Chửi trên sân cỏ

10/01/2010 12:42 GMT+7

(Xem TNTT&GT từ 7 - 9.1.2010) (TNTT&GT) Chợ là môi trường rất dễ nghe thấy những câu chửi. Thế nên người ta thường hay nói câu: "Làm gì mà chợ búa thế" khi muốn nhảy vào khuyên can những đối tượng đang mạt sát nhau. Nhưng có một môi trường khác mà ở đó, những câu chửi cũng "phong phú" không kém: sân vận động! >> Nghệ thuật chửi móc \Văn hóa chửi mắng \Nhìn lại chửi thề

Molina (giữa) cãi nhau với trọng tài Võ Minh Trí - Ảnh: Bạch Dương

(Xem TNTT&GT từ 7 - 9.1.2010)

(TNTT&GT) Chợ là môi trường rất dễ nghe thấy những câu chửi. Thế nên người ta thường hay nói câu: "Làm gì mà chợ búa thế" khi muốn nhảy vào khuyên can những đối tượng đang mạt sát nhau. Nhưng có một môi trường khác mà ở đó, những câu chửi cũng "phong phú" không kém: sân vận động!
>>  Nghệ thuật chửi móc \Văn hóa chửi mắng \Nhìn lại chửi thề

Hồi tôi mới làm phóng viên thể thao, lần đầu tiên ra SVĐ, thấy tai mình bùng nhùng vì nghe dân trên khán đài chửi bậy khủng khiếp quá. Bắt chước theo giọng của nhà văn Nguyễn Quang Lập (người vừa có nhận xét là "Tôi thấy ở xứ mình vẫn chưa có văn hóa chửi thật sự"): Chu choa, chửi gì mà chửi dữ vậy hè!

Nghĩ cũng tội cho cánh quần đùi áo số. Đá mướt mải mồ hôi để cho thượng đế thưởng thức, ấy vậy mà chỉ cần đá trượt hoặc xử lý bóng không khéo một cái thì ôi thôi, bị réo cả họ hàng.

Thư từ, bài vở xin gửi về: vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

HLV cũng khổ. Lính đá hay thì không sao, đá dở thì người cầm quân biến thành "tội đồ" ngay. Ở V-League vừa rồi, trong một trận đấu trên sân Hàng Đẫy, Thể Công đá như đi dạo và HLV Lê Thụy Hải bị khán giả nhiếc mắng bằng những lời thô tục nhất. Lúc đó trông ông thật tội nghiệp vì người chửi có khi còn kém cả tuổi con ông. Mặt đằng đằng sát khí, ông quay đầu lại khán đài, mắng lại luôn: "Chúng mày có giỏi, xuống đây mà đá!".

Tôi còn nhớ, cách đây mấy năm, khi tuyển VN, lúc đó là chủ nhà Tiger Cup 2004 đã thua Indonesia tới 0-3 và tất nhiên, cầu thủ bị chửi, BHL bị chửi và HLV Tavares bị hứng một “rổ” toàn “của độc” từ miệng lưỡi khán giả. Cũng may ông là người nước ngoài, làm sao hiểu hết “thâm ý” của những câu chửi. Nhưng nhiều khán giả tỏ ra rất cao tay, “xử lý” ông luôn bằng tiếng Anh: “Tavares, go home!”. Tavares vừa cúi gằm mặt đi vào đường hầm sân Mỹ Đình, vừa lẩm bẩm: “Yes. I’ll go home!”. Hôm đó, các quan chức của VFF cũng trở thành đối tượng bị “vùi dập” tơi bời.  

Nhưng có lẽ bị chửi nhiều nhất vẫn là trọng tài. Trọng tài T.H – một trọng tài có tiếng của bóng đá Hà Nội có lần kể với giọng rất bức xúc: "Phải yêu nghề lắm mới trụ với cái nghề này. Thu nhập thì không cao. Ra sân thì sức ép nặng nề. Trên đe dưới búa. Cứ bảo trọng tài là ông vua sân cỏ nhưng thực chất mình khổ trăm bề. Chỉ cần sơ sểnh một tí thôi là bị chửi đến nhức óc. Bố mẹ mình có tội gì mà khán giả mang ra chửi thậm tệ. Thấy nhục lắm”.

Họp tổng kết cuối mùa giải 2008, NSƯT Đức Trung – hội trưởng Hội CĐV Thể Công được mời đăng đàn. Ông kể lại sự cố bạo loạn kinh hoàng xảy ra trên sân Vinh bằng một giọng rơm rớm: "Tôi không thể tưởng tượng được sao CĐV SLNA lại quá khích và thiếu văn hóa như thế. Họ chửi chúng tôi không còn thiếu một từ gì khốn nạn trên đời. Bà mẹ già của tôi mà họ còn mang ra mạt sát bằng ngôn từ thô tục nhất".

