Thủ tướng đặt ra '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh' cho Cần Thơ

12/05/2024 20:12 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị TP.Cần Thơ ngoài thực hiện các nhiệm vụ chung với cả nước còn phải tập trung phát triển các yếu tố đặc thù với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'.

Ngày 12.5, tại UBND P.Thới Hòa, Q.Ô Môn (TP.Cần Thơ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc với hơn 200 cử tri là người dân, các vị chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo… trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cử tri mong mỏi triển khai thực hiện nhiều dự án

Tại đây, một số cử tri bày tỏ ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Theo cử tri Lý Văn Dũng (P.Châu Văn Liêm), năm 2010, dự án (DA) đường khí dẫn Lô B - Ô Môn được triển khai thực hiện và đã kiểm kê bồi thường, nhưng sau đó ngưng. Đến năm 2012, DA được triển khai tiếp và cũng kiểm kê bồi hoàn rồi lại ngưng cho đến nay. Ông Dũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm triển khai thực hiện DA nêu trên vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân có đất ảnh hưởng bởi DA.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời ý kiến của cử tri

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời ý kiến của cử tri

THANH DUY

Trong khi đó, cử tri Lưu Minh Hùng (P.Thới Hòa) bày tỏ sự băn khoăn khi người dân trông đợi sớm thực hiện DA đường Ô Môn - Giồng Riềng (kết nối Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp). Ngoài ra, cử tri còn nói lên các vấn đề về phân loại rác thải sinh hoạt, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; tình trạng nắng nóng, hạn mặn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước hiện đan xen giữa khó khăn và thuận lợi, thách thức và cơ hội. Quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng đều làm hiệu quả. Chưa bao giờ đất nước có tiềm lực, cơ đồ, uy tín quốc tế như ngày nay…

Theo Thủ tướng, T.Ư đang đẩy mạnh đầu tư và khâu đột phá tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, cơ chế, chính sách đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói, hiện "cả nước như một công trường", vì từ Bắc vào Nam có đến 45 tỉnh, thành có công trình cao tốc, giao thông trọng điểm. Riêng ĐBSCL, nguồn lực đầu tư ưu tiên cho vùng trong nhiệm kỳ này cao gấp 3 - 4 lần so với các nhiệm kỳ trước.

Thủ tướng đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, khô hạn, úng ngập tại ĐBSCL. Năm 2023, T.Ư đã dành hơn 4.000 tỉ đồng cho việc phòng chống, ứng phó, khắc phục sạt lở. Sau buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng thực hiện ngay chuyến khảo sát, qua đó đánh giá thực trạng để tiếp tục cân đối, bố trí nguồn lực cho vấn đề sạt lở, khô mặn, sụt lún tại vùng.

Phát triển hạ tầng đồng bộ

Trả lời cử tri Cần Thơ về DA đường Ô Môn - Giồng Riềng, Thủ tướng cho biết đã có kế hoạch triển khai theo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời phân cấp giao chủ đầu tư là UBND TP.Cần Thơ sử dụng ngân sách địa phương, nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho DA. Hiện, Bộ KH-ĐT đang tập hợp giải quyết cùng với địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi tiếp xúc cử tri

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi tiếp xúc cử tri

THANH DUY

Trong khi đó, DA mỏ khí lô B và 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn (2, 3, 4) cơ bản giải quyết xong, các thủ tục dần được tháo gỡ và bắt đầu đi vào khai thác. Thượng nguồn là khai thác khí, trung nguồn là vận chuyển, hạ nguồn là sản xuất khí ra điện. Dự kiến, năm 2026 đưa vào khai thác luồng khí đầu tiên. Trên cơ sở đó, 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn sẽ lần lượt sản xuất vào các năm 2026, 2027, 2028.

Đối với TP.Cần Thơ, ngoài các nhiệm vụ chung với cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng mang tính đặc thù, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".

"1 trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền tiềm năng.

"2 tăng cường" xác định là đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế, nhất là về kinh tế, sản xuất, tiêu dùng thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi giá trị.

"3 đẩy mạnh", gồm: phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm (hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng văn hóa...); phát triển công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo phục vụ cho chuỗi sản xuất, cung ứng cho khu vực, thế giới; những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.