Nhà toán học trong đời thường

20/08/2010 00:43 GMT+7

Rất nhiều điều thú vị về Ngô Bảo Châu trong cuộc sống đời thường, ngoài toán học. * Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng GS Ngô Bảo Châu * Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thư chúc mừng GS Ngô Bảo Châu

*   “Sinh ra và được nuôi dạy tại Việt Nam”
*  Niềm tự hào Việt Nam
*  
Dấu ấn Ngô Bảo Châu trong giới trẻ mê toán VN 
Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải “Nobel Toán học”
*  Đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu

Cuộc đời như mảnh ghép hình học

Blog của anh thể hiện khá rõ về một con người Ngô Bảo Châu ngoài toán học. Trên blog “Thích học toán” của mình, anh viết: “Cuộc đời mỗi người là một đa tạp, với nhiều mảnh chồng lấn lên nhau”. Khi có người hỏi anh: “Tại sao lại chọn con đường trở thành nhà toán học mà không phải là một nhà gì đó?”. Anh trả lời: “Vì đã trót một lần yêu hình”. Và anh lý giải: “Học hình bạn sẽ biết thế nào là đa tạp. Cuộc đời mỗi người là một đa tạp. Mảnh ở phố Hàng Bài, mảnh ở New Jersey, mảnh quàng khăn đỏ, mảnh ở ngoại ô Paris, mảnh bú tí mẹ, mảnh rưng rưng cảm động cầm tay bạn gái lần đầu tiên, mảnh bịt mũi thay tã cho con... Mỗi mảnh có một hệ quy chiếu riêng của nó. Các mảnh của cuộc đời chồng lấn lên nhau. Ít ai hiểu ra rằng ai cũng có ngần ấy mảnh của cuộc đời, có khác nhau là khác ở chỗ dán chúng lại với nhau như thế nào. Các đa tạp cũng thế”.

 

Ngô Bảo Châu và người thân trong gia đình - Nguồn: Tư liệu

Những “mảnh” của Ngô Bảo Châu sẽ sáng rõ hơn qua con mắt của những người thân.

Tuy là cậu con trai duy nhất nhưng cha mẹ anh không hề cưng chiều Bảo Châu. Theo lời kể của mẹ anh, PGS Dược học Trần Lưu Vân Hiền, Bảo Châu thường xuyên rửa bát, giặt quần áo cũng như giúp mẹ làm thêm để tăng thu nhập và cũng bị phạt nếu mắc lỗi. Giống như nhiều học sinh ham học khác, Bảo Châu không bao giờ để bố, mẹ nhắc nhở việc học bài. Trên thực tế PGS Hiền chỉ thường xuyên giục con... ngủ sớm để bảo vệ sức khỏe. Trong ký ức của mẹ anh, cậu bé Châu của thời học phổ thông thường thủ thỉ với mẹ: “Có đồng nào mẹ cứ mua sách toán cho con”!

Trong một lần trò chuyện với PV Thanh Niên, GS-TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, một trong những người mà anh Châu khẳng định có ảnh hưởng lớn tới niềm đam mê toán học của anh, cho rằng điều may mắn nhất ở Bảo Châu là có được người bố và người mẹ tuyệt vời. Bố anh không bao giờ bằng lòng với thành tích của con. Dù đã chọn được trường tốt, ông luôn hướng cho con tới trường tốt hơn. Dù đã được học với các thầy giỏi nhất, ông vẫn tìm cho con một vài “huấn luyện viên” riêng - kể cả người vô danh. Đến khi anh nổi tiếng thế giới với Giải thưởng Clay (năm 2004) và được phong Giáo sư của Pháp khi mới 32 tuổi, ông vẫn chưa toại nguyện. Ông chính là người gieo niềm tin vươn tới đỉnh cao mới cho con mình. Mẹ anh luôn dịu dàng, nhẹ nhàng động viên anh vượt qua khó nhọc để trở lại trạng thái cân bằng sau những lần vật lộn với các ý tưởng, công thức toán học. GS Hoa nói thêm: “Khi nói chuyện với bà, tôi có cảm giác anh luôn ở trong vòng tay của mẹ, cho dù khoảng cách hai mẹ con là hàng chục ngàn cây số”.

