Con nhện

22/06/2014 03:00 GMT+7

Tiếng còi tàu ngân lên khiến tai Thụy ù đi. Thụy hét lên, đấm liên hồi vào lưng gã xe ôm: “Dừng lại! Dừng lại...”. Gã xe ôm loạng choạng tay lái.

 
Minh họa: Tuấn Anh

- Đồ điên, muốn chết hả? Đoạn này ổ gà ổ trâu nhiều, chết bao nhiêu người rồi, cô biết không hả?

- Tôi… tôi… xin lỗi. Ông cho tôi đi tới đầu xóm Lụa thì dừng.

Tiếng còi tàu đã dứt, vậy mà vẫn cứ quánh lại trong tâm trí Thụy. Trước mắt Thụy là cánh đồng gió rít với những bóng sáng nhấp nhổm xa xa. Cái nhìn của Thụy nóng ran ở một vệt sáng rực như lửa cháy giữa nền trời đen kịt. Hình như tàu đang dừng ở đó. Cô sợ hãi, gục mặt vào vai gã xe ôm. Mùi mồ hôi len lét quyện mùi bụi khói của gã cũng không làm cái mũi nhạy cảm của Thụy bị tra tấn.

Gã phanh gấp, dừng ngay ở cây cầu dài bằng hai sải tay, Thụy mới biết mình đặt chân lên mảnh đất làng Lụa. Làng Lụa đã chìm vào giấc ngủ, lác đác vài tiếng chó sủa đoảng vang lên. Thụy cứ đứng trơ ra bất động trước một mùa nước nổi. Tiếng còi tàu đêm nay đánh thức ký ức như phủ gai, cứ đâm vào lòng Thụy nhưng nhức. Mẹ cũng từng trơ lì, bất động như cô lúc này, nhưng không phải trước con sông dềnh dàng nước. Mẹ chết trên đường ray, mặc cho những tiếng còi tàu gầm rú lên. Mẹ trừng trừng mắt như ném cuộc đời oán hận trên đường ray xe lửa. Mẹ không nghe tiếng Thụy gào khóc. Và bố cô, là người cầm lái chuyến ấy.

Tiếng còi tàu ám ảnh luôn gọi về những ký ức đau thương trong cô. Thụy không đi được tàu từ ngay sau vụ ấy, dù thuở bé đã theo bố với những chuyến đi dài dọc miền đất nước. Bố không còn là bố của riêng mẹ con Thụy nữa. Ông ôm vào lòng mình cuộc đời của người đàn bà khác, một đứa con khác. Mẹ phải chết. Nhất định phải chết trên đường ray. Nhất định phải chết trước một con tàu. Con tàu ấy nhất định phải do ông cầm lái. Mẹ mất không bao lâu thì Thụy cũng rời làng Lụa. Va li nặng trịch là con búp bê và kho ký ức về mẹ. Trước hôm mẹ mất, mẹ ôm Thụy vào lòng mà dỗ:

- Sau này dù bất cứ đi đâu, thì hãy mang con búp bê này theo mình, nghĩa là mẹ vẫn luôn bên con. Con nhớ chưa?

Thụy vuốt mái tóc búp bê, hôn nhẹ nhàng vào trán nó, trước lúc xếp gọn vào hành trang.

Lần trở về này Thụy cũng không đi tàu, dù ngửi thấy mùi xe khách là cô thốc tháo nôn mửa. Mười hai năm cho một chuyến đi dài. Thời gian như chỉ giúp lớp vỏ ngoài của Thụy lớn lên và xinh đẹp. Thụy nghĩ cuộc đời này mình chỉ sống có một khúc, cái khúc ấy đủ để Thụy bám trụ nhân gian tới tận giờ. Ấy là khoảng thời gian Thụy sống với mẹ. Đoạn đời sau đó chỉ là một giấc miên trường mộng mị. Đôi lần Thụy định chết, nhưng không thành. Không phải vì sự khát sống mãnh liệt hơn khi đứng giữa ranh giới mong manh với cái chết. Cô sống ngần ấy năm để chờ đợi ngày trở về này. Ý định trả thù đã được nung chín. Nhất định cô phải trả thù. Nhất định phải trả thù trên mảnh đất làng Lụa. Sự trả thù ấy nhất định phải do con tim và khối óc của Thụy điều khiển. Có trả thù thì Thụy mới tìm ra lối thoát. Sự trả thù thành công thì đoạn đời còn lại mới trở nên ý nghĩa.

