SEA Games 32: Chiến lược đúng đắn của vovinam Việt Nam

Quang Tuyến
Quang Tuyến
07/05/2023 16:23 GMT+7

Vovinam là một trong những môn có nhiều bộ huy chương nhất tại SEA Games 32 khi Campuchia tổ chức đến 29 nội dung. Điều đó đã bắt đầu cho thấy sự lớn mạnh của môn võ quốc hồn quốc túy của Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà vovinam tại SEA Games 32 có rất nhiều nội dung, chỉ đứng sau 3 môn Olympic là điền kinh (47), bơi (40), vật (30). Bởi lý do đầu tiên là sức sống của vovinam đã ngày càng mạnh mẽ được nhiều nước trong khu vực tập luyện và tham gia tranh tài. Nếu tính từ SEA Games 2011 khi vovinam xuất hiện lần đầu tại Indonesia với 14 nội dung rồi năm 2013 tại Myanmar với 18 nội dung, lần thứ 3 tại Hà Nội năm rồi với 15 nội dung thì việc chủ nhà Campuchia tổ chức gấp đôi số nội dung thi đấu là một sự khẳng định môn võ của chúng ta đã có một chỗ đứng rất đáng kể trên bản đồ khu vực.

Võ sĩ vovinam Việt Nam vừa sốt 39 độ vẫn giành HCV: ‘Em vừa đánh vừa bệnh’

SEA Games 32: Chiến lược đúng đắn của Vovinam Việt Nam - Ảnh 1.

Vovinam tại SEA Games 32 thu hút 7/11 quốc gia tham gia

Ngọc Dương

Một lý do khác đó là chiến lược đúng đắn của ngành TDTT và Liên đoàn Vovinam Việt Nam khi chúng ta chấp nhận không thâu tóm huy chương bằng mọi giá để triệt tiêu phong trào. Ai cũng biết vovinam là thế mạnh của người Việt cũng giống như pencak silat của Indonesia, muay của Thái Lan, võ gậy arnis của Philippines. Nếu những quốc gia sản sinh ra các môn võ này cứ thế mà thâu tóm thành tích tại bất kỳ đại hội nào thì sẽ không bao giờ có nhiều quốc gia khác tham gia nữa. Điều đó dĩ nhiên sẽ bất lợi cho phong trào. Thế nên vovinam trong giai đoạn đầu mở cửa cần tìm "đồng minh", cần có sự hậu thuẫn và tạo cơ hội để môn võ này thẩm thấu đến nhiều quốc gia hơn là tranh đoạt huy chương, mà cách tốt nhất chính là khích lệ nhiều quốc gia tranh tài ở các nội dung biểu diễn và chỉ "đóng khung" 8 nội dung đối kháng.

SEA Games 32: Chiến lược đúng đắn của Vovinam Việt Nam - Ảnh 2.

Vovinam đã lan tỏa mạnh mẽ tại SEA Games 32

Ngọc Dương

Chủ nhà Campuchia và một số nước cũng nhìn ra "chiến lược" này của Liên đoàn Vovinam Việt Nam nên đã đẩy mạnh việc tổ chức đến 21 nội dung biểu diễn và chỉ 8 nội dung đối kháng. Một phần do tại SEA Games 31 Campuchia từng giành đến 10 huy chương các loại ở nội dung biểu diễn nên họ có động lực để nâng số nội dung thi đấu. Mặt khác ở nội dung biểu diễn việc chấm điểm của các trọng tài ngoài các yếu tố chuyên môn khó tránh khỏi bị tác động một phần cảm tính, nên tổ chức nhiều nội dung biểu diễn thì cơ hội có thành tích sẽ nhiều. Thế nên không ngạc nhiên khi HCV những ngày qua của Việt Nam chủ yếu ở nội dung đối kháng bởi điểm số sẽ rõ ràng do đòn thế được chấm đâu ra đó, còn ở nội dung biểu diễn thì thành tích của các võ sĩ Việt Nam chỉ ở mức chấp nhận được.

SEA Games 32: Chiến lược đúng đắn của Vovinam Việt Nam - Ảnh 3.

Đỗ Phương Thảo giành HCV cho Việt Nam ở môn đối kháng

Giang Lao

Kết quả này dĩ nhiên đã đi đúng chiến lược mà vovinam mong muốn. Chúng ta có thể không giành nhất toàn đoàn, thậm chí ít huy chương vàng hơn chủ nhà Campuchia. Nhưng điều đó không hề hấn gì, không hề đánh mất thế mạnh của vovinam Việt Nam. Ngược lại chính việc lùi một bước như vậy là một nước cờ đúng để hình ảnh vovinam lan tỏa mạnh hơn, thu hút nhiều hơn và tạo sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn cho sự phát triển lâu dài.

Nữ võ sĩ vovinam Lê Thị Hiền quả cảm giành HCV dù gặp chấn thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.