“Cháy hết mình” cùng con

17/03/2012 08:35 GMT+7

Nhiều bạn nhỏ ở đô thị được người lớn sắm ít nhất một thùng ứ hự đủ loại đồ chơi, cả những món đồ chơi “thông minh” bạc triệu. Nhưng hai “bạn chơi” trẻ thích nhất là cha mẹ thì luôn thiếu vắng hoặc thiếu “lửa”.

Nhiều bạn nhỏ ở đô thị được người lớn sắm ít nhất một thùng ứ hự đủ loại đồ chơi, cả những món đồ chơi “thông minh” bạc triệu. Nhưng hai “bạn chơi” trẻ thích nhất là cha mẹ thì luôn thiếu vắng hoặc thiếu “lửa”.

 
Tranh thủ thời gian chơi cùng con sẽ đem đến cho cả cha mẹ và trẻ những niềm vui lớn - Ảnh: Quân Nam

Thiếu thời gian

 
Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, việc ưu tiên dành thời gian “có chất lượng” cho con còn khiến trẻ cảm thấy tự hào về cha mẹ. Chắc chắn hai “bạn chơi” ấy sẽ xuất hiện thật đẹp trong những câu chuyện con kể cho bạn bè nghe.

Cuối tuần, vào trang Facebook của người bạn thời SV, tôi đọc được những dòng chữ đầy ân hận: “... Phải chi tối đó mình ngừng coi tivi chơi với con một chút thì vợ chồng đâu có hục hặc...”. Số là tối đó anh đang nằm xem bóng đá thì cu Hiền (4 tuổi) cầm mấy viên bi đến gần rủ ba cùng chơi bắn bi. Vì mải xem bóng đá nên anh gạt con ra và bảo “Đi chỗ khác chơi!”.

Bỗng dưng bị gạt phắt nên cu Hiền nổi nóng ném luôn viên bi trên tay về phía tivi. Ngay lập tức anh hét lên: “Một lần nữa là no đòn đấy!”. Lại thêm một viên bi nữa bay vèo về phía màn hình nhỏ. Không kìm được cơn giận, anh ngồi bật dậy phát ba cái vào mông khiến cu Hiền khóc ầm lên. Vợ anh chạy tới ôm con, lớn tiếng trách chồng mê muội bóng đá. Đêm đó cu Hiền nức nở đến tận khuya, còn vợ anh giận dỗi suốt mấy ngày.

Thật ra, chuyện trẻ bị cha mẹ từ chối chơi không hiếm. Tại sân chơi Nhà Thiếu nhi TP.HCM, khi được hỏi anh Tuấn Lâm (Q.3, TP.HCM) than thở: “Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, tối về cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, coi tivi một chút là đến giờ đi ngủ”. Còn chị Thu Ngân (Q.1, TP.HCM) làm kế toán, lắm khi đem việc về nhà làm mới kịp, ông xã chị là bác sĩ, ngoài giờ và cuối tuần còn làm phòng mạch tư. “Lâu lâu mình dắt tụi nhỏ đi tụ điểm vui chơi” - chị nói.

Chị Tuyết Ngọc, nhà trên đường Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5, TP.HCM), khoe: “Thằng bé nhà tôi có bốn giỏ đồ chơi bằng gỗ và nhựa, chưa kể các loại mô hình lắp ráp, robot trái cây, siêu nhân, xe hơi điều khiển từ xa”. Theo chị, chừng ấy đồ chơi là quá đủ cho con, mỗi khi con bày đồ chơi là chị tranh thủ làm nốt công việc dang dở hoặc chăm sóc bản thân, còn ông xã chị đọc báo, xem tivi. Chị nói: “Thằng bé tự chơi, người lớn ai lại chơi mấy thứ đó”.

Thiếu “lửa”

Trong một khóa huấn luyện cha mẹ, ThS Trần Thị Ái Liên cho từng cặp học viên sắm vai cha/mẹ-con, hễ con làm gì thì cha/mẹ làm theo. Thế là họ cùng nhảy lò cò, đi lượn vòng, nhảy múa, thậm chí lăn lộn dưới sàn nhà. Sau đó từng cặp đổi vai cho nhau. Anh Hưng chia sẻ: “Khi chơi, dù trong vai cha hay con gì cũng thấy vui, xả stress”. Theo bà Liên, chơi đùa còn là cách đơn giản nhất để trở thành bạn đồng hành với con trong cuộc sống sau này.

Trẻ con cần được chơi đùa. Vì vậy, việc cha mẹ dồn ép con vào việc học mà hạn chế lao động và vui chơi là không ổn cho sự phát triển tự nhiên của trẻ. Biết vậy, nhưng cha mẹ lấy đâu ra thời gian?

Trao đổi với bà mẹ đặt câu hỏi này tại một buổi tọa đàm, GS.TS Vũ Gia Hiền nói: “Nếu cha mẹ xem con cái quan trọng thì phải dành thời gian ưu tiên cho chúng”. Không chỉ vậy, theo ông Hiền, thời gian dành cho con cần “chất lượng”. Bởi lắm khi cha mẹ chơi với con nhưng đầu óc cứ để đâu đâu hoặc tranh thủ làm việc riêng khiến trẻ chán ngấy. Cha mẹ cần biết quên phận người lớn để hòa mình vào thế giới trẻ thơ, “cháy hết mình” cùng trẻ. Ngoài ra khi chơi cha mẹ chứng tỏ hơn hẳn thì trẻ chẳng thèm chơi cùng.

Nhưng để trẻ không quá đáng và quá đà trong thể hiện bản thân thì “luật chơi”cần rõ ràng, chẳng hạn như không nói tục, bạo lực hay hỗn láo... Đặc biệt, khi chơi mà trẻ vi phạm các nguyên tắc đạo đức xã hội (đánh bà, đánh mẹ) thì đừng bỏ qua mà đổi vai cho trẻ cảm nhận và đào thải các hành vi xấu. Đặc biệt, khi trẻ đạt hứng thú cao nhất thì cha mẹ cần tìm lý do rút lui để trẻ tiếp tục khát khao. “Lý do rút lui cần hợp lý, vì trẻ có thể nghĩ rằng cha mẹ không yêu trẻ” - ông Hiền lưu ý.

Ông Hiền cho rằng chơi đùa không chỉ để vui mà qua đó giáo dục trẻ. Đồ chơi chính là những vật dụng trong nhà, vấn đề còn lại là sự sáng tạo của cha mẹ. Chẳng hạn, muốn trẻ khéo tay có thể tổ chức thi xếp quần áo, rửa ly chén. Hay “chơi” trang trí nhà cửa là cách dạy trẻ biết lên kế hoạch, tổ chức công việc, làm việc nhóm. Theo bà Ái Liên, việc chơi cần phù hợp với lứa tuổi, tính cách, năng khiếu của trẻ. “Quan trọng là cha mẹ dành thời gian bày trò, chơi cùng trẻ và phải chơi hết mình” - bà Liên nhấn mạnh.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.