Bí quyết của những sinh viên giỏi

05/08/2012 09:28 GMT+7

Tôi đã rất lo lắng. Vở ghi chép trống trơn, mà trí óc tôi cũng vậy. Sách giáo khoa cũng không mấy khi được dùng tới. Trong khi đó, chỉ còn mấy tuần nữa là tới kì thi. Trước đây tôi chưa bao giờ phải lo lắng như vậy.

Đó là chuyện xảy ra sáu năm trước trong lớp Phương Pháp Nghiên Cứu Kinh Doanh. Không giống bất kì môn học nào trước đó, thầy giáo của chúng tôi không dùng sách giáo khoa để giảng bài. Lớp chúng tôi được chia thành nhiều nhóm nhỏ; và thầy giao cho mỗi nhóm một dự án nhỏ để tự nghiên cứu. Mỗi tuần một lần, thầy gặp sinh viên để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn thêm. Chúng tôi lo lắng hỏi thầy việc ôn tập và những chương cần học cho kì thi, thầy chỉ bảo: “Việc của tôi không phải là dạy các em chuẩn bị cho bài kiểm tra, mà việc của các em cũng không phải là học chỉ để đi thi.”

Kết quả thi cuối kì không tốt, nhưng ngẫm lại tôi thấy hài lòng vì mình vẫn còn nhớ những gì đã học được trong môn học đó và sử dụng nó trong công việc hiện tại; trong khi đó, kiến thức từ những môn học khác tôi đã quên từ lâu.

Cũng từ đây tôi ý thức được học thực sự là gì.

Với ý tưởng từ câu chuyện của mình, tôi phỏng vấn bốn sinh viên xuất sắc nhận học bổng của Đại học quốc tế RMIT Việt Nam để tìm hiểu các em suy nghĩ như thế nào về việc học, và điều gì đã tạo nên thành công của các em.

Thói quen học tập tốt mang lại nhiều thứ

 

Xây dựng phương pháp học cùng RMIT

Learning Masters là chuyên mục xuất hiện trên Vietweek, tuần báo tiếng Anh của Thanh Niên, vào đầu tháng. Chuyên mục này mang đến những kiến thức hữu ích về phương pháp học tập.

Chuyên mục này do các chuyên gia thuộc phòng Kỹ năng Học Thuật, Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, phụ trách

Độc giả có thể đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến theo địa chỉ email: learningmatters@thanhniennews.com

Quá trình học tạo cho người học những thói quen và kĩ năng hữu ích mà họ có thể áp dụng trong tất cả mọi việc, bất kể trong học tập, công việc hay cuộc sống hàng ngày. Đó là lợi ích thực sự của việc học mà nếu chỉ học vì điểm thì người học sẽ không bao giờ nhận thấy được.

Trần Huyền Hải, một sinh viên xuất sắc của Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, chia sẻ: “Mình không học vì điểm mà vì mong muốn tìm hiểu kiến thức mới. Những điều mới mẻ đó không những thú vị mà mình còn tin chắc rằng nó sẽ có ích vào một lúc nào đó trong tương lai. Có lẽ chính điều đó là giúp mình học tốt và kết quả là những điểm số cao.”

Thành công trong học tập của Hải có phần đóng góp quan trọng của các kĩ năng học tập.

Hải có thói quen đặt câu hỏi cho những gì học được, đào sâu suy nghĩ tìm ra cái mới, chủ động tìm phương pháp học phù hợp và thường xuyên mang những kinh nghiệm phong phú mà em có được vào việc học của mình. Chính điều đó khiến em có tư duy rất nhạy bén và học hỏi rất nhanh. Vì thế, em không dễ dàng bỏ cuộc khi gặp một vấn đề khó trên lớp hay trong phòng thi. Nói rộng ra, những thói quen và kĩ năng đã giúp Hải thành công trong học đường sẽ đi cùng em, giúp em tạo dựng thành công trong công việc và cuộc sống tương lai.

Cần làm gì để học tốt

Đầu tiên, muốn học tốt, bạn phải tin rằng nỗ lực khổ luyện, chứ không phải may mắn, sẽ mang lại thành công.

