Mở cửa thị trường gạo xuất khẩu: Thương hiệu là "chìa khóa"

19/12/2005 09:13 GMT+7

Xuất khẩu gạo đạt ngưỡng 5 triệu tấn, giá trị trên 1,3 tỷ USD là một thắng lợi của Việt Nam trong năm 2005. Đây cũng là mốc đánh dấu sự trưởng thành của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Song, phía trước vẫn còn nhiều thách thức từ vùng nguyên liệu đến khâu chế biến xuất khẩu gạo…

Gạo thơm, gạo đặc sản - mặt hàng xuất khẩu chiến lược
 
Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2005 thành công có phần đóng góp rất lớn của vựa lúa ĐBSCL. Tiêu biểu là tỉnh An Giang có sản lượng lúa gạo cao nhất cả nước trên 3 triệu tấn/năm. Trong 10 năm qua, An Giang đã không ngừng nâng cao sản lượng, từng bước cải thiện chất lượng lúa, gạo hàng hóa; áp dụng và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật tạo nên bước đột phá trong công tác giống và kỹ thuật canh tác trên các giống lúa; lấy chất lượng để nâng cao giá trị xuất khẩu…

Nếu như năm 2002, An Giang chỉ xuất khẩu trên 300.000 tấn, thì đến năm 2005 số lượng xuất khẩu của tỉnh đạt 655.000 tấn, dẫn đầu cả nước. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, tỉnh đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho lúa nếp Phú Tân trên diện tích 35.000 ha. Đây cũng là một hướng đi cần thiết cho lúa nếp - đặc sản của vùng ĐBSCL.

Nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành do xây dựng quy trình khép kín từ khâu khai thác nguyên liệu đến xuất khẩu. Nổi bật là Nông trường Sông Hậu đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 5.000 ha, với các giống lúa chất lượng cao như: IR 64, VND 95-20, OM 1490. Đồng thời, nông trường chuyển sang sản xuất lúa đặc sản Jasmine 85. Thương hiệu gạo SOHAFARM của nông trường đã được khách hàng nhiều nước trên thế giới tín nhiệm.

Bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết, sự thành công của nông trường được xây dựng trên nền tảng vững chắc: thành viên nông trường sử dụng 100% giống lúa xác nhận để gieo sạ; áp dụng chặt các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); sử dụng hệ thống sấy lúa để nâng cao khả năng bảo quản sau thu hoạch. Với 40 lò sấy lúa với công suất 8 tấn/mẻ, nông trường đảm bảo sấy bảo quản toàn bộ sản lượng lúa hè - thu của nông trường. Bằng các biện pháp xây dựng hệ thống đồng ruộng, sử dụng giống xác nhận, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật liên hoàn trong sản xuất đã tạo ra một sản lượng lúa nguyên liệu lớn với chất lượng đồng đều; khi đưa qua chế biến tỷ lệ thu hồi gạo đạt cao, nâng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kiểu như Nông trường Sông Hậu ở ĐBSCL chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong xuất khẩu gạo của Việt Nam: Ngay trong sản xuất lúa gạo xuất khẩu đã có nhiều thách thức, nhất là nhu cầu sử dụng giống trong sản xuất. Ở ta vẫn tồn tại tập quán mua tại nhà, bán tại đồng, thói quen kinh doanh chưa có vùng nguyên liệu và chưa có thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực. Việc thông tin, dự báo thị trường chưa được chú trọng, đặc biệt là với thị trường lúa thơm, lúa đặc sản và nếp. Gạo thơm, gạo đặc sản, nếp an toàn là loại hàng hóa chiến lược, có giá trị xuất khẩu cao, nhưng Nhà nước chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất như kho chứa, bến bãi, chính sách thu mua…

Hiện đại hóa sản xuất, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa

GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, nhận định: Trong những thập kỷ tới, nguồn ngoại tệ thu vào từ xuất khẩu nông thủy sản nước ta đóng vai trò quyết định cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông thủy sản sẽ đưa đến phồn vinh của đất nước.

Tuy nhiên, nước ta đang đứng trước những thách thức là: tốc độ đô thị hóa tại khu vực và thế giới ngày càng tăng, thu nhập của người dân các nước ngày càng tăng dẫn đến khẩu phần gạo trong bữa ăn giảm (dẫn đến xuất khẩu lương thực không tăng mạnh như hiện nay), đồng thời tăng thức ăn chế biến sẵn, đặc biệt chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trên thị trường, lương thực, thực phẩm chuyển vào các siêu thị tăng lên. Việc bày bán lương thực, thực phẩm tại các chợ nhỏ lẻ thu hẹp. Hệ thống sản xuất lương thực không còn nhỏ lẻ. Điều này trái với những tập quán sản xuất và hệ thống phân phối ở nước ta hiện nay. Thí dụ, nông dân vẫn còn sản xuất manh mún. Phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta thích mua hàng trôi nổi, tìm ai bán rẻ nhất thì mua. Nông dân thích bán hàng cho thương lái hơn là bán cho doanh nghiệp. Giữa nông dân và doanh nghiệp còn ít gắn bó, thậm chí mất lòng tin với nhau.

Ngoài ra, thị trường hiện nay cần hàng hóa chất lượng cao và đồng nhất, khối lượng lớn, giao hàng cùng một thời điểm với giá cạnh tranh nhất. Đây cũng là điểm yếu của chúng ta. Vì vậy, cần thay đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa thâm canh với quy mô ngày càng lớn hơn. Chính sách cần có là tạo mọi điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho nông dân, giúp nông dân tham gia vào hệ thống sản xuất lớn có thể trụ vững, lâu dài. Muốn thế, cái tối cần thiết hiện nay là hiện đại hóa nông nghiệp trong khuôn khổ phát triển nông thôn để nông dân đủ điều kiện sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ nói: “Năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo. Nếu lúa đầu vào được làm khô và tồn trữ đúng cách, giá trị của gạo xuất khẩu có thể tăng thêm 30 USD/tấn. Tính ra, tổng mức tăng có thể lên tới 200 triệu USD. Số tiền này đủ cho ĐBSCL trang bị thêm 3.000 hệ thống sấy lúa công nghiệp, công suất 300.000 tấn/ngày, đủ năng lực làm khô lúa cho cả ĐBSCL trong các vụ lúa trong năm. Do thiếu hệ thống sấy, nên tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thế giới còn thua gạo Thái Lan”.

Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho rằng: ĐBSCL cần hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với sự xung phong của doanh nghiệp nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.