Thái Nguyên: Huyền bí Linh Sơn động

24/12/2004 15:39 GMT+7

Thắng cảnh Linh Sơn còn có tên Linh Sơn động. Động Linh Sơn thuộc xã Linh Nham, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Động nằm trong núi Hột, ngọn núi đá vôi đứng tách hẳn các bản làng, khu dân cư của huyện Đồng Hỷ.

Linh Sơn động có lòng hang rất rộng, có thể chứa được cả ngàn người, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên trong lành. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, động đã là nơi đóng quân, để kho tàng của một số cơ quan đơn vị bộ đội của tỉnh, liên khu phục vụ kháng chiến.

Động gồm hai hang đá tự nhiên. Hang Thiên rộng hơn 360 m2, nền hang bằng phẳng và có các bậc lên như bậc tam cấp, tại đây có các bệ thờ Phật bằng đá. Động có nhiều cảnh quan tự nhiên kỳ thú do nhũ đá tạo thành, như những chùm san hô, hình voi chầu, hổ phục, kỳ lân, sư tử… Cùng nhiều cảnh đẹp mê hồn như động Thuỷ Tiên, buồng Tiên nữ và đặc biệt là đôi rồng vờn mây uốn lượn trong một thế giới huyền ảo của nhũ đá thiên nhiên. Cuối hang Thiên, về phía tây có đường đi lên đỉnh núi Hột và có đường thông xuống hang Địa. Hang Địa có diện tích hơn 480 m2, sâu và thấp hơn hang Thiên chừng 15 mét. Nền hang khá phẳng, rộng rãi, thấp dần, tạo thành những chiếu nghỉ rộng lớn. Nơi đây không gian tĩnh tại, thiên nhiên huyền ảo với những hình tượng đẹp được cấu tạo do nhũ đá như hình bút tháp, mẹ bồng con... Xưa kia, nhân dân địa phương đã từng dùng động làm chỗ thờ Phật. Trong động còn tượng phật Thích Ca bằng đồng, một số tượng phủ sơn son thiếp vàng, tượng đá tự nhiên trên các bệ bằng đá.

Tháng 10/1995, nhân dân địa phương đã phát hiện thấy trên vách đá trước cửa động có tấm bia cổ ghi dòng chữ “Trùng tu Linh Sơn động” bằng chữ Hán. Bia tuy đã bị vỡ một phần, nhưng nét chữ và hoa văn trên đó còn nhìn khá rõ. Vào khoảng giữa năm 1996, Cục Bảo tồn Bảo tàng cử các nhà Khảo cổ học, Hán nôm đến nghiên cứu, khảo sát, do bia mờ một số chữ nên chỉ dịch được nội dung chính ghi việc đóng góp, công đức tu sửa chùa trong động Linh Sơn. Và dựa trên phong cách nghệ thuật, cách trang trí diềm bia, hoa cúc dây liên hoàn, các nhà chuyên môn cho rằng bia có niên đại vào cuối thời nhà Lê (năm Ất Mùi).

Hiện nay, đường vào động đã được tôn tạo, nâng cấp, bia cổ được làm mái che bảo vệ… Tuy thế, khi tới nơi đây, người ta vẫn cảm nhận được nét hoang sơ, huyền bí của Linh Sơn. Đặc biệt, dòng sông Linh Nham và sông Cầu hàng ngày cần cù, mãi miết chảy qua nơi đây đã tạo nên một khung cảnh sơn thuỷ hữu tình cho mảnh đất này.

(Theo Báo QÐND)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.