Khai thác vàng tại Việt Nam còn manh mún

14/02/2011 12:30 GMT+7

Đầu tháng 2 vừa qua, Công ty Olympus Pacific (OPM - Canada) đã đầu tư thêm 25 triệu USD để nâng cấp và xây dựng, phát triển khai thác vàng tại VN.

Chỉ có một nhà đầu tư nước ngoài

OPM là doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) duy nhất hiện nay được phép khai thác vàng tại VN. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản VN cho hay, trong nhiều năm qua, đã có những công ty nước ngoài tìm đến VN thăm dò và khai thác vàng nhưng đến rồi đi rất nhanh. Hiện chỉ còn lại 2 DNNN gồm một đang thực hiện thăm dò tại Lai Châu và OPM. OPM đang khai thác 2 mỏ vàng gồm Bồng Miêu và Phước Sơn tại tỉnh Quảng Nam với vốn đầu tư 80 triệu USD. Khoản vốn đầu tư mới sẽ được giải ngân trong năm 2011 nhằm nâng cấp nhà máy, xây dựng công trình xử lý chất thải để nâng sản lượng khai thác từ 45.000 ounce vàng nguyên liệu hiện nay lên khoảng 75.000 ounce trong năm 2011 này.

Việc OPM đầu tư thêm 25 triệu USD khai thác vàng được nhiều người quan tâm bởi trước đó, công ty này đã trì hoãn kế hoạch tăng vốn lên 100 triệu sau khi Bộ Tài chính quyết định nâng mức thuế suất xuất khẩu vàng (đối với vàng trang sức và vàng nguyên liệu có hàm lượng cao) từ 0% lên 10% áp dụng từ ngày 1.1.2011. Thông tin công bố trên website của OPM, điều này sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh và doanh thu của công ty dù hoạt động của OPM không liên quan gì đến thị trường nội địa (OPM chỉ được phép khai thác và xuất khẩu 100% vàng nguyên liệu thô).

Đầu tháng 2.2011, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý giao UBND tỉnh Hà Giang quản lý, cấp phép khai thác 8 điểm quặng vàng trên diện tích 19,57 ha; yêu cầu Bộ Tài Nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang khẩn trương tổ chức thực hiện các đề án đánh giá bổ sung 8 điểm vàng tại tỉnh Hà Giang, khoanh định cụ thể diện tích...
Theo giám đốc một công ty khai thác vàng tại Quảng Nam, quyết định tăng thuế trên có thể sẽ đẩy sự quan tâm của những nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng sang những thị trường đầu tư khác hấp dẫn hơn. Và điều đó vô hình trung sẽ đưa VN quay lại thời kỳ khai thác vàng thủ công, khai thác lậu tràn lan, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường, cơ sở hạ tầng xuống cấp, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, tăng thuế xuất khẩu vàng cần phải phù hợp với điều kiện thực tế và phải có lộ trình. Việc trong một thời gian khá ngắn tăng cùng lúc 2 loại thuế (mới tăng thuế tài nguyên từ 5% lên 15% vào đầu năm 2009), sẽ làm cho các nhà đầu tư gặp khó khăn vì mới bỏ ra một lượng vốn lớn để đầu tư chưa kịp hoàn vốn đã phải chịu ngay một khoản lỗ do chính sách vĩ mô bất hợp lý đưa lại.

Chưa hấp dẫn

Theo Luật Khoáng sản mới, DNNN chỉ cần mở văn phòng hoặc chi nhánh đại diện tại VN có thể đầu tư lĩnh vực thăm dò, khai thác vàng. Bên cạnh đó, VN đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên không có  hạn chế nào đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.  Về tiềm năng, theo dự báo của các nhà địa chất, trữ lượng vàng nước ta còn khoảng 1.000 đến 3.000 tấn. VN có nhiều mỏ quặng với nhiều hình thái và quy mô khác nhau có ở Ngân Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hòa Bình… Câu hỏi đặt ra là, tại sao lĩnh vực khai thác vàng tại VN vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài? Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, những quy định khác về thuế, thủ tục, cơ sở hạ tầng còn yếu, nguồn nhân lực thấp… sẽ tiếp tục là những rào cản cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Văn Thuấn thừa nhận bản thân Công ty OPM đã hoạt động lâu, trữ lượng vàng được khai thác hằng năm khá lớn, nhưng về thực tế do có nhiều khó khăn, nên hoạt động không sinh lời nhiều.

Đó là chưa kể, hiện VN chỉ mới có một số đề án nghiên cứu trữ lượng vàng quốc gia một cách đơn lẻ, cơ bản công tác điều tra đánh giá vàng từ lâu đã không được triển khai vì vốn quá lớn. Vì vậy công tác thăm dò, nghiên cứu trữ lượng vàng quốc gia đã ngừng 10 năm nay. Mọi số liệu về trữ lượng vàng bây giờ đều khó chính xác, chỉ là phỏng đoán.

Báo The Straits Times ngày 12.2 dẫn báo cáo của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, nước này sản xuất 340,88 tấn vàng trong năm 2010, tăng 8,57% so với năm trước đó. Với sản lượng trên, Trung Quốc tiếp tục là nước sản xuất vàng số 1 thế giới trong năm thứ tư liên tiếp.

Năm 2010, Công ty khoáng sản OZ Minerals Limited của Úc phát hiện mỏ vàng trữ lượng khoảng 8,1 triệu tấn quặng ở tỉnh Mondulkiri, phía đông bắc Campuchia. OZ Minerals cho biết, hàm lượng khai thác ở đây có thể đạt 2,3 gram mỗi tấn, tương đương 605.000 ounce vàng. Đây là mỏ với trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á tính tới hiện nay.  (M.Phương)

Thuỷ Lưu - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.