Không ai nhận ra Thụy là con bé đen nhẻm, gầy nhẳng, loắt cha loắt choắt chạy khắp xóm ngày xưa. Thụy ngụy trang bằng một màu tóc khác, một gương mặt khác, một cánh mũi khác. Số tiền Thụy dành dụm được mười mấy năm, đủ cho một lần vào thẩm mỹ viện “lột xác” và mua khoảnh đất bé tẹo của ông Hinh - kế bên nhà cô ngày trước. Dân làng bàn tán về sự xuất hiện của một cô gái trẻ đẹp. Thụy trấn an mọi người bằng một câu chuyện do Thụy vẽ ra, rằng ngày xưa bố Thụy chết ở làng này, giờ về đây chỉ mong tìm được ngôi mộ, thắp cho ông một nén nhang. Bà Thao thường ghé qua nhà cô nhất, cho cô mấy bắp ngô, củ khoai, quả mít… Thụy mới nhận ra mười hai năm sao mà ngắn ngủi trên cái dáng còm cõi của bà Thao. Mấy đứa trẻ con lạ của làng Lụa thân thuộc thi thoảng cũng chơi đùa trước cổng nhà Thụy. Làng Lụa đổi thay nhiều quá. Những mái nhà lợp tranh đã thay bằng nhà tầng, nhà ngói đỏ. Con đường đất nâu mịn, gồ ghề thay bằng đường bê tông láng phẳng, nên lũ con nít không còn nơi để đào ô đất chơi ô ăn quan ngoài khoảnh đất trước cổng nhà Thụy. Và chỉ có ngôi nhà cũ của Thụy, là ít thay đổi nhất, để mỗi lần từ miếng đất của ông Hinh, Thụy ngó đầu sang, vẫn thấy tuổi thơ mình ở đó, và thấy làng Lụa vẫn ấm áp, bao dung. Sự ấm áp đôi lúc đi liền với cô đơn, đau đớn, khi trong ngôi nhà của Thụy ngày xưa kia, giờ đã có một hơi ấm khác…

Gió tháng mười hanh hao. Ngày đằng đẵng. Thụy ốm một ngày trời, cô cố gượng dậy kéo khe mành đón chút nắng ấm. Cứ ốm, Thụy lại thèm cháo lươn. Mẹ sợ lươn, nhìn thấy nó là nhờn nhợt sống lưng, mất ngủ mấy ngày liền. Nhưng Thụy ốm, bao giờ cũng có tô cháo lươn cay cay, thơm thơm mùi răm mẹ nấu. Cô đặt tay lên trán, vắt kiệt sức mình để lục tìm từng ngõ ngách của quá khứ. Thụy sợ lúc nào đó mỏi mệt, sẽ vô tình quên đi khúc sống đẹp đẽ kia, thì cô còn sống làm gì nữa. Cô nương náu vào ký ức để sống cơ mà? Nên giờ Thụy ép mình phải nhớ nằm lòng tất cả những gì thuộc về mẹ, từ những lần theo mẹ đi bắt ốc, mò cua. Ánh mắt cô mắc lại ở một con nhện quẩn quanh trong đám tơ rối của mình. Ngày bé Thụy hay đái dầm, mẹ thường bắt nhện trong nhà nướng lên cho Thụy ăn. Không biết là loài nhện nào, mà thơm và ngon lắm. Thụy nhìn ra khe sáng, thấy ánh mắt của ai đó đang nhìn Thụy không chớp. Thụy nhổm dậy, đẩy khe hở rộng thêm. Thằng nhóc ngăm đen, tóc xoăn, và gương mặt tròn bầu bĩnh, thi thoảng lại khịt khịt mũi. Thụy với nó nhìn nhau qua khe hở. Thụy cười, trìu mến nhìn thằng bé.

- O ốm à?

Thụy gật gật. Thằng nhóc chun miệng, đưa mắt nhìn xuống như để nghĩ ngợi gì đó.

- O đói chưa? O ăn kẹo dồi không? Bố cháu mua đấy, ngon lắm.

Thằng bé chìa ra hai cái kẹo dồi, dài bằng hai đốt tay.

- Bố nhóc thương nhóc quá nhỉ. Nhóc đã ăn cơm chưa?

- Cháu ăn rồi ạ. O không dậy nấu cơm à? Ơ! Bà Thao mang gì cho o ấy. Cháu về đây không mẹ mắng.

Thằng bé đặt hai cái kẹo

dồi ở cửa sổ, chần chừ mấy giây, lại móc trong túi đặt vào đó thêm một cái nữa rồi chạy đi. Bà Thao rón rén bước vào với tô cháo trứng.

