‘Trung Quốc từ bỏ đường lối trỗi dậy hòa bình, chuyển sang rút dao dọa nạt’

13/05/2014 11:20 GMT+7

(TNO) Thông qua động thái kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc cho thấy nước này đang ngày càng công khai từ bỏ đường lối ngoại giao “trỗi dậy hòa bình” để chuyển sang đường lối “diều hâu”, dọa nạt các nước láng giềng, theo nhiều chuyên gia phân tích quốc tế.


Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao phun nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam ngày 3.5 vừa qua - Ảnh tư liệu

“Trước năm 2008, Bắc Kinh vẫn duy trì một thái độ hòa nhã với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Thông qua thể hiện hình ảnh một Trung Quốc hùng mạnh có thể xoa dịu sự dè chừng của các nước nhỏ hơn bằng sự chín chắn, Bắc Kinh đã đánh bóng được khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình” của mình nhằm trấn an thế giới rằng không việc gì phải sợ Trung Quốc”,  Tạp chí The Diplomat dẫn phân tích của Giáo sư Sreeram Chaulia, hiệu trưởng Trường Ngoại giao (Ấn Độ).

“Tuy nhiên, đường lối ngoại giao không đối đầu trong khu vực này đã bắt đầu phai nhạt kể từ sau năm 2008, dọn đường cho một Trung Quốc diều hâu và hiếu chiến hơn, với những tuyên bố hung hăng, tiến hành các cuộc chiến kinh tế và thích thú với việc trưng ra các vụ đụng độ hải quân”, chuyên gia này cho hay.

Ông còn nói thêm rằng đường lối mới của lãnh đạo Trung Quốc đang cho thấy họ nghĩ rằng “đã đến lúc Trung Quốc thể hiện sức mạnh cho thế giới và cho các nước nhỏ hơn phải quy phục”.

“Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thời còn làm ngoại trưởng hồi năm 2010 từng có một câu phát biểu khét tiếng dành cho những người đồng cấp đến từ Đông Nam Á: “Trung Quốc là một nước lớn, còn các quốc gia khác là nước nhỏ và đó là chân lý”. Câu này thể hiện tâm tư của Bắc Kinh: không cần tử tế và cứ thế mà rút dao ra”, theo Giáo sư Chaulia.

Vị giáo sư Ấn Độ cũng bình luận Trung Quốc  hiện đang cố sử dụng chiến thuật mà nước này từng áp dụng để chiếm Bãi cạn Scarborough của Philippines cho vùng biển Việt Nam và cả vùng biển Nhật Bản.

Trung Quốc đã liên tục điều động tàu dân sự với sự hộ tống của tàu quân sự vào Bãi cạn Scarborough ở biển Đông, rồi ở lì tại khu vực này bất chấp sự phản đối của Philippines và sự thành công của chiến thuật này khiến Bắc Kinh càng mạnh dạn hơn, theo ông Chaulia.

Ông David Lai, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ, cũng cho rằng đối với một quốc gia dành 30 năm trấn an các nước láng giềng rằng họ chỉ tìm kiếm “một sự trỗi dậy hòa bình” cả về kinh tế lẫn quân sự, thì hành động ngang nhiên đặt giàn khoan ngay trong vùng biển Việt Nam rồi sau đó gửi khoảng 80 tàu hải quân và tuần tra đến bao vây làm phát sinh nhiều câu hỏi lớn.

“Đang có thay đổi cốt lõi gì đó trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc”, ông Lai nói với tạp chí Foreign Policy (Mỹ).

“Trung Quốc đang chuyển từ đường lối “ít gây chú ý, tránh đụng độ” sang một đường lối hung hăng hơn”, chuyên gia này nhận định.

Hoàng Uy

>> Ngoại trưởng Mỹ lên án hành động ‘hung hăng’ của Trung Quốc ở biển Đông
>> Máy bay do thám Mỹ sẽ theo dõi động thái quân sự Trung Quốc trên biển Đông
>> Mỹ đã làm gì để ngăn sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông?
>> Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi chấm dứt hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông
>> Tướng Trung Quốc thăm Mỹ trong bối cảnh biển Đông căng thẳng  

 

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.