Thủ tướng nghe người Việt ở New Zealand 'hiến kế'

An Nguyên
(từ Wellington, New Zealand)
11/03/2024 05:00 GMT+7

Tiếp tục chương trình thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành gần như cả ngày hôm qua (10.3) để gặp gỡ cộng đồng người Việt, gồm nhóm các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt tại Auckland và bà con kiều bào tại Wellington.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ trưởng đã thực sự lắng nghe được nhiều ý kiến, kiến nghị thẳng thắn mà nói như Thủ tướng là "các ý kiến đã gợi ý cho tôi nhiều cách tiếp cận mới".

Người Việt cần gì khi bước ra thế giới?

Trong cuộc làm việc của Thủ tướng với nhóm trí thức, chuyên gia công nghệ người Việt (VietTech New Zealand) buổi sáng qua, nhà sáng lập Phạm Đăng Khoa (Giám đốc Tập đoàn công nghệ CodeHQ) cho biết ngành công nghệ thông tin ở New Zealand phát triển rất mạnh. "Chúng tôi nhận thức đây là cơ hội quan trọng để đi vào lĩnh vực này, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và làm cầu nối quan hệ hai nước", ông Khoa nói.

Thủ tướng nghe người Việt ở New Zealand 'hiến kế'- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân gặp cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand

Dương Giang

Ông Phạm Đình Trực, cố vấn chiến lược sáng tạo của Công ty Neurofrog (Health IT), đề nghị Chính phủ quan tâm phát triển ngành công nghệ y tế. "Công nghệ y tế ở New Zealand là mũi nhọn, rất quan trọng, năng động và phát triển nhanh. Họ ứng dụng những nguyên vật liệu sẵn có để sáng tạo ra các thiết bị y tế tiên tiến", ông Trực nói.

Bà Lê Hoài Thu, chuyên gia marketing cao cấp tại công ty cung ứng và phân phối sản phẩm công nghệ Ingram Micro New Zealand, đóng góp nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Là người có kinh nghiệm trong tuyển dụng nhân sự, bà Hoài Thu cho rằng các bạn trẻ Việt Nam có chuyên môn giỏi nhưng chiến lược thiếu, thường bị loại ở vòng cuối.

Theo bà Thu, nguyên nhân là do người Việt thiếu tự tin, kiến thức chuyên môn giỏi nhưng ít khi được tuyển vào các vị trí chiến lược. "Lúc đầu khi tôi mới qua đây để kiếm việc làm, nghĩ, hễ sếp nói thì cứ thế nghe mà làm theo, có sáng kiến cũng không dám nói ra. Điều đó lại rất bất lợi cho mình. Ở đây, làm việc là phải có sáng kiến, phải nói ra mới được ghi nhận", bà Thu nói.

"Đề nghị ngành giáo dục trang bị thêm kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm cho sinh viên", bà Thu nói.

Không hẹn mà gặp, kiến nghị này một lần nữa được bà Nguyễn Thị Thu Hương (định cư ở New Zealand đã 20 năm, kinh doanh ngành làm đẹp) lặp lại với Thủ tướng trong cuộc gặp gỡ kiều bào tại Wellington vào buổi chiều. Bà Hương chỉ ra một thực tế rằng người Việt nói chung, người Việt sang New Zealand nói riêng, có bằng cấp rất chuẩn, giỏi chuyên môn nhưng ra nước ngoài rất khó tìm được việc làm, lý do là việc đào tạo trong nước còn nặng về bằng cấp mà không chú ý kỹ năng mềm. "Đào tạo phải theo chuẩn nước ngoài, chứ đừng cứ theo thang bậc như của mình hiện nay", bà Hương nói.

Thủ tướng rất đồng tình với những phản ánh này, và nói: "Anh Sơn (Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - PV) chú ý cái này, đào tạo phải dạy cái người ta cần chứ đừng dạy cái trường có, chương trình phải hội nhập chứ đừng chỉ chú trọng bằng cấp thì cao mà kỹ năng thì thiếu".

