Những vở diễn để đời – Kỳ 9: Dương Vân Nga và bản dựng đầu tiên

20/05/2014 03:00 GMT+7

Năm 1977, đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga dựng vở Dương Vân Nga (tác giả Hoa Phượng - Chi Lăng - Hoàng Việt - Thể Hà Vân, phỏng theo kịch bản chèo của Trúc Đường; đạo diễn Chi Lăng) đã tạo nên không khí sôi sục chưa từng thấy của khán giả miền Nam. Và chỉ vài tháng sau đó (năm 1978) hai vợ chồng NSƯT Thanh Nga bị bắn chết, lại dấy lên một không khí khác còn mạnh mẽ hơn.

>> Những vở diễn để đời - Kỳ 8: Bài ca giữ nước
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 7: Nỏ thần
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 6: Tâm sự Ngọc Hân

Những vở diễn để đời – Kỳ 9: Dương Vân Nga và bản dựng đầu tiên
Thanh Nga - Dương Vân Nga  và sau đó là Ngọc Giàu - Dương Vân Nga - Ảnh: T.L

Sau vở Tiếng trống Mê Linh, khán giả bừng bừng đi xem cải lương lịch sử, thế là đoàn Thanh Minh Thanh Nga dựng luôn vở Dương Vân Nga. Câu chuyện trao long bào cho một triều đại khác đã làm tốn biết bao giấy mực của những nhà viết sử nhưng trong vở diễn này đã hiện lên một cách tất yếu như một lời giải oan cho Thái hậu và Lê Hoàn, tất yếu như lòng dân chấp nhận một minh chủ để bảo vệ đất nước chứ không phải chỉ bảo vệ chiếc ngai vàng riêng tư.

Dẹp xong loạn 12 sứ quân và thống nhất đất nước sau 1.000 năm Bắc thuộc, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là nhà nước mở đầu cho nền độc lập của nước ta để sau này có những nhà nước và triều đại hùng mạnh Lý, Trần, Lê… Chỉ tiếc là ông qua đời quá sớm với cái chết oan khuất, để lại vợ và con trong rối ren chính sự (năm 979). Đinh Toàn lên ngôi lúc 6 tuổi, Thái hậu Dương Vân Nga nắm quyền nhiếp chính. Chẳng bao lâu, năm 980, bà trao long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Ông lên ngôi, lấy hiệu là Lê Đại Hành, lập nên nhà Tiền Lê, đánh tan giặc Tống xâm lược.

Thanh Nga - Dương Vân Nga và 3 cô đào tiếp nối

Thật ra, kịch bản đã đưa ra một góc nhìn khác, để tôn vinh Dương Vân Nga và Lê Hoàn. Góc nhìn đó là góc nhìn đại cuộc, lấy an nguy của sơn hà làm trọng, không màng tới quyền lợi riêng tư của bản thân và dòng họ. Mà suy cho cùng, thời điểm ấy có ai đủ tài trí và sức mạnh để chống đỡ non sông hơn Lê Hoàn. Thập đạo tướng quân qua diễn xuất của NSƯT Thanh Sang rõ ràng chinh phục được khán giả. Ông nắm 10 đạo quân, ngày đêm miệt mài ở quan ải, vất vả biết bao, vậy mà khi kinh thành biến động thì ông phải vội vã chạy về để cùng Thái hậu bàn việc nước. Một người trụ cột như thế thử hỏi làm sao Dương Vân Nga không tin cậy. Thậm chí, còn là một bờ vai cho bà tựa vào để bớt mệt mỏi. Một phụ nữ quá trẻ, chồng chết, con bị bắt cóc, giặc Tống gửi thư uy hiếp, quan lại trong triều người chủ chiến người chủ hòa, người dòm ngó ngai vàng… quả là chuyện nhà chuyện nước rối ren quá sức. Cho nên, tựa vào Lê Hoàn là lẽ tất nhiên của tâm lý, của hiện thực. Và tựa vào một cách tạm thời để qua cơn nguy vong hay là tựa vào mãi mãi như nép bóng tùng quân, đã là sự chọn lựa rất gần, chỉ cần bước qua một sợi tóc. Trong kịch bản không thể hiện tình yêu của hai người, chỉ thấy giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn có một mối đồng cảm rất lớn, là quyết không đầu hàng giặc Tống. Lý tưởng cao đẹp vì dân vì nước đã đưa hai người đến gần nhau, sau này không ngạc nhiên khi Dương Vân Nga trở thành vợ của vua Lê Đại Hành.

Trong vở, Dương Vân Nga cất những lời dõng dạc không kém gì đường gươm của Lê Hoàn chém thẳng vào quân Tống: Đất này có chủ, nước này có vua. Thần dân có xã tắc để khuôn phò. Xã tắc có thần dân tông miếu để hợp thành khí thiêng sông núi. Từ lâu rồi Việt - Tống biên thùy đà chia cõi, cụm rừng, dãy núi, con suối, dòng sông đứng làm ranh mảnh đất của vua Hùng, còn vọng mãi tiếng trống đồng dựng nước. Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược!  Những lớp diễn hào hùng chen lẫn xót xa đau đớn vì nhớ thương ấu chúa bị bắt đi, đều được NSƯT Thanh Nga diễn thật tinh tế.

Riêng vở cải lương đã thành một “tượng đài” khác trong lòng khán giả. Bởi vì sau cái chết của NSƯT Thanh Nga thì xuất hiện thêm nhiều Dương Vân Nga trên sàn diễn. Đoàn Thanh Minh đôn nghệ sĩ Kim Hương lên đóng thay vai. Rồi đến Bạch Tuyết, Ngọc Giàu lại đảm nhận vai này, đi diễn khắp nơi. Có đến mấy ê kíp như thế, tạo thành một làn sóng sôi sục không thể tả. Mỗi nghệ sĩ có nét diễn đẹp theo kiểu riêng mình, nhưng chắc chắn một điều là khán giả phải khóc. Cải lương một thời đồng hành với xã hội và đồng cảm với khán giả như thế đó.

Hoàng Kim – Vũ Anh 

>> Những vở diễn để đời - Kỳ 8: Bài ca giữ nước
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 7: Nỏ thần
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 6: Tâm sự Ngọc Hân
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 5: Lam Sơn tụ nghĩa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 4: 'Bão táp Nguyên Phong
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
>> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.