Chui xuống, chạm tay vào vàng

16/01/2012 01:04 GMT+7

Thâm nhập tận ngõ ngách của hầm khai thác vàng hiện đại Đăk Sa (Phước Sơn, Quảng Nam) cho tôi những cảm nhận hoàn toàn khác với những gì tưởng tượng trước đó về một thế giới của vàng.

Thâm nhập tận ngõ ngách của hầm khai thác vàng hiện đại Đăk Sa (Phước Sơn, Quảng Nam) cho tôi những cảm nhận hoàn toàn khác với những gì tưởng tượng trước đó về một thế giới của vàng.


Tác giả trong hầm khai thác vàng - Ảnh: T.L

Chạm tay vào vàng...

Đây là một trong hai mỏ vàng có công nghệ khai thác và chế biến hiện đại nhất tại Việt Nam do Công ty Olympus Pacific Minerals (Canada) liên doanh cùng Công ty CP kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam đầu tư. Sau nhiều giai đoạn thăm dò, đánh giá, trữ lượng của mỏ vàng Đăk Sa được xác định có hơn 30 tấn kim loại quý, mỏ vàng này được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Hệ thống đường lò khai thác của mỏ vàng Đăk Sa cắm sâu hun hút và ngoằn ngoèo trong lòng đất. Giữa rừng núi Phước Sơn, bên trong khối núi đá đồ sộ ở khu vực Bãi Đất là cả một công trình ngầm quy mô, hiện đại. Mỗi mét đường lò đều thấm đẫm mồ hôi và công sức của hơn 700 lao động bao gồm cả những chuyên gia nước ngoài đang ngày đêm làm việc tại đây.

Để được vào bên trong mỏ, mọi người phải qua sự kiểm soát nghiêm ngặt về an ninh cũng như về an toàn lao động. Càng tiến sâu vào thế giới địa đạo bịt bùng, hun hút, chúng tôi dường như đang đi lạc trong bóng tối đen yếm khí, thỉnh thoảng đôi chỗ được thắp sáng bằng ánh đèn neon trắng nhờ nhờ. Nếu không có hướng dẫn của kỹ sư địa chất Lê Văn Bền, khó ai tưởng tượng được những vách lò lấp lánh ánh xám chì của galenit (một loại quặng chì) mà mình đang vịn tay để bước trên nền đá gập ghềnh, ẩm thấp lại chính là… quặng vàng. Lần đầu tiên được chạm tay vào vàng, trong tôi lại là cảm giác hụt hẫng. Bởi, thực tế không giống với hình dung ngô nghê của mình trước đó về những mạch vàng ròng lấp lánh.

“Từ những khối đá chứa đầy galenit nằm sâu trong lòng đất này, để cho ra những thỏi vàng ròng mà chúng ta thường thấy đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều tài chính, công sức trong một khoảng thời gian khá dài, thường ít nhất cũng từ 8 đến 10 năm tính từ lúc bắt đầu khảo sát địa chất”, kỹ sư Bền giải thích. Hiện tại, thân quặng Bãi Đất đã được khai thác đến tầng thứ 5, vị trí có độ chênh cao so với miệng hầm khoảng chừng 100m. Các khoảnh lò chợ (nơi khai thác quặng) liên thông với nhau bằng những lò thượng khá hẹp, đôi chỗ chỉ vừa đủ cho một người đi qua, được nối ghép bằng các bậc thang gỗ cheo leo đòi hỏi rất cao sự cẩn trọng và kỹ năng di chuyển, thao tác của những người thợ mỏ. Là người “ngoại đạo” hiếm hoi được vào tận ngóc ngách của mỏ vàng, tôi dò dẫm nhấc từng bước chân qua các bậc thang gỗ với tất cả sự thận trọng, xen lẫn sự thán phục về công việc của những người thợ mỏ.


Luyện vàng ở mỏ Đăk Sa - Ảnh: Vũ Phương Thảo 

Vàng Việt Nam ra thế giới

Mỏ vàng Đăk Sa là một trong hai mỏ vàng tại Việt Nam được đầu tư chuyên nghiệp từ khâu thăm dò đến các khâu khai thác và chế biến, xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện tại, tổng mức đầu tư để phát triển mỏ vàng Đăk Sa đã lên đến gần 60 triệu USD. Theo ông Lê Minh Kha, Tổng giám đốc Công ty TNHH vàng Phước Sơn, thì “đến năm 2013, nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa dự kiến sẽ được đầu tư bổ sung để nâng công suất chế biến lên 360.000 tấn quặng/năm. Hiện tại, sản lượng vàng ròng thu được dự kiến đạt từ 1 đến 1,2 tấn/năm”.

Quy trình tuyển vàng được bắt đầu từ khâu đập và nghiền quặng. Tiếp đó là các khâu tuyển trọng lực, tuyển nổi, ngâm chiết bằng cyanua và chiết tách bằng than hoạt tính, điện phân, cup-pen hóa và cuối cùng là đổ thỏi sản phẩm thành những thỏi vàng dore’ (hợp kim vàng và bạc, có lẫn xấp xỉ 1% các tạp chất kim loại khác, chưa phải vàng ròng). Từ đây, các thỏi vàng dore’ này sẽ được chuyển vào TP.HCM để tinh luyện ra vàng 99,99% đúng chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 1 tấn vàng ròng được xuất khẩu sang Thụy Sĩ. Một con số còn quá khiêm tốn so với nhu cầu vàng ở thị trường trong nước và so với hàng trăm tấn vàng được nhập khẩu vào Việt Nam trong những năm qua. Nhưng ở một góc độ khác, điều đó có ý nghĩa về sự “hiện diện thương mại” của Việt Nam trên thị trường kim loại quý quốc tế.

Đổi thay nhờ vàng

Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Nam, con số nộp ngân sách tương đương 235 tỉ đồng tính đến tháng 9.2011 của mỏ Đăk Sa quả là một con số ấn tượng. Sự thay đổi nhiều nhất mà mỏ vàng này đem lại là với cuộc sống của đồng bào thiểu số M’Nông. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỏ vàng Đăk Sa đã tạo việc làm cho hơn 300 thanh niên của địa phương. Từ tập quán lên rừng chặt gỗ đốn củi, đốt nương làm rẫy, bây giờ, mỗi thanh niên M’Nông là mỗi công nhân lao động thực thụ với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng.

Còn nhớ vào năm 2004, để đi từ đường Hồ Chí Minh vào đến khu Bãi Đất phải mất gần 3 giờ đồng hồ để vượt qua hơn 8 km đường núi. Giờ thì đường nhựa đã được làm vào tận mỏ, những gia đình M’Nông sống trong các thung lũng, đồi núi đã lần lượt kéo nhau về làm nhà định cư dọc suốt tuyến đường này. Nhà cửa san sát nhau như dưới đồng bằng. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - ông Phạm Thế Quyền nhận xét: “So với cách đây 8 năm, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số thuộc khu vực lân cận mỏ vàng Đăk Sa đã thực sự lột xác”.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.