 Những kiểu chửi trên là chửi không có "văn hóa". Còn chửi mà có văn hóa thì phải nghe ở các... buổi họp nội bộ của các CLB. Một cầu thủ ở Hà Nội cho biết, anh rất sợ họp vì HLV của anh vốn là người hay chữ. Ông không nói bậy nhưng nếu cầu thủ mắc lỗi thì thôi rồi, họ phải nghe những câu phê bình đau hơn cắt. Chẳng hạn: "Anh ạ, cha mẹ anh tốn kém tiền của nuôi anh nên người. Mà anh không đền đáp nổi công ơn của cha mẹ anh. Tôi dặn anh một đường, trên sân anh thi đấu một nẻo. CLB trả lương là để anh thi đấu chứ không phải để cho anh vật vờ trên sân. Anh bảo anh không khỏe. Nếu anh ốm thật thì tôi đâu có đụng đến anh. Anh đi chơi đêm hôm, tôi vừa sểnh không kiểm tra là anh vô kỷ luật ngay. Anh có còn lương tâm không?”.

Chẳng nói đâu xa, HLV Calisto lúc mà cáu lên thì cũng kinh lắm. "Anh đá thế à, ai cho anh chạy chỗ ngu ngốc như thế?" hoặc: "Anh có bình thường không? Nếu bình thường sao lại chuyền quả bóng vụng đến thế? Tôi thật không tưởng tượng nổi” hay “Anh thật không có lòng tự trọng. Tôi mất hết niềm tin vào anh rồi”.  Trọng Hoàng – cầu thủ “cưng” của ông Calisto, hồi đầu mới lên U.23 bị phán: "Bóng đá không phải lúc nào cũng chỉ cần khỏe là đủ. Cậu phải đá bóng bằng đầu, chứ sao lại cứ chỉ thích đá bóng bằng chân. Cậu phải tư duy đi!". Hoàng "bò" mới đầu bị nghe mắng, mếu máo: "Thầy mắng em thế, có khác nào chửi em ngu!".

Trên diễn đàn của website các CLB cũng không khó tìm các loại “văn hóa chửi mắng”. Bậy cũng có mà thâm thúy kiểu “bà già chửi đứa bắt gà” cũng có. Ví dụ lục trên trang web của Hội CĐV SLNA, có một thành viên “trình bày” nỗi thất vọng của mình về đội nhà bằng một “tản văn” sau đây: “Hôm nay em bức xúc quá, có chửi đổng lên ở đây thì nhiều người chịu khó thông cảm cho em. Chớ em mà gặp mấy thằng “…” thì em không chửi mô, em về nhà cho lành, mấy thằng ni, em có đồ thối mà em cho chúng nó ăn còn phí nữa là!”.

Những trận “võ mồm” tiêu biểu

Tại V-League 2009 - giải bóng đá hàng đầu Việt Nam, không ít những trận đấu đã bị mất đi hình ảnh đẹp khi khán giả dùng những lời lẽ kém văn hóa, thậm chí là cả bạo lực khiến lực lượng an ninh phải mạnh tay can thiệp:

Trong trận đấu giữa Thể Công – M.Hải Phòng ngày 10.6.2009 tại SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội), CĐV Hải Phòng đã đốt pháo sáng trong trận đấu và có nhiều lời lẽ lăng mạ, xúc phạm lực lượng an ninh. Sau trận đấu CĐV Hải Phòng đã gây rối trật tự công cộng trong phạm vi nội và ngoại thành Hà Nội. Sự kiện đáng xấu hổ này sau đó đã được BTC của giải xâu chuỗi những lần vi phạm khác để cấm CĐV Hải Phòng vào sân khách cổ vũ đội nhà trong giai đoạn còn lại của mùa giải, khiến XM.Hải Phòng phải thi đấu không khán giả mỗi khi rời sân nhà.

Trong trận đấu giữa đội khách SLNA và chủ nhà TP.HCM trên sân Thống Nhất vào cuối tháng 6 năm 2009, CĐV SLNA khi không bằng lòng về kết quả thua của đội nhà trước TP.HCM đã lên tiếng chửi bới nặng nề khiến lực lượng an ninh sân Thống Nhất phải can thiệp bằng bạo lực. Sau đó, CĐV TP.HCM cũng “đáp trả” những CĐV đội khách bằng màn “võ mồm” chẳng thua kém đồng thời còn chặn đánh CĐV đội bóng áo vàng sau trận đấu gây nên hình ảnh rất phản cảm.