- Sao bà biết cháu ốm mà nấu cháo?

- Ban nãy bà qua, nghe thấy ho khụ khụ. Mùa này gió độc, đêm ngủ phải chốt cửa kín vô. Mà nhà chỉ chắn có mấy tấm mành thế này, biểu răng không ốm. Cháu dậy ăn đi cho nóng.

Thời gian không chỉ làm cho bà Thao già đi, mà tâm còn tròn vạnh hơn. Thụy còn nhớ, ngày Thụy rời làng Lụa, bà dúi vào tay Thụy mấy chục ngàn đi đường uống nước. Không ai trong làng ngày thương Thụy bằng bà. Có lẽ cũng là một cơ duyên, khi lần trở về này, ngôi nhà bé tẹo của Thụy và nhà bà chỉ cách nhau một luống cải bẹ.

- À, thằng bé ban nãy, con nhà ai mà ngoan thế bà?

- Con nhà chú Đàm. Rõ khổ, ngoan thế mà suốt ngày mẹ nó rằn roi thôi.

Ánh mắt Thụy xoẹt qua chiếc kẹo dồi nằm im trên cửa sổ. Phải rồi! Ngày xưa ông cũng thường mua kẹo dồi cho Thụy sau mỗi chuyến tàu trở về. Thụy nhìn những chiếc kẹo dồi như kẻ thù. Nước mắt như đóng băng trong mắt Thụy. Thụy gắng trấn tĩnh, dò hỏi câu chuyện từ bà Thao.

- Nhà thằng bé ở đâu vậy bà?

- Ngay bên ni. Con ngoan, chồng hiền, vậy mà ả vợ ngoa ngoắt lắm.

- Nhà ngay đây, mà cháu chẳng thấy chú ấy bận nào suốt từ hôm tới đây.

- À, ông ấy bị què, nên cũng ít ra khỏi nhà?

Thụy nuốt nước bọt, thấy ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Nụ cười nở trong bụng Thụy. Sự trả thù của Thụy sẽ không dừng ở đó. Nhất định.

- Ngày xưa chú ấy đi bộ đội hả bà?

- Không phải. Chuyện cũng lâu rồi, bà cũng chả muốn khơi lại mần chi. Bố mẹ bắt chú ấy phải có con trai nối dõi, mà vợ cũ thì chỉ sinh hạ được cô con gái rồi thôi. Ông bà bên ấy sắp đặt cả. Chả hiểu răng lại vớ vô cái ngữ như ả. Mà con trai để mần chi cơ chớ, thằng con đầu có nên hồn chi mô. Vợ cũ của chú ấy tự tử ở đường ray. Ân hận nên chú ấy không đi lái tàu nữa. Chắc là không chịu nổi sự dằn vặt. Đợt đấy ngày mô chú cũng say, chả may ngã xuống cống, rứa là gãy mất một chân. Rõ tội. - bà Thao thở dài sõng sượt - Thôi, ăn đi cho lại sức, còn đi tìm mộ cho bố nữa.

Những lời bà Thao nói cứ rệu rạo bên tai Thụy. Nụ cười tan dần theo từng câu chữ. Cô bưng bát cháo trứng sao mà nặng nhọc. Sự hận thù đổ dồn sang ả. Lỗi tại ả mà gia đình Thụy tan tác. Chính ả là kẻ đã bấm nút cho cuộc đời Thụy trôi đi.

Mấy hôm sau, Thụy tìm hiểu được, thằng con trai cả của ả đang độ choai choai, tóc xanh tóc đỏ lổm nhổm, mụn trứng cá mọc dày cả mặt. Hắn làm hàn xì cho một xưởng cơ khí nhỏ trong làng. Cuộc đời là một trường học dạy Thụy làm diễn viên. Chẳng mấy chốc mà Thụy tiếp cận được đứa con của ả, chỉ kém Thụy sáu tuổi. Tối khuya nào hắn cũng cắm rễ ở nhà Thụy cho tới khi mẹ hắn lùng sục hắn bằng giọng chua như mẻ. Ả biết con mình mê Thụy, ả căm tức lắm nên lúc chửi thẳng con kiểu gì cũng phải xỏ xiên Thụy vài câu “Gái làng này thiếu đếch chi mà mi đi bám váy con gái già mắt xanh đấy hử?”. Ả càng chửi, cô càng hả dạ.

