Xứng danh “từ mẫu”

24/02/2012 09:35 GMT+7

Mỗi năm, Khoa Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Nhân dân 115 thông tim cho khoảng 1.000 ca nhồi máu cơ tim, tai biến tim mạch, trong đó có hơn 200 ca thuộc loại rất nặng, tưởng chừng không cứu được.

Mỗi năm, Khoa Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Nhân dân 115 thông tim cho khoảng 1.000 ca nhồi máu cơ tim, tai biến tim mạch, trong đó có hơn 200 ca thuộc loại rất nặng, tưởng chừng không cứu được.

Không gian buổi lễ trao tặng giải thưởng KOVA lần thứ 9 dành cho các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học ứng dụng mang lại ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng xã hội…, diễn ra tại tỉnh Đồng Nai mới đây, thật long trọng. Trong gần 100 tấm gương tiêu biểu toàn quốc được vinh danh, tập thể thầy thuốc Khoa Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) đã được xướng tên.

Tay nghề ngày càng cao

Tháng 6-2011, trong một chuyến công tác từ Campuchia về Việt Nam, ông Kuar Hock Chieng (quốc tịch Singapore, giám đốc quốc tế cho một tập đoàn về lĩnh vực sơn tại Việt Nam) bị nhồi máu cơ tim và được đưa đến Bệnh viện 115 trong tình trạng huyết áp tụt, đau thắt ngực.

 
Bác sĩ ở Khoa Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Nhân dân 115 thăm khám cho bệnh nhân

Sau khi khám, các bác sĩ cho biết phải can thiệp thông tim ngay. Phần vì xứ lạ, phần vì lo ngại tay nghề của bác sĩ Việt Nam nên lúc đầu bệnh nhân đề nghị sơ cứu để về Singapore chữa trị. Tuy nhiên, các bác sĩ đã phân tích cặn kẽ cho ông rằng dù Singapore có trình độ y học cao nhưng thời gian không còn kịp nữa vì lúc đó bệnh đã qua “giờ vàng”, vả lại, khả năng xử trí loại bệnh này đối với các bác sĩ Việt Nam là trong tầm tay.

Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, kỹ thuật can thiệp tim mạch được bệnh viện triển khai đến nay chỉ mới 5 năm. Mỗi năm, Khoa Tim mạch can thiệp thực hiện thông tim cho khoảng 1.000 trường hợp nhồi máu cơ tim, tai biến tim mạch, trong đó có hơn 200 ca thuộc loại rất nặng, bị ngưng tim, chết lâm sàng, tưởng chừng không cứu được.

Sau giây phút khẩn cấp gọi điện về Singapore báo tin cho người thân, ông Chieng đã đồng ý để bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 phẫu thuật, mặc dù vẫn chưa an tâm lắm. Song, kết quả phẫu thuật đã ngoài sự mong đợi của ông. Trong vòng 30 phút, ê kíp phẫu thuật gồm 6 y, bác sĩ đã thông tim động mạch vành, xử lý cục huyết khối nhiều nơi, đặt stent nong đoạn hẹp mạch máu và chỉ một tuần sau, ông đã xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh. Ông Chieng tỏ ra bất ngờ khi chi phí phẫu thuật thông tim ở Việt Nam thấp hơn 5-10 lần so với tại quê hương ông. “Đúng là mình có suy nghĩ sai rồi, trình độ tay nghề của các bác sĩ Việt Nam chẳng thua kém nơi nào đâu. Lòng tin của tôi đã phải sửa lại từ dạo đó”- ông Chieng nhìn nhận.

Làm đúng lương tâm

Có một thực tế là cho dù nền y học nước ta ngày càng phát triển và càng có nhiều chuyên gia được giới y khoa thế giới biết đến, nhiều kỹ thuật y khoa hiện đại được cập nhật, ứng dụng hay như khả năng phẫu thuật, can thiệp được những ca khó, phức tạp, song đâu đó trong suy nghĩ của bệnh nhân, đặc biệt là người nước ngoài vẫn còn những hoài nghi nhất định.

Nói như bác sĩ trẻ Phạm Đức Đạt, phụ trách Khoa Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Nhân dân 115, thì bệnh nhân có quyền nghi ngại tay nghề của bác sĩ vì không ai dại dột đánh cược với mạng sống của mình. Nhưng không vì thế mà bác sĩ bất chấp hoặc tự ái nghề nghiệp, không chữa trị. Họ phải giải tỏa tâm lý bất an cho bệnh nhân bằng năng lực thực có bằng chính lương tâm trách nhiệm của mình. “Họ không tin tay nghề cũng khiến mình khó chịu lắm nhưng quan trọng là chúng ta phải chứng minh điều họ nghĩ là sai. Hơn nữa, mình phải làm đúng trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc cứu người trong lúc nguy cấp”- bác sĩ Đạt chia sẻ.

Hiện việc tiếp nhận điều trị, can thiệp cho bệnh nhân là người nước ngoài, doanh nhân đang sinh sống, làm việc ở nước ta không còn là chuyện hiếm gặp.

PGS-TS Nguyễn Thị Hòe, Giám đốc Quỹ Giải thưởng KOVA, nói rằng tập thể y, bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân 115 rất xứng đáng với danh hiệu “lương y như từ mẫu”. Ngoài 9 đề tài khoa học có ý nghĩa thiết thực cho ngành y, cho cộng đồng xã hội, họ còn là những tấm gương tiêu biểu làm việc hết mình với thái độ, tinh thần vì người bệnh, được nhiều bệnh nhân khen ngợi.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.