Chỉ mong con cái có cuộc sống bình thường

Trên blog của anh còn có những mục không khô khan như người ta thường nghĩ về toán học và những nhà nghiên cứu toán học. Đó là khi nhấp chuột vào mục “Thơ” để đọc những câu thơ không đầu, không cuối do anh viết hoặc những bài thơ mà anh thích thú dịch của một nhà thơ nước ngoài...

 
GS Ngô Bảo Châu cùng 2 con gái tại California - Mỹ. Nguồn: Tư liệu

GS Lê Tuấn Hoa cũng “bật mí” rằng thời đi học Châu không chỉ giỏi toán mà còn rất giỏi văn. Bản thân anh cũng tâm sự hồi xưa anh thích nhà thơ Quang Dũng. Nhà văn thì anh thích Thomas Mann với J.M.Coetzee. Và nếu có một điều ước về năng khiếu bẩm sinh thì anh sẽ ước mình có năng khiếu về... âm nhạc!

Thú vị không kém là mục “Tơ lòng” để: “ai có hỉ nộ ái ố gì với toán học đều có quyền gửi tâm sự của mình đến” để được gỡ rối. Một người tự xưng là phụ huynh của học sinh ghét học toán lân la vào hỏi: “Ghét học toán có thể chấp nhận được không? Chấp nhận đến đâu - nói một cách khác, bất đắc dĩ phải học toán thì học đến đâu là được rồi?”. Người “gỡ rối tơ lòng” Ngô Bảo Châu trả lời: “Chuyện có học sinh ghét học toán là chuyện bình thường, ai cũng thích học toán cả thì mới đáng lo... Tôi nghĩ chị cũng đồng ý với tôi là cuộc sống có bao nhiêu là ngả, cho cả người ghét và người thích học toán”. Ngay cả với 3 cô con gái yêu của mình, anh cũng tâm sự “không áp đặt gì cả. Anh chỉ kỳ vọng là chúng có một cuộc sống bình thường, hạnh phúc... Anh không kỳ vọng chúng phải làm gì vĩ đại cả”.

Một ngày của Ngô Bảo Châu

Trong tất cả những tâm sự, anh không hề đao to búa lớn, nhưng dễ dàng nhận thấy Bảo Châu không coi tiền bạc và tiếng tăm là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời. Anh chỉ muốn có một cuộc sống bình thường, giản dị và được làm công việc yêu thích. Anh quan niệm: Có cuộc sống nội tâm trong sáng là cái quan trọng. Đấy là một trong những cái mà lúc nào anh cũng muốn dạy cho trẻ con, tức là cách quan hệ xử sự với người khác, rồi là thái độ đối với của cải vật chất như thế nào.

Qua lời kể của PGS Hiền, Châu nói với mẹ rằng, nếu kiếm được nhiều tiền hơn mức cần thiết, anh sẽ sử dụng phần dôi dư vào hoạt động từ thiện, chẳng hạn như giúp đỡ trẻ em nghèo, mồ côi hoặc tật nguyền tại Việt Nam.

Một ngày bình thường của anh, theo tâm sự với nhà văn Phan Việt: “Sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị cho các cháu đi học đến khoảng 8 giờ rưỡi thì anh bắt đầu làm việc. Đầu tiên là có e-mail anh phải trả lời thì trả lời cho xong. Buổi sáng là lúc đầu óc sáng sủa nhất thì anh ngồi làm những thứ mà phải suy nghĩ nhiều nhất; ăn trưa xong đến chiều thì nếu có hẹn gặp người nào thì anh hẹn gặp nói chuyện buổi chiều. Đến cuối giờ làm việc thì anh trả lời nốt e-mail phải trả lời; sau rồi chiều tối anh về nhà; cho trẻ con học, xong nếu còn đủ minh mẫn thì anh ngồi nghĩ tiếp hoặc anh đọc sách, rồi đi ngủ”.