Khi nhìn vào thành công của ai đó trên bất cứ lĩnh vực nào, từ âm nhạc, văn học tới chơi games, ta đều thấy rằng những người đó đã phải dành rất nhiều thời gian làm việc, luyện tập trong hàng trăm, hàng nghìn giờ. Học tập cũng vậy. Một sinh viên giỏi là người đã dành nhiều thời gian hơn rất nhiều so với người khác để học hỏi.

“Mình thường dành thời gian nghỉ giữa các học kì để đọc sách giáo khoa và làm bài tập, chuẩn bị sẵn sàng cho kì mới,” Đặng Vũ Hà chia sẻ.

“Nếu còn một bài tập, một chương sách chưa giải quyết xong hay một câu hỏi mà mình chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng, mình sẽ chưa đi ngủ. Mình suy nghĩ về những điều đã học bất cứ khi nào rảnh và thảo luận với bạn bè.”

Những sinh viên xuất sắc này không bao giờ trông chờ vào may mắn, mà tự tạo ra may mắn cho chính mình.

Hải cho rằng may mắn chính là những thầy cô giáo đã giành thời gian nhiệt tình giải đáp thắc mắc sau mỗi giờ học cho đến khi em có thể hiểu thấu đáo vấn đề.

Còn đối với Nguyễn Thị Bảo Khanh, em thấy mình may mắn khi được cha và những đồng nghiệp tại nơi em thực tập, những người có hiểu biết sâu rộng về kinh tế, giúp đỡ trong học tập. Họ dành thời gian thảo luận với em về những vấn đề liên quan đến kinh tế Việt Nam, tài chính, ngân hàng, các chính sách và sự kiện. Họ cũng giúp em hiểu những mô hình kinh tế học rắc rối và giới thiệu sách hay cho em.

Ai cũng có thể có được những ‘may mắn’ đó, miễn là người đó chủ động tìm kiếm. Nếu một người không chịu bỏ thời gian công sức, không chịu tìm kiếm nguồn học liệu mà chỉ bận bịu với phim ảnh và Facebook, thì người đó không thể đổ lỗi cho may mắn mỗi khi thất bại.

Điều thứ hai quyết định thành công trong học tập là kĩ năng học hiệu quả. 

Các kĩ năng này là đặt câu hỏi, thảo luận, tận dụng các nguồn học liệu, tạo mối liên hệ, phân tích và đánh giá, phê bình thông tin và kiến thức.

Trang bị những kĩ năng này là quyền lợi của mỗi sinh viên, không phải là nghĩa vụ.

Những sinh viên giỏi đã luôn tin rằng họ có quyền được học nhiều hơn những gì được dạy trên lớp, quyền được nghĩ khác với số đông, quyền được hỏi và thách thức những tri thức hiện tại, thậm chí là khởi tạo những tri thức mới.

“Hãy giữ một cái đầu phê phán và biết đặt câu hỏi,” Đoàn Tuấn Vũ tổng hợp từ kinh nghiệm học của chính mình và bạn bè.

Một sinh viên bổ sung: “Mình không hoàn toàn tin tất cả những gì mà thầy cô nói. Vì thế mình thường xuyên đặt nhiều câu hỏi bác lại.”

“Có những lúc mình đúng và mình rất vui khi có thể chỉ ra chỗ nào thầy cô đã bỏ qua hoặc khi có điều gì đó nhầm lẫn. Cũng có lúc mình sai, điều này rất thú vị vì nó giúp mình biết kiến thức của mình hổng ở chỗ nào và “vá” lại chỗ đó thật nhanh trước khi nó trở nên lớn hơn.”

Việc liên tưởng và liên hệ là rất quan trọng khi học.

Vũ Hà chia sẻ: “Mình luôn cố gắng liên hệ các chủ đề với nhau, hoặc là liên hệ các vấn đề nêu ra trên lớp với các tình huống thực tế.”

Thông qua việc liên tưởng và liên hệ, tâm trí của bạn được mở mang và việc học sẽ không chỉ giới hạn trong vài trang đề thi không xúc cảm.

Vậy thì, nếu như bạn thường chỉ ngồi im lặng và nghe người khác nói chuyện, hãy bắt đầu đặt các câu hỏi. Chỉ đơn giản bằng cách đặt câu hỏi lúc xem TV hay nói chuyện với bạn bè, bạn đã bắt đầu quá trình trở thành một người học hiệu quả rồi đó.

Truong Thuy Van
(Phòng Kỹ năng Học thuật, Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam)

>> Xem phiên bản tiếng Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.