Nhìn lại 'tao đàn' Chiêu Anh các: Mạc Tử Hoàng và họ Triệu ở Thượng Hải

24/03/2024 07:30 GMT+7

Hà Tiên thập vịnh là một 'thương hiệu' văn học được họ Mạc dùng làm cầu nối giao lưu với văn nhân khắp nơi.

Các tư liệu mới tìm thấy cho ta biết rằng không chỉ Mạc Thiên Tứ mà cả con trai ông là Mạc Tử Hoàng cũng sử dụng đề tài ấy. Lần đầu tiên, chúng ta được nhìn thấy thơ văn của người được chọn kế nghiệp Mạc Thiên Tứ.

Nhìn lại 'tao đàn' Chiêu Anh các: Mạc Tử Hoàng và họ Triệu ở Thượng Hải - Ảnh 1.

Thơ của Mạc Tử Hoàng trong Thạch Cương Quảng Phúc hợp chí

Tư liệu của tác giả

Mạc Tử Hoàng và một bản Hà Tiên thập vịnh khác

Mối liên hệ giữa Hà Tiên trưởng tử Anh Đức hầu với Nguyễn Cư Trinh cho thấy tinh thần cầu học của thế hệ kế nghiệp Mạc Thiên Tứ. Cũng giống như cha mình, có bằng chứng cho thấy Mạc Tử Hoàng cũng có mối giao kết với các văn nhân ngoại quốc. Sách Gia Định huyện chí cho biết: "Chư sinh Triệu Phi Liệt danh trọng hải nội. Năm Bính Tý niên hiệu Càn Long [1756], vương tử của Hà Tiên quốc là Mạc Hoàng nhờ người Hải Trừng là Quách Kiệt mang lễ vật yết kiến xin làm đệ tử, đem Hà Tiên thập cảnh thi tới xin điểm định, tặng núi giả bằng trầm hương cao chừng ba thước".

Triệu Phi Liệt tự là Ký Tam, hiệu là Nam Đường, người huyện Gia Định, tỉnh Giang Tô (nay thuộc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc). Triệu Phi Liệt học rộng, am hiểu cổ học, để lòng nơi Dịch học, có nhiều kiến giải đặc sắc, lại giỏi làm thơ văn, có tài thư họa. Thạch Cương Quảng Phúc hợp chí viết: "Hà Tiên quốc vương tử Mạc Hoàng vào cống, trông thấy thơ văn của ông, dùng nhiều tiền của nhờ người Hải Trừng là Quách Nhân Phượng đem lễ vật tới yết kiến, xin làm đệ tử".

Nhìn lại 'tao đàn' Chiêu Anh các: Mạc Tử Hoàng và họ Triệu ở Thượng Hải - Ảnh 2.

Bàn thờ Mạc Tử Hoàng tại Mạc Công miếu Hà Tiên

Hà Tấn Tài

Quách Nhân Phượng chính là Quách Kiệt, tự Nhân Phượng, hiệu là Vũ Khanh, người huyện Hải Trừng, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), có soạn Đầu Chương đình thi tập. Thời bấy giờ, dật sĩ Ngô Thế Lân ở Thuận Hóa có bài thơ Đồ trung ngộ Quách Nhân Phượng (Giữa đường gặp Quách Nhân Phượng), không rõ có phải cùng một người hay không. Nếu quả là cùng một người thì Quách Kiệt tuy là người Phúc Kiến nhưng vẫn thường xuyên đi lại các cảng thị ở Đàng Trong và giao lưu với nhân sĩ địa phương.

Nhờ mối giao lưu với nhân sĩ nước Thanh nên chúng ta còn giữ được một số thơ ca của Mạc Tử Hoàng. Thạch Cương Quảng Phúc hợp chí có ghi lại hai câu thơ trong bài Kim Dữ lan đào của Mạc Tử Hoàng:

Hải môn tỏa thược hạn tây đông

Đái lệ sơn hà trấn quốc hùng

Sách này cũng chép rằng: "Phi Liệt viết bài bạt rồi Mạc Hoàng khắc in. Các vị ở đất Ngô hết sức thưởng thức". Như vậy ngoài phiên bản Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tứ còn có phiên bản Hà Tiên thập vịnh do Mạc Tử Hoàng khắc in và từng lưu hành ở Trung Quốc.

