"Với tội phạm kinh tế, không nên áp dụng tử hình"

24/12/2008 00:45 GMT+7

Hôm qua 23.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII, đã khai mạc phiên họp thứ 15, xem xét và cho ý kiến một số nội dung của Dự án Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Tại kỳ họp thứ tư QH khóa XII, có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong một số lĩnh vực như thuế, môi trường. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội, bà Lê Thị Thu Ba cho biết: “Vấn đề này liên quan đến nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam là chỉ cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự, vì thế cần tiếp tục nghiên cứu cả về lý luận, thực tiễn”.

Nhưng Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội  Trần Thế Vượng lại tỏ ra không mấy hài lòng với cách lý giải của Thường trực UBTP: “Việc quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trước đây cũng đã được đặt ra nhiều lần, mỗi khi sửa chúng ta lại nói là nghiên cứu, rồi cũng chẳng ai nghiên cứu cả mà cứ để đó, vấn đề này đã được đặt ra từ thời Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc. Lần này lại nghiên cứu. Không khéo, 100 năm sau rồi lại vẫn tiếp tục nghiên cứu”.

Liên quan đến trường hợp vi phạm của Vedan, ông Vượng cho biết, thực tế, Vedan đã bị xử lý vi phạm hành chính và nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự. Nhưng đối với Vedan thì lại vướng, không xử lý được, vì khi ta xử lý vi phạm hành chính là xử lý công ty, không quy trách nhiệm cho người quản lý. Lẽ ra là phải xử lý người quản lý để lần sau anh ta mắc thì có thể xử lý hình sự.

Như vậy với các trường hợp vi phạm như Vedan, nếu làm chặt thì vẫn có thể xử lý hình sự người quản lý được. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (UBPL) Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Nhiều trường hợp không phải do pháp luật không quy định mà là do chúng ta không làm, do sự thiếu trách nhiệm, không mẫn cán của cán bộ”.

Có thể phi hình sự hóa đối với tội đánh bạc?

Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận cho biết, ông cảm thấy rất xót xa và “đau” mỗi khi nghe thấy thông tin công an bắt được một nhóm học sinh cá cược bóng đá đăng trên các báo, đài. Trong khi đó, Nhà nước vẫn tổ chức xổ số. Từ thực tế này, ông Thuận đặt vấn đề, nên chăng cho phép cá cược, nhưng ai tổ chức cá cược thì phải đăng ký đàng hoàng, nếu tổ chức cá cược mà không đăng ký là vi phạm. Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng đồng tình: “Nên chăng có thể phi hình sự hóa với tội đánh bạc”.

Thường trực UBTP không đồng tình với đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ do Cơ quan chủ trì soạn thảo. Thường trực UBTP và một số ủy viên UBTVQH tán đồng việc tách tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành hai tội danh (tội phạm mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy) và bỏ hình phạt tử hình đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp tàng trữ, vận chuyển trái phép để mua bán chất ma túy.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên góp ý: “Với tội phạm kinh tế, không nên áp dụng tử hình, vấn đề quan trọng nhất là khắc phục được hậu quả kinh tế do anh gây ra”. Phó chủ tịch Kiên đề nghị nên tăng mức xử phạt bằng tiền.
Thường trực UBTP và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, tại thời điểm hiện nay thì việc nâng mức định lượng tối thiểu về trị giá tiền, tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự lên 4 lần trong nhóm 12/23 điều luật quy định là phù hợp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước lại có ý kiến khác, đề nghị hạ mức định lượng tối thiểu về giá trị tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu. Chủ tịch Ksor Phước cho rằng “nếu để mức định lượng tối thiểu 100 triệu đồng mới truy tố thì còn lâu mới hạn chế được buôn lậu”.

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về một số nội dung của dự án Luật Lý lịch
tư pháp.

“Với tội phạm kinh tế, không nên áp dụng tử hình, vấn đề quan trọng nhất là khắc phục được hậu quả kinh tế do anh gây ra”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

“Nếu để mức định lượng tối thiểu 100 triệu đồng mới truy tố thì còn lâu mới hạn chế được buôn lậu”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.