Hết thời tấu hài?

12/01/2010 22:50 GMT+7

Trong khi các sân khấu mới ở TP.HCM liên tiếp ra đời thì các nhóm tấu hài - một thời làm mưa làm gió ở các tụ điểm - lại đang loay hoay với lượng khán giả giảm sút nghiêm trọng.

Mùa Noel năm 2009, hầu hết các sân khấu tấu hài thưa khán giả một cách bất ngờ. Anh Quang Minh, người quản lý của Sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng thừa nhận, các sân khấu hài đang bị sụt giảm số lượng khán giả một cách nghiêm trọng. Theo anh, một phần vì hiện nay có nhiều hoạt động ngoài trời như triển lãm, hội chợ hoặc các rạp chiếu phim đã hút đi một phần lớn khán giả của tấu hài. Trong khi đó, các nhóm hài không có gì để giữ chân số lượng khán giả ấy. Những tiểu phẩm đơn giản, nhàn nhạt, bông lơn... giờ đã quá nhàm chán. Các nhóm hài cũng thụ động không biết cách đầu tư, làm mới mình trong mắt khán giả.

Nghệ sĩ Tiểu Bảo Quốc đã bỏ tấu hài hơn 5 năm nay. Trong anh có một nỗi buồn về nghề nghiệp của mình: “Đi tấu hài cũng là một nghề kiếm sống, nhưng nhiều lúc tôi cảm giác mình không được tôn trọng cho lắm. Trong khi nếu được diễn kịch dài thì không khí sẽ nghiêm túc hơn, sân khấu đàng hoàng hơn mà nội dung cũng có ý tưởng hơn. Nếu khán giả coi mình diễn kịch nghệ thuật rồi mà hôm sau xem mình tấu hài là họ buồn mình liền. Nghĩ vậy nên tôi bàn với anh Bảo Quốc là thôi, bỏ tấu hài luôn”. Tiểu Bảo Quốc cũng cho biết ở TP.HCM hiện nay có từ 40 - 60 nhóm hài. Điều đó không tránh khỏi việc kịch bản bị trùng lặp, hoặc một nhóm hài chỉ có một tiểu phẩm đi diễn hết chỗ này đến chỗ khác, “lờn mặt” đến độ nghệ sĩ diễn trên sân khấu thì được khán giả ở dưới “nhắc tuồng” cho.

 Làm tấu hài phải diễn theo lệnh bầu sô. Nhiều đêm tiết mục nhiều thì họ hối mình phải diễn nhanh lên, dành thời gian cho tiết mục khác. Nhưng khi có sao nào chạy sô trễ thì họ đẩy mình ra, bắt cứ diễn dây dưa để câu giờ chờ sao tới.

Nghệ sĩ hài Tiểu Bảo Quốc

Đạo diễn Hoàng Duẩn của Nhà hát kịch TP.HCM thì cho rằng có một thời các nhóm hài kiếm tiền dễ quá, lại không chịu đầu tư tìm tòi cái mới khiến tay nghề diễn viên bị cũ kỹ, lặp lại một cách đơn điệu. Hơn nữa, một bộ phận nghệ sĩ tấu hài nay đã đứng tuổi, muốn diễn trong một sân khấu đàng hoàng hơn, được tôn trọng hơn. Diễn kịch dài là có cốt truyện, có tâm lý nhân vật, có cao trào... người diễn viên được sống với cảm xúc nhân vật nên bộc lộ những phẩm chất nghệ sĩ của mình hơn hẳn. Không ai tấu hài ăn khách hơn Hoài Linh, nhưng gần đây anh cũng bày tỏ mong muốn làm mới, thử sức mình qua những vở kịch. Hoặc như nữ nghệ sĩ Kiều Oanh, mỗi lần từ Mỹ về làm những chương trình hài ngắn vẫn ăn khách rầm rộ, nhưng chị vẫn nói rằng làm hài là để “lấy ngắn nuôi dài”. Muốn khắc được tên tuổi của mình vào lòng khán giả và sự nể trọng của đồng nghiệp không gì hơn là những vai diễn nặng ký trong những vở kịch.

Nói như nghệ sĩ Hữu Lộc của sân khấu Nụ Cười Mới: “Tấu hài là để kiếm sống, nhưng muốn giữ nghề thì phải diễn kịch. Ai cũng muốn diễn kịch dài, dù diễn vai ác họ vẫn sướng. Cho nên sắp tới không chỉ anh Hoài Linh mà cô Kim Ngọc, Hiếu Hiền... cũng muốn thử sức mình trong các vở kịch mới”.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.