Thỏa thuận báo hiệu thay đổi lớn ở Trung Đông

Khánh An
Khánh An
13/03/2023 07:26 GMT+7

Thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út có thể kéo theo những thay đổi đáng chú ý trong khu vực và toàn cầu.

Theo Reuters ngày 12.3, thỏa thuận bất ngờ giữa Iran và Ả Rập Xê Út về việc khôi phục quan hệ ngoại giao có thể dẫn đến nhiều điều Mỹ rất quan tâm như khả năng kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran và cơ hội củng cố lệnh ngừng bắn ở Yemen. Tuy nhiên, động thái trên cũng thể hiện điều mà Nhà Trắng cảm thấy lo lắng là vai trò của Trung Quốc làm trung gian hòa bình tại một khu vực mà từ lâu Mỹ đã có tầm ảnh hưởng lớn.

Thỏa thuận báo hiệu thay đổi lớn ở Trung Đông - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và các quan chức cấp cao Iran, Ả Rập Xê Út tại Bắc Kinh hôm 10.3

Reuters

Hy vọng mới

Thỏa thuận được công bố hôm 10.3 sau 4 ngày thảo luận kín ở Bắc Kinh giữa giới chức an ninh cấp cao Iran và Ả Rập Xê Út. Hai quốc gia đầu đàn của 2 dòng Hồi giáo Shi'ite và Sunni ở Trung Đông đã trong thế đối địch suốt nhiều năm, đồng thời ủng hộ các phe kình chống nhau tại nhiều nước. Tại Yemen, chiến dịch quân sự của liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu chống lại lực lượng nổi dậy do Iran hậu thuẫn. Tại Syria, Iran ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong khi Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh khác ủng hộ lực lượng nổi dậy. Chưa hết, tại Li Băng, Tehran và Riyadh còn ủng hộ những bên khác nhau giữa khủng hoảng chính trị kéo dài 2 thập niên.

Quan hệ ngoại giao song phương chính thức bị cắt đứt vào năm 2016 sau khi nhiều người xông vào đại sứ quán của Ả Rập Xê Út tại Tehran, liên quan đến tranh cãi song phương sau khi chính quyền Riyadh xử tử một giáo sĩ dòng Shi'ite.

CNN dẫn lời giới quan sát cho rằng nhiều vấn đề về kinh tế sau đại dịch Covid-19 và những cuộc chiến tốn kém có thể đã khiến giới chức Iran và Ả Rập Xê Út muốn bước sang trang mới. Hai bên còn cho biết có thể sẽ khôi phục các thỏa thuận hợp tác về an ninh, công nghệ và thương mại. Tuy nhiên, động thái mới có thể làm phức tạp mong muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và Ả Rập Xê Út, do Israel từ lâu đã "không đội trời chung" với với Iran.

Nỗi lo của Mỹ?

Sau khi thỏa thuận được công bố, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết Washington không liên quan trực tiếp đến quá trình đàm phán, nhưng đã được Ả Rập Xê Út thông báo. Tờ The Washington Post dẫn lời bà Suzanne Maloney, Phó chủ tịch Viện Brookings (Mỹ), cho rằng điều cần lưu ý là kết quả này đã đem lại cho Trung Quốc thắng lợi rất lớn về quan hệ và thể hiện tầm vóc mới trong khu vực.

Theo cựu quan chức ngoại giao Daniel Russel, từng phụ trách khu vực Đông Á dưới chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, việc Trung Quốc tự làm trung gian trong một tranh chấp mà họ không hoàn toàn ngả về bên nào là điều bất thường. Chuyên gia Naysan Rafati của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (trụ sở tại Bỉ) cũng bình luận: "Vấn đề là vào thời điểm bị Mỹ và các đối tác phương Tây gia tăng áp lực, Iran sẽ tin tưởng vào khả năng có thể phá vỡ thế cô lập dựa vào sự che chở của Trung Quốc". Một số nhà quan sát khác cũng đặt vấn đề sự thay đổi cục diện ảnh hưởng của Mỹ - Trung tại khu vực Trung Đông.

Trong khi đó, ông Kirby cho biết Mỹ đang theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc ở Trung Đông và các nơi khác. Về phía Trung Quốc, sau khi tổ chức đối thoại giúp Iran và Ả Rập Xê Út nối lại quan hệ ngoại giao, Bắc Kinh khẳng định "không có động cơ ẩn giấu nào" cũng như không cố gắng lấp đầy bất cứ "khoảng trống" nào ở Trung Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.