Thuế thu nhập cá nhân tăng từ nguồn nào?

09/12/2021 06:57 GMT+7

Đó là câu hỏi của rất nhiều người bởi trong năm nay và cả năm trước, thu nhập cá nhân của rất nhiều người đã giảm mạnh nhưng thu thuế thu nhập cá nhân chỉ cần 11 tháng đã cán đích. Vậy nguồn thu này đến từ đâu?

Tăng hơn 8.300 tỉ đồng

Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ đầu năm 2021 đến hết tháng 11 tăng 7,7% so với dự toán. Mặc dù không đưa ra con số cụ thể số thu này là bao nhiêu, nhưng theo công bố dự toán ngân sách nhà nước 2021 của Bộ Tài chính, sắc thuế này là 107.796 tỉ đồng. Như vậy trong 11 tháng đầu năm, số thu thuế TNCN đã lên con số 116.096 tỉ đồng, tăng 8.300 tỉ đồng so với dự toán.

Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế TNCN năm 2021 tăng do tập trung vào các khoản như chuyển nhượng chứng khoán

Ngọc Thắng

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó chánh văn phòng Tổng cục Thuế, cho biết trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên toàn quốc, số thu từ thuế TNCN tăng tập trung vào các khoản như chuyển nhượng chứng khoán; đầu tư vốn; chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản. Cụ thể, thu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán trong 10 tháng đầu năm tăng 220,8% so với cùng kỳ; từ chuyển nhượng bất động sản hay nhận thừa kế và nhận quà tặng tăng 25,8%; cho thuê tài sản tăng 7%; đầu tư vốn tăng 46,5%. Còn thuế TNCN từ tiền lương, tiền công giảm 0,5% so với cùng kỳ và từ chuyển nhượng vốn (không bao gồm chứng khoán) giảm 11% so với cùng kỳ. Ông Huy cũng cho hay dự ước tổng số thu từ thuế TNCN cả năm 2021 đạt 114% so với dự toán, tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số thu từ tiền công, tiền lương sẽ giảm khoảng 0,4% do thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Bù lại, những khoản thu khác tăng mạnh gần 23%.

Trong cơ cấu đóng thuế TNCN, tỷ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn, hơn 70%. Những khoản đóng góp khác như chứng khoán, bất động sản dù có tăng mạnh đi nữa, tính theo số tuyệt đối thì cũng không nhiều

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

Chuyên gia tư vấn về thuế Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Doanh nghiệp TP.HCM, lý giải số thu thuế TNCN từ hoạt động chứng khoán tăng là điều có thể nhìn thấy thông qua sự sôi động của thị trường chứng khoán trong năm qua.

Bởi nhà đầu tư cứ bán hay mua cổ phiếu đều phải nộp thuế TNCN 0,1% và nộp thuế 5% khi nhận được. Trong năm 2020, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán là 17.984 tỉ đồng/phiên. Dự kiến trong năm 2021 giá trị giao dịch bình quân tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2020 khi trong 10 tháng qua, giá trị giao dịch bình quân đã đạt gần 36.000 tỉ đồng/phiên. Do đó, số thu ngân sách từ hoạt động giao dịch chứng khoán tăng gấp đôi, chưa kể từ chuyển nhượng vốn.

Nhưng riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng mới đây công bố số lượng giao dịch quý 3 giảm mạnh, chỉ đạt 11.615 giao dịch, bằng 39% so với quý 2 mà thu thuế TNCN vẫn tăng thì có thể là một số giao dịch đã diễn ra trong năm trước nhưng sang năm nay mới hoàn thành thủ tục.

Ông Nghĩa cũng cho rằng nguồn thu còn đến từ việc cơ quan thuế đã đẩy mạnh thu thuế từ các hoạt động kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử và truy thu thuế của những năm trước. Ví dụ ngay từ đầu năm nay, việc một cô gái ở Hà Nội tự kê khai có thu nhập 330 tỉ đồng trong một năm và nộp thuế TNCN 23,4 tỉ đồng, hay một cá nhân khác cũng tại Hà Nội đã khai thu nhập 260 tỉ đồng và nộp thuế hơn 18 tỉ đồng...

Về số thu từ bất động sản tăng trong khi giao dịch giảm, một lãnh đạo ngành thuế giải thích, thống kê của Bộ Xây dựng về giao dịch chung cả tổ chức và cá nhân, còn thuế TNCN chỉ tính riêng đối với giao dịch cá nhân. Mà giao dịch cá nhân tăng, thêm vào đó việc tăng cường kê khai tính thuế cũng chặt chẽ hơn. Do đó, số thu thuế TNCN bất động sản mới tăng lên.

Tiền công, tiền lương vẫn chiếm hơn 70% số thu thuế

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cũng tỏ ra khá ngạc nhiên khi số thu thuế TNCN vừa công bố tăng so với dự toán trước đó và đề nghị ngành thuế có phân tích rõ về cơ cấu nguồn thu, vì thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát hầu hết ở các tỉnh thành trên cả nước, nhất là TP.HCM, địa phương đóng góp ngân sách lớn nhưng chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch.

Theo ông Trần Xoa, khi xây dựng dự toán ngân sách năm 2021, số thuế đã được điều chỉnh giảm xuống do đánh giá dịch bệnh còn phức tạp. Thế nhưng, thực tế chỉ 11 tháng đầu năm 2021, số thu ngân sách đã vượt cả năm dù rằng tăng trưởng kinh tế âm, thu nhập người dân sụt giảm... là điều khó hiểu. “Trong cơ cấu đóng thuế TNCN, tỷ lệ từ tiền công, tiền lương vẫn chiếm rất lớn, hơn 70%. Những khoản đóng góp khác như chứng khoán, bất động sản dù có tăng mạnh đi nữa, tính theo số tuyệt đối thì cũng không nhiều. Thuế TNCN vẫn đến chủ yếu từ người làm công ăn lương.

Khi quy định điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế vào năm ngoái, cơ quan thuế đã có cảnh báo về khả năng sụt giảm nguồn thu từ tiền công, tiền lương. Thế nhưng con số thực tế chỉ giảm không đáng kể, trong khi cuộc sống của người lao động chịu nhiều ảnh hưởng tác động từ đại dịch Covid-19, thu nhập giảm nhưng chi phí cho cuộc sống lại tăng lên. Số thu tăng trong bối cảnh này là rất ngạc nhiên”, ông Xoa nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng ngành thuế vẫn chủ yếu đang nắm “người có tóc” là số người làm công ăn lương. Nhưng số người nộp thuế này sẽ khó tăng do thu nhập bị giảm. Đó là chưa kể mức chiết trừ gia cảnh, bậc thuế quá dày và cao cũng không khuyến khích và nuôi dưỡng nguồn thu. Trong khi đó, vẫn còn có nhiều cá nhân hoạt động không chính thức mà theo ông ước tính sẽ chiếm khoảng 20% số lao động cả nước vẫn có thể chưa kê khai thu nhập đến mức đóng thuế. Vì vậy, TS Hiển cho rằng ngành thuế cần đẩy mạnh công tác quản lý thuế TNCN ở nhiều nguồn mới và song song xem xét nâng mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc; thay đổi bậc thuế lũy tiến cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Mặc dù trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp và số người lao động bị giảm thu nhập tăng cao vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng số thu từ những người làm công ăn lương giảm không đáng kể. Cụ thể theo Tổng cục Thống kê, tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm tại khu vực thành thị là 3%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Hay thống kê cũng cho thấy thu nhập của người dân đã sụt giảm từ năm 2020 đến nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.