Được xem là hiền hòa và cổ vũ có văn hóa nhưng CĐV Đồng Tháp cũng có lúc không kiềm chế được. Trong và sau trận đấu giữa CS.Đồng Tháp và XM.Hải Phòng vào ngày 7.7.2009, cho rằng trọng tài Nguyễn Trọng Thư thổi còi thiên vị, CĐV CS.Đồng Tháp đã phản ứng rất quyết liệt. Từ cầu thủ đến một số thành viên ban huấn luyện và CĐV đội bóng vùng Đồng Tháp Mười đều bừng bừng uất khí và đòi “hỏi tội” trọng tài Thư. Rất may là lực lượng an ninh sau đó đã can thiệp kịp thời và không để xảy ra chuyện đáng tiếc.

A.T

Sân cỏ quốc tế cũng chửi thề

Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, người ta luôn khuyến khích fair-play. Nhưng bất chấp khẩu hiệu "Fair -play" dán đầy sân, các cầu thủ quốc tế vẫn luôn văng tục chửi bậy khi thi đấu. Hồi cuối tháng 11.2007, HLV Arsene Wenger từng lên tiếng than phiền rằng: “Cầu thủ tại Anh chửi thề quá nhiều, kể cả các cầu thủ nổi tiếng”. Khi báo chí Anh hỏi Wenger: “Ông ám chỉ đó là Rooney à?”, Wenger trả lời luôn: “Thật là phúc nếu Rooney là cầu thủ duy nhất ở Anh biết chửi thề”. Điều nực cười là khi lên lớp các cầu thủ với giọng đầy bức xúc đó, Wenger vừa bị FA phạt vì tội to tiếng với trọng tài.

Tại sao các cầu thủ quốc tế hay chửi thề? Thứ nhất là để xả stress trong các trận căng thẳng, thứ hai là để dằn mặt đối phương rằng: “Đây không phải thứ hiền đâu nhé, đừng có dại mà dây vào”. Và thứ ba là chiêu tâm lý chiến để khiêu khích đối phương phục vụ ý đồ chiến thuật. Một câu chửi có thể đem lại ngôi vô địch thế giới? Khó tin nhưng nó là sự thật. Trong trận chung kết World Cup 2006, hậu vệ Materazzi đã chửi Zidane khiến cầu thủ này nổi khùng dùng thiết đầu công. Hậu quả là Zidane bị thẻ đỏ và Pháp sau đó thua. Câu chửi của Materazzi khi đó như thế nào? Không ai ghi âm được nhưng theo các chuyên gia khẩu hình thì nó có nội dung: “Chị mày là con đĩ”. Điềm tĩnh như Zidane cũng không chịu nổi và bộc phát ngay. Số trường hợp các cầu thủ chửi để gây sự làm ức chế cầu thủ đối phương nhiều nhan nhản trên sân cỏ.

Các HLV cũng chẳng bảo được cầu thủ vì họ cũng chửi bậy. Ngay cả HLV đáng kính như Alex Ferguson cũng bị tiền vệ David Beckham tố cáo trên tờ Daily Mirror (2006) là đã từng chửi tục với anh khi hai người bất hòa hồi năm 2003.

Các HLV của Anh còn thích khẩu chiến trước mỗi trận đấu lớn và Mourinho là một trong những bậc thầy về mồm mép. Không đến nỗi văng tục nhưng họ luôn móc máy nhau trên báo giới. Mourinho từng nhận xét về Wenger: “Wenger là HLV giỏi nhưng chưa bao giờ vô địch châu Âu” hay với Benitez: “Nếu dẫn dắt một đội bóng mà 3 năm không vô địch thì tôi xin từ chức”. Với họ, từ cầu thủ đến HLV, lá cờ fair play của FIFA chỉ là thứ hàng mã treo cho đẹp, không có giá trị trong cuộc đời này.

Anh Tú

Ý kiến...

(Nhân đọc loạt bài Văn hóa chửi mắng TNTT&GT từ 7.1.2010)

Chửi có văn hóa là một nghệ thuật

Chửi tục xưa nay vẫn là điều kiêng kỵ, một hành động bất đắc dĩ trong phép đối nhân xử thế giữa người với người. Bởi lẽ "lời nói còn đau hơn roi vọt" huống chi là bị chửi, bị mắng nhiếc thì sự nhục nhã, đau đớn của con người lại càng thậm tệ và ê chề hơn. Thiết nghĩ, nếu là người Việt có văn hóa, ta cũng nên học cách... chửi, nhằm đúng đối tượng, vấn đề mà chửi sao cho có tình, có nghĩa. Tôi nghĩ chửi sao cho có văn hóa cũng là một nghệ thuật.