Sáng nay bước ra khỏi nhà, Thụy thấy người ấy chống nạng tập tễnh từng bước. Ông vịn vào cánh cổng nhà, thở dốc. Cánh cổng nhà mười mấy năm chỉ có màu sơn là đổi khác. Giàn hoa giấy trước cổng vẫn hồng phơn phớt, rậm thành một mái che. Đó là giàn hoa giấy ông trồng cho mẹ Thụy. Mẹ thích hoa giấy, ngày rằm ngày tết trên bàn thờ tổ tiên nhà Thụy bao giờ cũng có một đĩa hoa giấy. Mỗi lần ngó sang bên ấy, Thụy chỉ thêm nhớ mẹ.

Ông gầy đi, tóc đã chen nhiều sợi bạc. Ông nhìn Thụy, không nhận ra con gái mình. Thụy nhìn vào mắt ông, thấy loang loáng một khoảng ký ức. 

- Cháu tìm được mộ cho bố chưa? Thằng bé về, bảo cháu thích ăn kẹo dồi. Này, cầm lấy một ít, thi thoảng ăn cho đỡ buồn.

Thụy đưa tay ra nhận, mà cổ họng cứ cứng lại. Ông cười hiền với Thụy một cái, rồi đi tiếp những bước khó nhọc. Nước mắt Thụy bỗng chảy xuống. Tiếng còi tàu vướng vít trong óc cô dữ dội. Cô ngồi phịch xuống đất, hai tay ôm chặt lấy đầu mình.

Ai đó vỗ nhẹ vào vai Thụy. Mắt Thụy ngân ngấn nước, ngẩng đầu lên. Là bà Thao. Thụy thấy ánh mắt bà nhìn mình như thân thuộc, như hiểu cả tấc lòng mình.

- Mệt rồi, thì về nghỉ đi. Đừng để cuộc đời bắt mình phải chạy đua theo nó. Cái gì qua được, cứ để nó qua đi. Chớ ôm vào mình, khổ mãi đấy cháu ạ. 

Thụy ôm bà Thao khóc nức nở như một đứa trẻ. Bà vuốt mái tóc Thụy.

- Nín đi. Bà thương. Mới đó đã lớn ngần ni rồi.

Ở vai Thụy có một vết chàm vuông vắn. Hôm nọ mang cháo cho Thụy, bà Thao nhìn thấy vết chàm đó. Thụy cứ ngỡ, bà là người duy nhất ở làng Lụa, đinh ninh về sự trở về của Thụy. Thụy xin bà Thao giữ kín chuyện Thụy về.

***

Thằng con trai của ả rủ Thụy đi hát ở làng bên. Thụy nhận lời, tối nay Thụy muốn chuốc say thằng con của ả, để ả lọ mọ cả đêm cũng không tìm thấy đứa con vàng ngọc. Thụy trang điểm đậm và sắc, như cố đeo lên mình chiếc mặt của quỷ hay che đậy gương mặt nhằng nhịt những vết thương chưa liền sẹo. Trước khi rời khỏi nhà, Thụy ngắm nghía con búp bê xinh đẹp trong bộ váy đỏ. Thụy hôn lên trán nó, ôm nó vào lòng một lát rồi nhẹ nhàng đặt xuống giường.

Trời lắc rắc mưa. Thụy nghe tiếng huýt sáo là bước ra khỏi nhà. Chiếc xe Wave xanh lọc tọc của con trai ả chở Thụy đi. Bóng tối phủ đầy ngôi làng bé nhỏ. Lúc đi ngang qua cây cầu để sang xóm bên, bỗng nhiên Thụy lại muốn dừng lại để trở về. Không hiểu sao Thụy thấy cuộc đời này như đang làm quắt queo trái tim yếu mềm của Thụy. Thụy không muốn trả thù nữa. Thụy mỏi mệt và muốn dừng lại tất cả. Thụy chỉ muốn sống bình yên với quá khứ về mẹ, thế là đủ. Chiếc xe lọc tọc vẫn chở Thụy vào bóng đêm hun hút.

Thụy không còn màng tới chuyện chuốc say con trai ả nữa. Thụy muốn say, say để mà quên. Thụy chìm vào cơn say, đầu óc Thụy đau quá. Sao tiếng còi tàu ở đâu cứ bám riết lấy Thụy mãi. Đến cả khi say rồi mà vẫn ám ảnh bởi một tiếng còi tàu. Hãy để Thụy yên! Đừng để Thụy như con nhện trên trần nhà, mải miết tìm lối thoát, cuối cùng cũng cứ quẩn quanh mãi trên chính những sợi tơ do mình giăng kín…

Truyện ngắn của Dương Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.