Diện mạo văn chương của Mạc Tử Hoàng

Mối giao hảo giữa Mạc Tử Hoàng với họ Triệu ở Thượng Hải kéo dài rất lâu. Mạc Tử Hoàng có thơ Tân Tỵ xuân ký hoài Gia Định Triệu Kế Cổ (Mùa xuân năm Tân Tỵ [1761], nhớ đến Triệu Kế Cổ ở Gia Định). Triệu Kế Cổ tức Triệu Hiểu Vinh, tự Trắc Đình, con trai của Triệu Phi Liệt. Triệu Hiểu Vinh làm chư sinh, viết nhiều sách. Trong đó có Kế Cổ thi sao gồm 24 quyển, Mộc Qua tập gồm 2 quyển, Sào Hoan lục kiến gồm 40 quyển.

Thạch Cương Quảng Phúc hợp chí cho biết Mạc Tử Hoàng hiệu là Lãng Trai. Sách này còn ghi lại hai bài thơ của Mạc Tử Hoàng. Hai bài thơ này vốn được chép trong Mộc Qua tập, còn chuyện Mạc Tử Hoàng giao thiệp với Triệu Phi Liệt vốn chép trong Sào Hoan lục kiến. Thơ ấy rằng:

Hải thiên mạc mạc nhất phàm phong

Mộng nhiễu Tam Giang Lạp Đàm trung

Oa huyệt ứng bài Thần Vũ sách

Động Đình xuân vũ họa minh mông

(Biển trời phẳng lặng, cánh buồm xuôi

Mộng nhớ về Lạp Đàm ở đất Tam Giang

Oa huyệt phơi bày sách Thần Vũ

Mưa xuân Động Đình vẽ thành cảnh mưa phùn trên biển)

Hồng kỳ bạch đả trướng xuân đào

Tả ngã u tư tán tử hào

Hồi thủ Ngô môn liên vịnh địa

Ỷ lâu tân luật nhập thu cao

(Ngọn cờ hồng, bánh lái trắng xô ngọn sóng xuân

Vẽ nỗi ưu tư thầm kín của ta, tan ra theo ngọn bút

Ngoái đầu nhìn chỗ cùng ngâm vịnh ở đất Ngô

Dựa lầu, lời thơ mới nhập vào trời cao rộng)

Ghi chép địa phương chí cũng như thơ văn của chính Mạc Tử Hoàng cho thấy dường như Mạc Tử Hoàng đã từng sang nhà Thanh, nhưng có lẽ không phải để "vào cống", vì Hà Tiên không có quan hệ triều cống với nhà Thanh. Khoảng thời gian từ năm 1756 đến 1761, Mạc Tử Hoàng để lại nhiều dấu ấn giao thiệp trực tiếp với các văn nhân nhà họ Triệu ở Thượng Hải. Hai bài thơ Tân Tỵ xuân ký hoài Gia Định Triệu Kế Cổ dường như mô tả tâm tình của Mạc Tử Hoàng khi rời Trung Quốc quay trở lại Hà Tiên.

Bằng vào những tư liệu mới phát hiện cũng như đọc lại các tư liệu đã biết, chúng ta phải đặt lại vấn đề thành phần nhân sự của Chiêu Anh các. Nếu như các nhà nghiên cứu Việt Nam thích dùng cụm từ "tao đàn" hay "thi xã" để mô tả nhóm này thì một số nhà nghiên cứu Trung Quốc lại đề xuất khái niệm "salon văn học". Ở đó, mối quan hệ giữa các thành viên ít mang tính tập thể hơn, mà thường là quan hệ một đối một giữa thi nhân và Mạc Thiên Tứ. "Tao đàn Chiêu Anh các" có lẽ bao gồm hai bộ phận: bộ phận nòng cốt của những thi nhân sinh sống và sáng tác tại chính Hà Tiên; và bộ phận mở rộng gồm thi nhân các xứ gửi tác phẩm đến để giao lưu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.