Nếu khi nói, bản thân ta đã phải "uốn lưỡi 9 lần" thì trước khi chửi một ai đó, cũng phải ngậm miệng mà tư duy đến... 190 lần vậy. Chửi cũng cần có ý thức, chửi đúng người đúng việc chứ không phải bạ đâu văng tục đó, miệt thị người khác một cách tàn nhẫn. Lớp trẻ bây giờ cũng có một bộ phận chửi thề văng tục tới mức "siêu hạng". Đặc biệt là trước cổng trường, học sinh - sinh viên vô tư nói tục, chửi bậy. Thói quen xấu này có lẽ cũng xuất phát từ những người lớn, các bậc cha mẹ đã không làm gương trước con trẻ, dẫn tới một bộ phận thanh niên lớn lên với những câu "chửi thề quen mồm" như vậy._Tiến Thành, Đống Đa, Hà Nội (0985 911...)

Tôi không tán thành chửi thề

Tôi đọc chuyên đề về "văn hóa chửi mắng" của TNTT&GT thấy rất thú vị. Tuy nhiên, tôi vẫn không tán thành việc chửi thề một chút nào. Dù biết trong cuộc sống chúng ta cũng không ít lần phải thốt lên những câu chửi thề, trong những tình huống mà quả thật không còn biết phải làm gì ngoài việc phải chửi. Nhưng dù sao đó cũng là một thói quen không tốt. Ngày trước, tôi còn trẻ cũng hay chửi thề lắm, đôi khi chẳng vì tức giận gì cả, ngồi lai rai nhậu với vài thằng chiến hữu thì buột miệng chửi cho vui. Nhưng từ ngày có con rồi thì phải thay đổi. Một lần đón con từ trường mẫu giáo, tôi nghe thằng con trai mới lên 4 của mình la toáng lên với một cậu bé bạn học khác: "Đ.M, bố tới rồi!" làm tôi thất kinh hồn vía. Con trẻ bắt chước nhanh lắm, nếu mình không chấn chỉnh được bản thân thì làm sao dạy dỗ con cái được._Lương, Q.11, TP.HCM (09724848..)

"Nói móc" hay hơn chửi thề

Nếu phải lựa chọn giữa "chửi thề" và "nói móc", tôi sẽ chọn nói móc. Bởi không phải ai cũng nói móc được, nó chứng tỏ cái tầm của cả người nói và người nghe, phải thông minh mới có thể nắm bắt được. Tôi lấy ví dụ ở cơ quan nếu bạn bực mình chuyện gì đó với đồng nghiệp hoặc sếp, chẳng lẽ lại lôi nhau ra chửi thề? Chỉ có cách dùng ngôn từ nhẹ nhàng mà sắc sảo để nói chuyện phải trái với nhau thôi. Còn chửi thề thì chỉ nên dừng lại ở mức "lâu lâu một lần", hoặc là giận quá không kiềm chế nổi thôi, chứ lúc nào cũng chửi thề thì thật là... quá kém văn hóa. Tôi sợ nhất là đi ngang qua bàn nhậu của các quý ông, toàn là những từ ngữ "trời ơi đất hỡi" không, nghe mà muốn bỏ chạy. Nói những lời đẹp đẽ hơn một chút không được sao._Trần Thị Hương, Chợ Lớn, TP.HCM (01238976...)

Cha mẹ không nên chửi thề với con cái

Chuyện chửi thề đúng là phải nên nhìn lại, đúng là khó tránh khỏi nhưng cũng không nên khuyến khích. Tôi thấy bây giờ chửi thề phổ biến nhất là cha mẹ với con cái. Các bậc phụ huynh hay cậy quyền cha mẹ để thỏa sức chửi mắng con cái mỗi khi nóng giận. Chửi nhau với người ngoài thì còn tiết chế, chứ chửi con thì cứ vô tư mạt sát, không tiếc bất cứ lời lẽ nào. Tâm hồn trẻ thơ rất mong manh và dễ tổn thương, những câu nói không hay đó sẽ in đậm vào đầu tụi nhỏ và khiến chúng lớn lên với những suy nghĩ và lối hành xử không hay khi vào đời. Đành rằng cha mẹ nào thì cũng thương con, nhưng xin đừng chửi thề trước mặt con cái, dù vì bất cứ lý do gì đi nữa._Ngọc Hiền, nội trợ (09483435..)

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.