khuyên nhủ chấn chỉnh thì đã làm hết cả rồi. Giờ phải diễn duyên dáng lời vàng ý ngọc nữa sao? Có buồn cười và ngớ ngẩn không, khi mà mình nói chuyện với mẹ mình trong nhà mà phải bắc loa để hàng xóm khen mình có hiếu?

Dư luận nói “Quốc Bảo ngồi chưa đúng chỗ...!”

Ban tổ chức Bước nhảy hoàn vũ nói, họ cần tôi. Mà đây cũng là dịp để tôi trải nghiệm truyền hình thực tế xứ mình nó ra làm sao. Khó làm cho hấp dẫn. Cố lắm thì mua vui được chút chút, cũng là vui gượng. Nhiều đoạn đối thoại trong Got Talent, Dancing with the Stars thú vị quá, mà đưa vào bối cảnh xứ mình nó nhạt, có khi vô nghĩa nữa. Lúc Vietnam Idol mới được mua bản quyền để Việt hóa, đầu năm 2007, tôi đã thấy không hợp tạng tôi, và gần như chẳng hợp tạng người dân mình nữa. Nhuần nhị, tự nhiên được như Tây làm, chắc là phải năm bảy năm nữa họa may, mà chắc gì các format ấy thọ được để mà thấy "ngày tươi sáng"?

Còn với dư luận, có nói ra nói vào thế nào đi nữa vẫn chỉ là chuyện của dư luận.

Cám ơn anh đã chia sẻ!

Ngân Vi
(thực hiện)

>> Nhạc sĩ Quốc Bảo bỏ qua "lời thề
>> Nhạc sĩ Quốc Bảo: Khi tôi cảm nhận đất dưới chân mình
>> Đêm khai màn Bước nhảy hoàn vũ 2012
>> Minh Quân rời Bước nhảy hoàn vũ 2012
>> Minh Hằng - quán quân Bước nhảy hoàn vũ 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.