Ngô Bảo Châu lập gia đình khi còn khá trẻ, mới 22 tuổi. Vợ anh (một người bạn học từ thời còn ở trường THCS Trưng Vương), chị Nguyễn Bảo Thanh theo chồng sang Pháp và hiện nay cả gia đình sống tại Viện Nghiên cứu Princeton của Mỹ, nơi anh làm việc. Họ đã có 3 cô con gái xinh xắn, con gái lớn là Ngô Thanh Hiên 15 tuổi, thứ 2 là Ngô Thanh Nguyên 10 tuổi và em út là Ngô Hiền An 7 tuổi. Mỗi một đứa con ra đời, anh đều gửi về ông bà nội chăm sóc, đến tuổi đi học, anh lại đón các cháu sang để đoàn tụ với gia đình. Các cháu vẫn nói thạo tiếng Việt, mùa hè năm nào cũng trở về Hà Nội sống với ông bà nội.

Con đường trở thành nhà toán học hàng đầu thế giới

Ngô Bảo Châu sinh ngày 15.11.1972 tại Hà Nội, là người con duy nhất của GS-TSKH Ngô Huy Cẩn (Viện Cơ học, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) và PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền (Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư). Từng là học sinh trường Thực nghiệm Giảng Võ và trường THCS Trưng Vương, sau đó học tại khối chuyên Toán trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Anh là người Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic Toán quốc tế: Năm 1988 tại Canberra (Úc) với điểm tối đa 42/42 khi học lớp 11 và năm 1989 tại Brunswick (Cộng hòa LB Đức).

Được học bổng của Chính phủ Pháp, anh bắt đầu cuộc đời sinh viên tại Université de Paris VI ở tuổi 18.

1992: Ngô Bảo Châu đậu vào trường ĐH Sư phạm (ENS, Ecole normale supérieure) ở Paris - lò đào tạo nhiều nhân tài trên thế giới.

1997: Ngô Bảo Châu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Université de Paris XI.

Từ năm 1998 - 2004: Làm việc tại Trung tâm quốc gia khoa học (CNRS - Centre National de la Recherche Scientifique) của Université de Paris XIII.

2003: Bảo vệ Habilitation à diriger des recherches (HDR, tương đương với tiến sĩ khoa học).

Đầu năm 2004: Khi tuổi chưa đến 32, Ngô Bảo Châu được 2 trường ĐH danh tiếng mời làm giáo sư: Université de Paris VI và Université de Paris XI. Vì muốn được làm chung với GS Gérard Laumon, một viện sĩ và cũng là người hướng dẫn anh làm luận án tiến sĩ trước đó, Châu trở thành giáo sư ở Paris XI. Cùng năm đó, Gérard Laumon và Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Clay, một giải thưởng danh giá của Viện Toán Clay (Mỹ) nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của “chương trình Langlands ”.

2005: Ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị giáo sư trẻ nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

2006: Được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội Toán học thế giới ở Madrid (Tây Ban Nha).

2007: Nhận giải thưởng của Viện Nghiên cứu toán học Oberwolfach (Đức) dành cho các nhà toán học trẻ châu u. Cũng từ 2007, anh công tác thêm với Viện Nghiên cứu tiên tiến (Institute for Advanced Study) ở ĐH Princeton (New Jersey, Mỹ), một ĐH hàng đầu của Mỹ.

2008: Giành giải thưởng Sophie Germain của Viện Hàn lâm Pháp về toàn bộ công trình nghiên cứu của mình.

2009: Công trình "Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie" (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) dày 169 trang của Ngô Bảo Châu đã được Tạp chí Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm.

2010: Được mời đọc báo cáo tại phiên toàn thể của Đại hội Toán học thế giới tại Ấn Độ từ ngày 19 đến 27.8.

Đúng 12 giờ 55 phút theo giờ VN ngày 19.8 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thành phố Hyderabad (Ấn Độ), GS Ngô Bảo Châu đã nhận giải thưởng Fields - được xem là giải "Nobel Toán học".

Kể từ 1.9.2010, Ngô Bảo Châu sẽ làm giáo sư tại khoa Toán trường ĐH Chicago (Mỹ).

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.