New Zealand nồng ấm đón Thủ tướng Phạm Minh Chính

Bà Huỳnh Diễm Thúy, Giám đốc Công ty Goldenpine - một công ty có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với Việt Nam, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn làm ăn với thị trường nước ngoài nói chung và thị trường New Zealand nói riêng. Theo bà Thúy, New Zealand là thị trường nhỏ (có 5 triệu dân) nhưng có yêu cầu cao về chất lượng và đa dạng sản phẩm, nhưng các mặt hàng nông sản chế biến của Việt Nam lại đơn điệu về mẫu mã, nghèo nàn về sản phẩm. "Khi muốn thâm nhập thị trường nước ngoài thì các công ty Việt Nam cần hết sức chú ý đến hồ sơ hợp quy sản phẩm. Vừa rồi tôi có làm việc với một công ty đồ hộp thủy sản lớn nhưng khi yêu cầu các chứng nhận sản phẩm thì không có, thành ra hợp đồng không thành", bà Thúy lấy ví dụ.

Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zealand cũng khuyến cáo khi tiếp cận thị trường, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược bài bản, dài hạn, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường này với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra doanh nghiệp phải tích cực tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm) hoặc các chương trình giao thương nhằm tìm kiếm đối tác, quảng bá các sản phẩm chất lượng của Việt Nam tại thị trường.

Cam kết nhiều chính sách cho kiều bào

Theo Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung, cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng trên 11.000 người. Trong cộng đồng đã thành lập các hội đoàn theo nghề nghiệp, lĩnh vực, địa bàn hoạt động… Nhiều người Việt thành công trên các lĩnh vực, như kinh doanh, nghiên cứu khoa học, làm việc trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp của New Zealand, đặc biệt có người trở thành nghị sĩ của New Zealand.

Phát biểu với cộng đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, đáng quý từ thực tiễn trải nghiệm đầy năng động, sáng tạo, nhiều khát vọng tại New Zealand. Theo Thủ tướng, các đại biểu đã chia sẻ những trải nghiệm cá nhân nhưng có tính khái quát cao, gợi mở nhiều định hướng, giải pháp đáng chú ý về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực…

Cho rằng con người là yếu tố quan trọng nhất và con người trưởng thành qua học tập, đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao các sáng kiến và hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt tại New Zealand. Thủ tướng đề nghị thúc đẩy các cơ quan phía New Zealand công nhận người Việt tại New Zealand là cộng đồng người thiểu số.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, mong bà con luôn đoàn kết, thống nhất, người đi trước giúp đỡ người đi sau, chia sẻ kinh nghiệm sống, hỗ trợ người mới sang hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học - Công nghệ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về giải thưởng về khoa học - công nghệ cho người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao khẩn trương xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức tại Việt Nam diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Các Bộ: Khoa học - Công nghệ, Giáo dục - Đào tạo, Kế hoạch - Đầu tư thiết lập các kênh trực tuyến để tiếp nhận ý kiến của cộng đồng trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài theo các lĩnh vực quản lý.

Trả lời câu hỏi về chính sách thu hút người tài về nước làm việc, Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế. Điều Thủ tướng mong mỏi nhất là mỗi người nỗ lực làm việc để lo được cho bản thân, gia đình, xã hội, từ đó góp sức xây dựng quê hương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao các bộ trưởng nghiên cứu đề xuất của kiều bào, như đưa tiếng Anh vào giảng dạy bắt buộc từ lớp 1, đơn giản thủ tục visa, liên kết đào tạo với New Zealand, hỗ trợ lao động đến đây làm việc... "Vấn đề visa, tôi sẽ bàn bạc cùng Chính phủ New Zealand trên cơ sở có đi có lại, thuận lợi cho cả hai bên và đơn giản hóa thủ tục cho người nước ngoài", Thủ tướng nói.

Khi tiếp ông Simon Bridges, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Auckland, và lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu của New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng để ngỏ khả năng mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand. Theo Thủ tướng, với đà phục hồi kinh tế - xã hội hiện nay, cùng với nhu cầu đi lại của 11.000 người Việt đang làm ăn, sinh sống, học tập tại New Zealand và nhu cầu du lịch tới quốc gia tươi đẹp này, tới đây hai bên sẽ có những thỏa thuận cải thiện chính sách visa và cơ hội mở lại đường bay thẳng.

Hôm nay (11.3), Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân, sau đó hai Thủ tướng sẽ hội đàm thảo luận một số vấn đề quan trọng. Thủ tướng sẽ dự tọa đàm tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand trước khi hội kiến Chủ tịch Quốc hội và Toàn quyền New Zealand. Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ sinh viên và phát biểu chính sách tại Đại học Victoria, trước khi về nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức New Zealand.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.