Nhiều tổn thất sau một tháng chiến sự Ukraine

Văn Khoa
Văn Khoa
25/03/2022 07:01 GMT+7

Những con số về thương vong, tổn thất về khí tài quân sự và nhiều lệnh cấm vận đã được đưa ra sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.

Tính đến hôm qua 24.3, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn một tháng. Quân đội Ukraine hôm qua khẳng định Nga vẫn đang tìm cách khôi phục chiến dịch kiểm soát các thành phố Kyiv, Chernihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol.

Quân nhân Ukraine tại một chốt kiểm tra ở TP.Zhytomyr

AFP

Ngày 23.3, một quan chức quốc phòng Mỹ đánh giá quân Nga ở phía đông thủ đô Kyiv đã bị đầy lùi ra xa trung tâm, theo Đài ABC. Vị quan chức còn cho rằng những binh sĩ Nga ở cách trung tâm Kyiv 15 - 20 km về phía bắc đang thiết lập vị trí phòng thủ và không còn cố gắng tiến quân. Hiện chưa có phản ứng của Nga. Moscow đã nhiều lần tuyên bố chiến dịch quân sự vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Tổn thất của các bên

Cũng theo vị quan chức Mỹ nói trên, Nga đã phóng hơn 1.200 tên lửa vào Ukraine, nhưng vẫn còn số lượng lớn tên lửa đối không và tên lửa hành trình. Hôm 19.3, Nga lần đầu tiên tuyên bố đã dùng tên lửa bội siêu thanh để phá hủy một cơ sở quân sự ngầm ở Ukraine.

Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine đang đến đâu sau một tháng?

Đến ngày 23.3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói kể từ khi phát động chiến dịch quân sự, lực lượng Nga đã phá hủy 184 máy bay và trực thăng của Ukraine, 189 hệ thống tên lửa phòng không, 1.558 xe tăng và các loại xe thiết giáp chiến đấu, 56 dàn phóng rốc két đa nòng và 624 khẩu pháo các loại, theo TASS.

Trong khi đó, quân đội Ukraine thông báo đến ngày 24.3, họ đã phá hủy 108 máy bay, 124 trực thăng của Nga, 47 tên lửa đối không, 530 xe tăng, 1.597 xe thiết giáp, 280 hệ thống pháo và 82 dàn phóng rốc két đa nòng, theo trang The Kyiv Independent.

Về tổn thất nhân mạng, Nga chưa công bố số liệu mới kể từ ngày 2.3 thông báo có gần 500 binh sĩ tử trận và gần 1.600 người bị thương. Hôm 20.3, Đài RT dẫn lời giới chức Nga cho hay Phó tư lệnh Hạm đội Biển Đen Andrey Paliy đã tử trận gần Mariupol. Trong khi đó, quân đội Ukraine hôm qua ước tính 15.800 binh sĩ Nga tử trận, theo tờ The Kyiv Independent. Một quan chức NATO cũng ước tính khoảng 7.000 - 15.000 binh sĩ Nga thiệt mạng, theo AP. Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 12.3 thông báo khoảng 1.300 binh sĩ tử trận, trong khi một quan chức Mỹ ngày 10.3 ước tính 2.000 - 4.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng.

Chuyến tàu đến chốn bình an của một gia đình Ukraine

Ngoài ra, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông báo kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đến ngày 23.3 có 977 dân thường thiệt mạng và 1.594 người bị thương. Còn Văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn ước tính có hơn 3,6 triệu người Ukraine sang các nước khác để tị nạn và hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Phía Nga và Ukraine chưa có phản ứng.

Hỗ trợ vũ khí và cấm vận

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, có ít nhất 27 quốc gia đồng ý cung cấp vũ khí và viện trợ quân sự cho Ukraine, theo Đài Sky News. Chỉ trong vòng 6 ngày đầu, các nước NATO đã cung cấp hơn 17.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Mỹ và các nước đồng minh còn điều động thêm binh sĩ đến những quốc gia gần Nga hoặc Ukraine để tăng cường an ninh cho NATO.

Tổng thống Putin nói các nước "không thân thiện" phải mua khí đốt Nga bằng đồng rúp

Ngoài ra, phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận nhắm vào kinh tế Nga và giới lãnh đạo nước này, kể cả Tổng thống Vladimir Putin. Mỹ, Anh, châu Âu và Canada còn ra lệnh chặn nhiều ngân hàng lớn của Nga truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đóng cửa không phận đối với các máy bay Nga. Đáp lại, Nga đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không từ 36 quốc gia, cấm xuất khẩu 200 mặt hàng và thiết bị cho đến cuối năm nay. Nga cũng cấm vận Tổng thống Biden và nhiều quan chức cấp cao của Mỹ.

Trong khi đó, Nga và Ukraine đã trải qua ít nhất 5 vòng đàm phán nhằm kết thúc chiến sự và một cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10.3. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chưa tạo ra được đột phá lớn nào, ngoại trừ việc hai bên đồng ý mở các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường. Tổng thống Zelensky hôm 23.3 cho hay các cuộc hòa đàm với Nga nhằm kết thúc chiến sự đầy khó khăn, và đôi khi xảy ra căng thẳng, nhưng ông nhấn mạnh “chúng tôi sẽ tiến về phía trước từng bước”.

NATO, G7 gây thêm sức ép lên Nga

Sau cuộc họp ở Brussels (Bỉ) ngày 24.3, các nhà lãnh đạo của NATO ra tuyên bố chung nhấn mạnh liên minh này vẫn đoàn kết và kiên quyết trong việc đối phó hành động quân sự của Nga, và bảo vệ an ninh cho tất cả đồng minh, theo Reuters. Các nhà lãnh đạo NATO, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã nhất trí củng cố sườn phía đông, thành lập thêm 4 nhóm tác chiến ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia. NATO còn nhấn mạnh tiếp tục ủng hộ Ukraine, trong đó có việc bảo vệ nước này khỏi những cuộc tấn công tiềm tàng bằng vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân. Tuy nhiên, NATO một lần nữa từ chối lập vùng cấm bay ở Ukraine và cũng sẽ không điều binh sĩ hay máy bay tới nước này.

Sau hội nghị thượng đỉnh NATO, lãnh đạo của các nước G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Ý và Nhật Bản) và Liên minh châu Âu (EU) cũng họp tại Brussels. Nhà Trắng cho hay các nước G7 và EU đã cam kết khóa các giao dịch liên quan đến nguồn dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Nga nhằm ngăn chặn Moscow lách những lệnh cấm vận của phương Tây. Cũng theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden và những người đồng cấp châu Âu sẽ công bố các biện pháp cấm vận mới nhắm vào Nga và thắt chặt những biện pháp trừng phạt hiện có. Ngoài ra, một quan chức Mỹ cho hay G7 đang kêu gọi các tổ chức quốc tế xem xét lại mối quan hệ với Nga, theo AFP. Đến tối qua chưa có thông tin về phản ứng của Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.