Rủi ro dâng cao khi chi tiêu quân sự toàn cầu tăng nhanh

24/04/2024 06:48 GMT+7

Báo cáo mới đây về việc chi tiêu quân sự tăng nhanh trên thế giới cho thấy sự bất ổn đáng lo ngại của môi trường an ninh toàn cầu.

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) ngày 22.4 công bố báo cáo về chi tiêu quốc phòng của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mức tăng kỷ lục

Theo đó, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đạt 2.443 tỉ USD vào năm 2023, tăng 6,8% so với năm 2022. Đây là mức tăng hằng năm mạnh nhất kể từ năm 2009. 10 nước chi tiêu lớn nhất trong năm 2023 - dẫn đầu lần lượt là Mỹ, Trung Quốc và Nga - đều tăng chi tiêu quân sự.

Chi tiêu quân sự khắp thế giới cao kỷ lục do ‘suy thoái hòa bình, an ninh’

Trong đó, Mỹ vẫn là nước chi tiêu quân sự nhiều nhất với 916 tỉ USD (tăng 2,3% so với năm 2022), kế đến là Trung Quốc với 296 tỉ USD (tăng 6%), Nga với 109 tỉ USD (tăng 24%). Với mức chi tiêu quân sự 916 tỉ USD, Mỹ chiếm 37% tổng ngân sách quân sự toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của Trung Quốc là 12% và Nga là 4,5%. Tính theo liên minh quân sự thì NATO chiếm đến 55% ngân sách quân sự toàn cầu. Không riêng gì Mỹ, hầu hết các thành viên NATO đều tăng chi tiêu quân sự đáng kể trong năm qua.

Ở quy mô rộng hơn, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, chi tiêu quân sự đã tăng lên ở cả 5 khu vực (châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương, châu Mỹ) và mức tăng đặc biệt lớn được ghi nhận ở châu Âu, châu Á và châu Đại Dương, Trung Đông.

Rủi ro dâng cao khi chi tiêu quân sự toàn cầu tăng nhanh- Ảnh 1.

TỔNG HỢP

Một nhà nghiên cứu của SIPRI đánh giá: "Sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu quân sự là một phản ứng trực tiếp đối với sự suy giảm toàn cầu về hòa bình và an ninh. Các bên đang ưu tiên sức mạnh quân sự nhưng họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy hành động - phản ứng trong bối cảnh địa chính trị và an ninh ngày càng biến động".

Cụ thể, ở vùng Đông Á, Trung Quốc có năm thứ 29 liên tục tăng ngân sách quân sự, chiếm một nửa tổng chi tiêu quân sự trên toàn khu vực châu Á và châu Đại Dương. Điều đó khiến một số bên ở khu vực Đông Á cũng tăng cường chi tiêu quân sự. Năm 2023, Nhật Bản và Đài Loan cùng tăng chi tiêu quân sự 11% so với năm 2022, lần lượt đạt mức 50,2 tỉ USD và 16,6 tỉ USD. Cũng tại châu Á và châu Đại Dương, Ấn Độ xếp thứ 4 toàn cầu với mức 83,6 tỉ USD (tăng 4,2%).

Tại Trung Đông, mức chi tiêu quân sự toàn khu vực tăng 9% lên mức 200 tỉ USD vào năm 2023. Trong đó, chi tiêu cao nhất là Ả Rập Xê Út đạt 75,6 tỉ USD (tăng 4,3%, xếp thứ 5 toàn cầu), kế đến là Israel chi tiêu 27,5 tỉ USD (tăng 24%). Đang trong tình trạng chiến tranh với Nga, Ukraine có mức chi tiêu quân sự năm 2023 là 64,8 tỉ USD (tăng 51%). Còn tại Trung Mỹ và vùng Caribe thì chi tiêu quân sự tăng cao vì các hoạt động quân sự chống lại tội phạm có tổ chức.

Môi trường an ninh ngày càng xấu

Đánh giá về báo cáo trên khi trả lời Thanh Niên hôm qua (23.4), TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) cho rằng: "Việc tăng chi tiêu quốc phòng phản ánh môi trường an ninh ngày càng xấu trên toàn thế giới".

"Ở Đông Á, chi tiêu gia tăng phản ánh căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh, đối tác. Trung Quốc đang thúc đẩy sự gia tăng này khi không ngừng tăng cường ngân sách quốc phòng. Các nước láng giềng đang phản ứng trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc bằng cách tăng ngân sách quân sự", vị chuyên gia chỉ ra.

Rủi ro dâng cao khi chi tiêu quân sự toàn cầu tăng nhanh- Ảnh 2.

TỔNG HỢP

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá báo cáo của SIPRI cho thấy 3 điều.

Thứ nhất, Mỹ vẫn là nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới, nhưng nước đứng thứ 2 là Trung Quốc đang rút ngắn dần khoảng cách. Trong năm 2023, tỷ lệ tăng ngân sách quân sự của Mỹ so với năm trước chỉ 2,3% nhưng Trung Quốc tăng 6%. Vì thế, Washington đang thúc đẩy đồng minh và đối tác chia sẻ nhiều hơn về vấn đề an ninh. Có thể đó là lý do Nhật Bản, Đài Loan đều tăng 11%, các đồng minh của Mỹ trong NATO cũng tăng ngân sách quân sự. Cho nên, xu hướng tăng ngân sách quân sự đang diễn ra trên toàn thế giới chứ không chỉ một vài khu vực.

Thứ 2, kinh tế thế giới đang chuyển đổi từ thương mại tự do sang củng cố mạng lưới. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, tự do thương mại toàn cầu là động lực chính, hiệu quả chi phí sản xuất quan trọng hơn bên nào sản xuất. Nhưng tình hình đã thay đổi. Khi xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia, chẳng hạn như Nga với Ukraine, các nước phương Tây không thể nhập khẩu sản phẩm từ Nga. Ở Indo - Pacific, Mỹ lo ngại chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc, nên thúc đẩy tái cấu trúc và lựa chọn những đối tác khác.

Thứ 3, khả năng ngân sách quân sự sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, song hành cùng nhiều căng thẳng, xung đột. Nhìn qua chiến trường Ukraine thì có vẻ cuộc xung đột sẽ còn kéo dài.

Hầu hết giới quan sát đều nhận định chi tiêu quân sự thế giới sẽ còn tăng lên giữa bối cảnh bất ổn chưa có nhiều tín hiệu lạc quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.