Chơi đồ sơn son thiếp vàng

27/01/2011 22:54 GMT+7

Trong dịp tết, người Hà Nội có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều câu đối, hoành phi, bình phong, hộp đựng sắc phong sơn son thiếp vàng… trong triển lãm do CLB Những người yêu cổ ngoạn Hà Nội tổ chức.

Trước kia, các gia đình, dòng họ giàu có, học thức thường mời thợ đến nhà làm những bức hoành phi, cuốn thư, câu đối, bình phong sơn son thiếp vàng để dựng trong phòng thờ, phòng khách, nhưng cũng có khi được dùng để mừng những sự kiện quan trọng như tân gia, khi nhận chức, nhận sắc phong… Chẳng hạn như khi vua Bảo Đại lên ngôi, các quan lại Bắc Kỳ đã dâng vua bức bình phong sơn thiếp vàng cao 1m,  một mặt có chữ, mặt kia có hình con cá. Nhà sưu tầm Trần Thái (CLB Những người yêu cổ ngoạn Hà Nội) hiện đang giữ bức bình phong này.

Cái quý giá của những cổ vật này trước hết phải nói đến kỹ thuật sơn son thiếp vàng truyền thống. Màu sơn ta đẹp và độc đáo, không thể nhầm lẫn với bất kỳ loại sơn nào. “Làm sơn ta rất vất vả. Nếu không cẩn thận, sơn có thể khiến mặt người thợ bị sưng đỏ lên” - nhà chơi cổ vật Ngô Mạnh Cường nói. Hình trang trí quanh những tấm hoành phi được thiếp vàng tinh xảo vừa mang giá trị nghệ thuật vừa mang ý nghĩa như lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh (thể hiện sự cao quý), hoa lá, bút kiếm (thể hiện văn võ song toàn)…

Giá trị của những bức bình phong, cuốn thư, câu đối, hoành phi còn nằm ở những câu chữ, lời hay ý đẹp ghi trên đó. Trước kia, người ta vẫn phải xin chữ của thầy đồ, người văn hay chữ tốt, rồi mới mang về cho thợ chạm lên. Các chữ được viết theo lối chân - thảo - triện - lệ, thường được làm bằng sứ, khảm trai có khi bằng ngọc, khi đọc phải đọc từ phải sang trái. Muốn chơi những món cổ vật này, người chơi phải ít nhiều am hiểu chữ nghĩa. Tuy nhiên, bây giờ không còn nhiều người hiểu lối viết thảo hay triện, vì thế nhiều nhà chơi cổ vật phải vất vả tìm cho ra người nghiên cứu, hiểu biết để dịch nghĩa câu thơ, câu đối viết theo lối này.

 
Tấm bình phong của quan lại Bắc Kỳ dâng vua Bảo Đại khi ông lên ngôi

Ngoài ra, có hiểu chữ nghĩa thì mới biết bày sao cho đúng. Ý nghĩa của các dòng chữ, câu thơ, câu đối sẽ quy định món đồ đó được bày ở phòng thờ hay phòng khách để ngắm chơi. Chẳng hạn những món có các câu như Đức lưu quang (tạm dịch: cái đức giữ sáng muôn đời), Hộ quốc tề danh (chữ vua ban cho những người phò vua giúp nước), Học giới danh văn (nhắn nhủ con cháu theo nghề văn), Tiết hạnh khả phong (vua ban cho những người phụ nữ thủ tiết nuôi con nên người), Kính sở tôn (tôn kính tổ tiên, ông bà)… thường được treo ở phòng thờ, thường có ý nghĩa răn dạy người đời sau. Những món có đề câu thơ, câu đối về thiên nhiên, cuộc sống thường được gia chủ đặt trong phòng khách. Mỗi khi bạn bè đến chơi lại cùng gia chủ uống rượu, ngâm nga, bình luận.

Những món đồ sơn son thiếp vàng quý giá là vậy nên gia chủ càng phải cẩn thận, tỉ mỉ khi lưu giữ, bảo quản. Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Trường (Chủ tịch CLB Những người yêu cổ ngoạn Hà Nội) cho biết, không bao giờ được dùng khăn ướt để lau chùi đồ sơn thiếp mà chỉ được dùng khăn khô hay phất trần. “Mỗi khi lau phải thật chăm chút, nhẹ nhàng. Dùng khăn ướt có khi làm biến màu, bong đi lớp thiếp. Chơi đồ sơn thiếp quả lắm công phu!” - ông nói.

Triển lãm diễn ra từ ngày 28.1 - 25.2 tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng.

Người tham quan còn có thể ngắm nhìn nhiều cổ vật quý như áo hồng bào, hoàng bào của vua quan triều Nguyễn, các đồ gốm, sứ triều Lê, Nguyễn, các tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam còn ít được biết đến. Đáng chú ý có bức tranh chân dung thiếu phụ do họa sĩ Lê Phổ vẽ năm 1935. Theo ban tổ chức, vì công tác bảo quản, bức tranh quý giá này sẽ chỉ được trưng bày trong những ngày đầu triển lãm.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.